Từ năm nay, bộ đồng phục của học sinh trường con tôi có thêm một món: thẻ học sinh. Như vậy, vào mùa lạnh, mỗi bạn đến trường phải mang đủ: sơ mi trắng dài tay, quần âu hoặc chân váy, áo vest hoặc áo khoác nỉ, cà vạt, thẻ học sinh.
Mùa nóng, bất kể là bao nhiêu độ, vẫn phải mặc sơ mi trắng dài tay với quần âu, vì trường không có mẫu áo ngắn tay. Trừ huy hiệu Đoàn có thể tự mua, tất cả các món còn lại đều phải theo đúng mẫu mà trường quy định. Áo vest, áo khoác, quần âu của trường hầu như không thể mua ở ngoài, vì màu sắc không phải là màu thông dụng, kiểu dáng lại phải chuẩn chỉ không được sai dù chỉ một chi tiết.
Những hôm có giờ thể dục, các cháu còn phải mang theo quần thể thao, áo thể thao ngắn tay, đông cũng như hè chỉ có chiếc áo ngắn tay này. Đến giờ thể dục các cháu thay ra, vào tiết học khác lại phải mặc vào bộ sơ mi quần âu.
Cháu nào mặc đồng phục thể dục trong những tiết học quy định, hoặc giờ thể dục mà lại mặc sơ mi, đều sẽ bị nhắc nhở, ghi tên; tái phạm nhiều lần sẽ bị hạ hạnh kiểm của tháng, có thể hạ hạnh kiểm học kỳ, dẫn đến lớp sẽ bị mất thi đua, tụt thứ tự trên bảng xếp hạng toàn trường.
Tất nhiên ngoài những món đồng phục bắt buộc nói trên, các cháu đến trường còn phải đi giày, tất, mang ba lô sách vở, và đội mũ bảo hiểm nếu đi xe máy, xe đạp điện. Có cháu mặc đủ đồng phục rồi nhưng dưới chân đi dép sục nên bị ghi tên.
Có cháu đội mũ bảo hiểm nhưng vào trong sân trường trót tháo quai mũ ra cũng bị ghi tên, vì phải dựng xe vào hẳn trong nhà xe mới được tháo quai mũ. Nhiều cháu thấy rét, mặc thêm áo khoác riêng bên ngoài áo khoác đồng phục của trường thì bị nhắc nhở, vì quy định là từ 15 độ C trở xuống mới được mặc thêm quần áo khác ngoài 6 món tiêu chuẩn nói trên.
Thực ra bất kỳ người dân nào đã sống qua dù chỉ một năm ở phía Bắc cũng đều biết, khí hậu Hà Nội nhiều lúc khá khó chịu. Chỉ cần 17-18 độ C là ra đường đã phải mặc áo phao, áo giữ nhiệt, áo lông vũ, bởi đâu chỉ có rét, Hà Nội còn có gió rít, mưa giăng, một chiếc sơ mi kèm áo vest mỏng manh làm sao đủ giữ ấm, kể cả có đi ô tô.
Ngược lại vào hè, dự báo là 36 độ C nhưng cảm giác thực tế có thể lên đến 38-39 độ C vì mức độ bê tông hóa quá cao kèm theo mật độ dân số đáng sợ, lúc ấy mặc sơ mi dài tay sơ vin quần dài quả thật là bức bối, nhất là khi hơn 50 học sinh chen nhau trong một căn phòng không có điều hòa.
Đó là chưa kể, ở trường con tôi, nhiều bạn phàn nàn là mặc đồng phục trường mùa hè thì nóng, mùa đông lại quá rét, vì chất vải đều là sợi tổng hợp, pha nhiều nylon, không làm mát cũng không giữ ấm cơ thể.
Phàn nàn thì phàn nàn vậy thôi, trong mọi cuộc họp phụ huynh ở lớp, các bố các mẹ cũng chỉ rì rầm bàn tán với nhau bên lề chứ không ai đưa ra ý kiến, chúng tôi còn đùa với nhau, đồng phục như này còn rắc rối hơn cả quân ngũ. Nhưng kinh nghiệm xấp xỉ 15 năm cho con học trường công cho họ thấy, tốt nhất là không có ý kiến gì hết, "để con nó học cho yên ổn".
Với con tôi, trước khi vào trường cấp ba này, cháu đi học 9 năm rất yên ổn. Vốn là một đứa trẻ được rèn giũa kỷ luật từ hồi mẫu giáo, cháu chưa từng gặp bất kỳ lỗi nào về trang phục. Trường cấp một và cấp hai của con đều là những trường công tốt có tiếng của quận và thành phố, nhưng quy định đồng phục thì đơn giản như nhiều trường khác: quần xanh tím than và áo sơ mi trắng.
Phụ huynh có thể mua quần ở bất kỳ đâu, vải dày hay mỏng, mềm hay cứng đều được, chỉ cần là màu xanh tím than, thậm chí màu đen cũng được; còn sơ mi trắng thì dài tay hay cộc tay, cổ sen hay cổ Đức, có túi hay không có túi... đều được hết; đến mùa lạnh thì mặc thêm áo gì cũng được miễn là giữ ấm giữ sức khỏe cho học sinh. Thế nên các phụ huynh và học sinh không có gì để kêu ca, cũng không gặp rắc rối gì về đồng phục.
Con tôi lần đầu gặp rắc rối về đồng phục, là khi mới đi học ở trường cấp ba này. Hôm ấy trời se lạnh, mặc thêm áo khoác thì nóng, mặc mỗi sơ mi thì lạnh, nên cháu mặc thêm một áo ghi-lê bên ngoài sơ mi trắng.
Cháu bị giữ lại ở cổng trường, ghi tên vào sổ vì đồng thời mắc phải nhiều lỗi về đồng phục: áo sơ mi cháu mặc có vải dày hơn vải áo của trường; quần âu thì hơi nhạt màu so với màu chuẩn của trường; và tại sao lại mặc áo ghi-lê trong khi đồng phục trường không có ghi-lê. Chiếc áo sơ mi này cháu đã mặc nhiều năm hồi cấp hai, giữ gìn cẩn thận nên vẫn rất đẹp, chất vải hoàn toàn là sợi tự nhiên không pha nylon nên mặc rất dễ chịu, cháu muốn mặc tiếp nên khi nhận thông báo nhập học của trường cấp ba đã đi mua thêm logo trường cấp ba rồi cháu tự tay khâu lên áo.
Hôm sau, cháu rút kinh nghiệm không mặc áo ghi-lê nữa nhưng vẫn bị ghi tên vào sổ, vì gấu áo sơ mi của cháu lượn tròn nhiều, trong khi áo của trường lượn tròn ít; áo của cháu lại còn có túi áo ngực, trong khi ở trường cháu, sơ mi của nam mới có túi áo, còn sơ mi nữ thì không có túi. Cháu là nữ nên mặc áo có túi là sai đồng phục.
Cuối mỗi tháng, các lớp trong trường đều có buổi bình bầu hạnh kiểm. Đọc tất cả biên bản họp từ khi con vào cấp ba đến giờ, tháng nào tôi cũng thấy các cháu bị trừ điểm vì lỗi đồng phục. Hỏi thì các cháu chỉ nói, quy định quá phiền toái, không ai theo hết được, mà cũng không ai muốn theo, cuối cùng thì nhiều cháu mặc kệ, có bị ghi tên cũng không quan tâm nữa.
Sau lần bị ghi tên vào sổ nói trên, con gái tôi rất băn khoăn, cháu sợ tập thể lớp vì mình mà bị tụt hạng thi đua. Tôi trao đổi với cháu, đánh giá một tập thể cần dựa trên nhiều yếu tố, nhiều mặt hoạt động khác nhau, không thể nào chỉ vì vài bạn mặc áo sai quần sai mà tụt hạng. Cháu lại lo, nếu bản thân bị hạ hạnh kiểm, bị ghi vào học bạ thì liệu có được xét tuyển đại học không.
Tôi nói, nếu chỉ vì vài ba lỗi đồng phục mà không vào được đại học thì cả nước chắc có rất ít người học đại học. Mặt khác, cháu đã nhiều lần đi tới những vùng khó khăn, gặp các bạn học sinh chân đi dép nhựa sứt sẹo, quần thì thủng và áo thì không nhìn ra được màu gốc là màu gì. Các bạn ấy phải rất cố gắng để được đi học, nên cháu cũng hiểu giá trị của việc đến trường căn bản không nằm ở quần áo.
Thế nhưng nhiều bạn học của cháu không được bình tĩnh như vậy. Các cháu có phản kháng ít nhiều, chẳng hạn đến gần cổng trường thì sẽ dừng xe một loạt, vội vàng sơ vin áo vào trong quần, đội mũ bảo hiểm, lần tìm thẻ học sinh đeo lên cổ rồi mới đi vào. Khi qua cổng và không còn nguy cơ bị ghi tên nữa, các cháu lại đồng loạt bỏ sơ vin ra, tháo cà vạt cho thoải mái rồi mới đi vào lớp.
Bố mẹ cũng biết con không hài lòng, con đang đối phó, nhưng chép miệng bỏ qua, vì bản thân phụ huynh chúng tôi cũng không hiểu lắm mục đích của việc quy định nhiều món đồng phục như thế, chặt chẽ gắt gao như thế, để làm gì. Nếu để rèn giũa nhân cách và kỷ luật cho học sinh, vì việc này rõ ràng đã thất bại. Nếu để học sinh yêu trường yêu lớp hơn, thì càng không hiệu quả. Việc liên tục mắc lỗi và bị ghi tên, chỉ khiến cho các con trở nên bất mãn, khó chịu mỗi khi đến trường. Cuối cùng, đến trường phải mang lại niềm vui cho lũ trẻ, chứ không nên là nỗi ám ảnh không đáng có.
Để mua đầy đủ tất cả đồng phục cho con, mỗi nhà cần ít nhất 2.500.000 đồng. Đây không phải là một khoản tiền quá lớn, song không dễ chịu, nhất là khi nó đi kèm quá nhiều quy định rườm rà.
Mà câu chuyện đồng phục phiền toái, thì rất nhiều gia đình xung quanh tôi có con học ở các trường khác nhau đều gặp phải, năm nào cũng phải than vãn nhưng chỉ dám than thầm. Nhiều vấn đề lớn lao hơn của ngành giáo dục đều chưa giải quyết được, liệu vấn đề đồng phục có thể đơn giản bớt đi không?
Trịnh Hằng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.