Tôi đồng tình với quan điểm "Nên bỏ nội quy bắt nữ sinh mặc áo dài". Bây giờ chúng ta không thể nhận định, đánh giá một con người qua quần áo mà họ mặc. Áo dài đẹp nhưng đi kèm với đó là quá nhiều bất tiện, như không có túi, khó vươn tay hay vận động, đi lại dễ vướng tà... Và sẽ thực sự bất công khi nhiều người nghĩ chuyện nữ sinh mặc áo dài là điều đương nhiên, chỉ vì "con gái mà".
Thời tôi còn đi học cũng có quy định mặc áo dài trắng. Thực tế, có bạn mặc áo trắng tinh, có bạn lại mặc áo trắng ngà; có người chọn áo thêu hoa, có người lại phối cánh tay với vải ren. Rồi có người mặc quần trắng, có người quần đen, thậm chí có người còn phối với quần bò. Rồi có người đi giày cao gót màu đen, có người chọn màu trắng, có người đi giày dép bệt... Nói chung là một người một kiểu, không theo thể thống nhất.
Riêng lớp tôi ngày trước, gần như tất cả nữ sinh đều tìm cách trốn mặc áo dài. Chúng tôi chỉ treo áo dài lên trước xe để viện cớ qua được cổng trường, hoặc mặc sẵn rồi sau đó vào nhà vệ sinh để thay đồ trước khi vào tiết học cho thoải mái. Cứ ngày nào phải mặc áo dài là các nhà vệ sinh, kể cả của nam, đều được trưng dụng làm chỗ để chúng tôi cởi bỏ áo dài ngay khi có thể. Riêng đối với tôi, từ học kỳ II năm lớp 10 đến hết cấp ba, áo dài luôn được gấp gọn, để trong bao nylon, hôm nào trường kêu mặc thì lại đem ra treo trên xe cho có.
Chúng ta có một khái niệm gọi là "pink tax", tức kiếm tiền trên việc khách hàng là phụ nữ. Ví dụ như cùng là sản phẩm dầu gội, loại dành cho nữ thường sẽ đắt hơn của nam. Sinh ra là phụ nữ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi vì phải tốn chi phí hơn cho các sản phẩm dành riêng cho nữ giới, vậy tại sao giờ ta còn bắt các em phải tốn thêm chi phí về tiền bạc, thời gian và công sức cho những việc ngoài lề, không phục vụ việc học như thế này?
>> Sai lầm bắt nữ sinh mặc áo dài 'để giữ truyền thống'
Nếu nói về chi phí liên quan đến quy định nữ sinh phải mặc áo dài, tôi xin lấy ví dụ từ chính bản thân mình. Hồi tôi học cấp ba, mười mấy năm trước, giá may một chiếc áo dài đã khoảng 300.000 đồng. Bây giờ, muốn may áo dài ít nhất cũng phải xấp xỉ một triệu đồng. Mặt khác, một bộ đồng phục bao gồm quần vải dài và áo sơ mi dài tay cũng chỉ đang có giá 375.000 đồng tại Hà Nội. Đặt bài toán kinh tế, rõ ràng ai cũng nhận thấy phương án nào ít tốn kém hơn.
Tóm lại, việc chi tiền gấp đôi bộ đồng phục bình thường để may áo dài, trong khi chưa chắc người mặc đã thích thú và thấy thoải mái liệu có thực sự xứng đáng? Trong khi đó, thời gian sử dụng cũng chưa đến 100 lần trong ba năm học, rồi sau đó để lại cũng chẳng làm vào việc gì. Chưa kể, vì là đồ trắng nên mỗi lần mặc xong lại phải ngâm rửa, giặt tay, giặt riêng để tránh phai màu, vô cùng phức tạp... Chừng ấy thức cũng đủ để bỏ quy định nữ sinh phải mặc áo dài đến trường.
Có một số người cho rằng "nếu không yêu cầu nữ sinh mặc áo dài, không lưu giữ các giá trị truyền thống thì chúng sẽ sớm bị mai một". Tôi không nghĩ như vậy. Nữ sinh không mặc áo dài đi học, phụ nữ không mặc áo dài đi làm ở công sở, nhưng đến lễ Tết, người ta vẫn mặc đi chơi đó thôi. Rồi khi đi máy bay, tôi thấy các tiếp viên cũng mặc áo dài, hay các lãnh đạo nữ cũng mặc áo dài đi tiếp đón đoàn khách đó thôi. Thế nên, chẳng có lý do gì chúng ta phải bắt các em mặc áo dài ở trường cấp ba như vậy cả.
Nói tóm lại, việc bỏ quy định nữ sinh mặc áo dài không phải là bỏ hẳn áo dài ra khỏi cuộc sống, mà chỉ là nó không phù hợp trong môi trường học đường. Việc học ở cấp ba vốn đã rất mệt mỏi rồi, sao lại còn gây thêm những khổ sở, áp lực cho các em vì phải mặc áo dài làm gì? Xin đừng để thêm những thế hệ nữa như tôi, nhất quyết không mặc áo dài sau này vì đã quá ám ảnh với thời cấp ba.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.