Thứ hai, 20/1/2025
Thứ tư, 18/11/2020, 01:00 (GMT+7)

Những lớp học 'có một không hai' thời bình dân học vụ

Khi phong trào bình dân học vụ được phát động năm 1945, người dân Việt Nam học trên thuyền bè, khi đi tát nước, thậm chí lúc đang hành quân.

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ba sắc lệnh 17, 19, 20 để thiết lập Nha Bình dân học vụ, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có ít nhất một lớp bình dân, cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.

Phong trào nổ ra mạnh mẽ, đặc biệt tại Hà Nội. Các lớp học tại thủ đô chủ yếu mở vào buổi tối, dùng đèn dầu để thắp sáng. Không chỉ tổ chức lớp học, người dân Hà Nội, tiêu biểu là khu phố Hà Trung, còn cổ động phong trào bằng cách diễu hành, giơ khẩu hiệu "chống nạn mù chữ".

Để đặt nền móng cho bình dân học vụ ở Trung bộ, Nha Bình dân học vụ đã cử một đoàn huấn luyện viên vào Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế, để tổ chức một khóa huấn luyện, gọi là "Phan Thanh", cho 67 đại biểu các tỉnh miền Trung từ ngày 15 đến 24/11/1945.

Sau đó, những cán bộ này đóng vai trò lan tỏa, xây dựng các lớp bình dân học vụ tại quy mô nhỏ, đến gần người dân hơn. Tại xã Triệu Phong, tỉnh Thừa Thiên Huế, nông dân vừa đạp nước, vừa học chữ trong kháng chiến chống Pháp.

Tháng 7/1946, một khóa huấn luyện khác mang tên "Đoàn kết" dành cho đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức bởi cán bộ Nha Bình dân học vụ. Trừ một vài nơi có trường học, bàn ghế riêng biệt, phân đông các lớp học rất sơ sài.

Địa điểm lớp học phải đặt theo sự thuận tiện của cả học viên và giáo viên. Nếu không có công quán, các lớp được tổ chức ngay tại nhà dân trong vùng, mở chung cho cả thôn, xóm. Mỗi buổi học kéo dài 1-2 giờ.

Một lớp bình dân học vụ tại Cái Bè, Tiền Giang năm 1951. Nha Bình dân học vụ thành lập được nửa tháng thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm miền Nam. Dù Nha cử một số cán bộ vào gây dựng cơ sở, vì hoàn cảnh khó khăn, phong trào học chữ ở miền Nam không duy trì mạnh mẽ như ở miền Bắc và Trung.

Lớp bình dân học vụ của đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Các lớp thường được tổ chức ban ngày, khoảng 12-20 học viên, chủ yếu là trẻ em.

Với dân chài lưới, lớp học được tổ chức ngay trên thuyền bè. Để tạo điều kiện cho người dân, chính quyền còn mở các lớp học ở xưởng thợ, đồn điền cho công nhân, lớp tại chợ cho người buôn bán, lớp ở trại giam cho tù nhân, an dưỡng đường cho thương binh...

Vì thiếu thốn, học cụ của các lớp thường được tận dụng từ đồ dùng hàng ngày. Nhiều nơi dùng chõng tre làm bàn, bảng có khi là bức tưởng, cánh cửa hay tấm phản dựng lên. Gạch non, than củi và đất sét làm phấn, bút là thân cỏ vót nhọn, lấy "mực" từ bất cứ hoa và cây gì có thể ra màu.

Lớp bình dân học vụ đặc biệt của bộ đội khi đi hành quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ba lô của mỗi người đều được dán bảng chữ cái và các cụm từ dễ học, khi hành quân, người đi sau nhìn ba lô người trước để học chữ.

Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945. Nhiều chị em đi làm đồng về muộn, đành nhịn đói vào lớp với mong muốn học để biết viết tên mình.

Chị Huỳnh Thị Chính, 17 tuổi, ở Liên khu 5, bị cụt cả hai tay. Quyết tâm biết đọc và viết, chị buộc bút vào cánh tay.

Người dân muốn qua đò phải đọc được những chữ cái ghi trên bảng. Tại các địa phương, nhiều người vì sinh kế, bận quá hoặc còn ngại mà chưa sốt sắng việc học. Với những người này, cán bộ bình dân học vụ phải dúng mọi hình thức động viên, chiếu hình hoặc diễn kịch, sáng tác câu ca dí dỏm như "Cô khoe cô đẹp, cô giòn/ Cô không biết chữ ai còn lấy cô".

Những nơi có nhiều người ngang bướng, lười biếng không chịu đi học, cán bộ dựng ngang đường hai chiếc cổng, một cao rộng, đẹp đẽ cho người biết chữ đi qua, còn lại thấp hẹp, sát mặt đất dành cho người không biết chữ, gọi là cổng mù. Vởi những người muốn đi đò qua sông, cán bộ yêu cầu phải đọc được bảng chữ thì mới được lên đò.

Kỳ thi thanh toán nạn mù chữ ở xã Đồng Liên, tỉnh Thái Nguyên, sau năm 1954.

Đến cuối tháng 12/1958, vùng đồng bằng và trung du miền Bắc đã căn bản xóa xong nạn mù chữ. 93,4% người dân từ 12 đến 50 tuổi đã biết đọc, biết viết. Với miền núi, sự nghiệp thanh toán nạn mù chữ được tiếp tục ở những năm sau và đến năm 1965 thì cơ bản hoàn thành.

Tại miền Nam, đến năm 1975, 30% người dân vẫn chưa biết đọc, biết viết. Sau hai năm tập trung xóa mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa, cuối tháng 2/1978, 21 tỉnh thành miền Nam cơ bản hoàn thành kế hoạch diệt giặc dốt.

Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam