"Chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau 22.216 ngày, chỉ còn 34 ngày nữa là tròn 22.250 ngày. Sao kiếp người lại có những lúc đau đớn cùng cực đến thế này. Một người thân nhất trên đời, gắn bó với nhau từng hơi thở suốt 60 năm, nay xa nhau và không bao giờ gặp lại nhau được nữa", nhật ký của ông cụ Bùi Hữu Trí, người Hà Nội, viết cho vợ mình nơi thiên thu.
Cụ bà Thúy Anh qua đời vì bệnh tật. Những ngày cuối cùng bên cạnh bà luôn có người chồng nâng đỡ. Từ khi bạn đời ra đi, nụ cười cụ ông cũng tắt hẳn. Trong thời gian bà lâm bệnh, ông viết nhật ký để lưu giữ ký ức về bà, nhất là khi không còn nhìn thấy hình bóng quen thuộc của vợ hằng ngày. Một người cháu của ông bà đã đưa lên Facebook cá nhân "Nhật ký của ông, viết về 5 ngày cuối cùng của bà" (Xem trọn vẹn nhật ký...). Tình yêu vô hạn của một người chồng dành cho vợ trong 60 năm bên nhau và những ngày cuối đời khiến cộng đồng mạng cảm động.
Những dòng nhật ký như thước phim quay chậm thể hiện cảnh những ngày cụ bà ốm, cụ ông luôn ở bên động viên. Ông tắm rửa, thay quần áo cho vợ dù sức khỏe của ông cũng không khá hơn là bao. Ông cũng nhớ mãi những lời chia sẻ của bà: "Anh ơi!... Anh ơi!... Anh ơi!... Em thích gọi hai tiếng này lắm, và suốt đời em, mấy mươi năm qua em đã gọi hai tiếng 'Anh ơi' trong niềm hạnh phúc. Nhưng sắp đến lúc không gọi được nữa rồi”. Sau câu nói đó hai vợ chồng cùng khóc…
Một người bạn của gia đình bày tỏ: "Ông bà yêu nhau say đắm, lãng mạn tới cuối đời". Tất cả con cháu, gia đình, người thân và cả hàng xóm từng chứng kiến cuộc tình này đều không thể quên hình ảnh 2 cụ già bước không còn nhanh, dáng không còn thẳng, mà cứ luôn nắm tay nhau dạo bộ trên các con đường. Cũng hiếm có cặp vợ chồng già nào cho tới ngoài 80 tuổi rồi vẫn viết thơ tình và thư tình cho nhau, vẫn xưng hô anh em với nhau đầy trìu mến.
Một người quen khác của gia đình cũng chia sẻ: "Tình cảm, cách cư xử của hai bác là tấm gương lớn cho thế hệ chúng mình...".
Trong khi tỷ lệ ly hôn ở những cặp vợ chồng trẻ đang ngày càng tăng thì cũng có các đôi uyên ương bên nhau đến đầu bạc răng long chia sẻ thăng trầm trong cuộc sống. Mới đây cụ Cao Viễn (106 tuổi) và Vũ Thị Hai (100 tuổi) vừa lập kỷ lục là cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á. Họ kết hôn từ tuổi đôi mươi, đến nay có 6 người con với hơn 100 cháu chắt. Thọ hơn thế kỷ, con cháu đuề huề nhưng hai cụ vẫn thích sống riêng, tự chăm sóc nhau trong ngôi nhà nhỏ ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu, Nghệ An).
Cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài hơn 80 năm, đi qua những ngày khốn khó cho đến nay có cuộc sống no đủ. Họ không bao giờ nặng lời với nhau. Cụ ông có khiếu hài hước, luôn mang lại tiếng cười cho cụ bà. Cả hai cụ đều thích những món ăn dân dã như bánh mướt nóng hay bát cơm với cá biển kho mặn. Sáng sớm và cuối giờ chiều hàng ngày, hai cụ lại cùng nhau ra vườn bắt sâu, chăm sóc luống rau phục vụ bữa ăn hàng ngày. Thời gian hai cụ cùng xem tivi, nghe đài và đọc báo. Cụ ông lãng tai còn cụ bà mắt kém. Vì thế cụ bà xem tivi, nghe đài rồi thuật lại cho cụ ông nghe; còn ông tìm những tin tức hay để đọc cho cụ bà cùng nghe.
Sống thọ và hạnh phúc bên nhau, hai cụ trở thành ông tơ bà nguyệt cho các đôi vợ chồng trẻ trong làng. Nhiều tân nương, tân lang đến nhờ hai cụ trải chiếu đêm tân hôn, hoặc đơn giản hơn xin hai cụ chia sẻ vài lời răn dạy để lấy lộc, hy vọng cuộc sống sẽ hạnh phúc dài lâu.
Trên thế giới cũng có những câu chuyện tình bách niên giai lão, trở thành giai thoại về tình yêu. Đó là câu chuyện tình của người đàn ông kém vợ 10 tuổi ở Trung Quốc. Lần đầu tiên Liu gặp Xu là trong đám cưới của cô. Lúc đó Liu mới 6 tuổi, nghịch gãy cả răng. Theo tập tục địa phương, đứa trẻ gãy răng chỉ cần được tân nương sờ vào miệng thì răng sẽ mau mọc. Sau khi được sờ, Liu thấy Xu là định mệnh cuộc đời. Cậu bé 6 tuổi thường nói với bạn bè: "Lớn lên tớ sẽ lấy cô gái như Xu làm vợ".
Năm tháng qua đi, chồng chết, Xu trở nên góa bụa với 4 đứa con. Chàng trai Liu khi ấy đã 18, 19 tuổi thường xuyên đến gánh nước, chẻ củi, giúp đỡ mọi việc nặng trong nhà. Liu yêu Xu và cũng được đáp lại. Họ bị gia đình ngăn cấm dữ dội, hàng xóm chê cười. Xã hội phong kiến cùng các tập tục khắt khe tưởng như đã chia cắt đôi uyên ương. Một buổi sớm tháng 8/1956, họ cùng nhau rời bỏ quê hương vào cư ngụ nơi thâm sơn cùng cốc ở miền Nam tỉnh Trùng Khánh. Những ngày đầu, hai vợ chồng và 4 đứa con riêng của vợ phải ăn cây cỏ, rễ cây. Họ chỉ có duy nhất một cây đèn dầu thắp sáng ngôi nhà vốn là một hang sâu.
Từ năm thứ hai sống trong rừng, Liu bắt đầu đào những bậc thang đầu tiên để vợ xuống núi an toàn. Đến năm 2011 khi các nhà địa chất phát hiện có một đôi vợ chồng già sống cách biệt với thế giới thì con đường này đã có hơn 6.000 bậc thang.
Năm 2007, ông Liu đột ngột qua đời sau khi làm đồng áng về. Từ đó cụ bà sống trong cô quạnh, buồn thương và đến cuối tháng 10/2012 bà cũng qua đời ở tuổi 87. Ngưỡng mộ tình yêu của ông bà, nhiều người từ khắp nơi đã đến nơi đôi vợ chồng từng sống để leo lên con đường hơn 6.000 bậc thang. Hai đám tang của cụ Liu và Xu cũng có rất nhiều người khắp nơi đến viếng. Hoa hồng trắng rải đầy các bậc thang xuống núi.
Vào năm 1952, Don, một kỹ sư xây dựng đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với nữ y tá Maxine xinh đẹp tại sân chơi bowling ở Bakersfield (Mỹ). Họ yêu nhau say đắm và kết hôn trong năm đó. Hai người ước hẹn cùng đi du lịch khắp thế giới và sẽ ở bên nhau cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Ngày 6/8 vừa qua, hai cụ Don (90 tuổi) và Maxine (87 tuổi) đã qua đời cách nhau vài giờ. Vào những thời khắc cuối cùng của cuộc đời, họ nằm cạnh nhau, tay trong tay. Con cháu của hai cụ cho biết, Don và Maxine đã sống hạnh phúc bên nhau. Trước khi chết hai tuần, ông Don không may bị ngã, được chạy chữa nhưng sức khỏe càng yếu đi. Trong khi đó cụ Maxine đang phải chống trọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Hai ông bà xin ra viện để được ở bên nhau. Các con cháu buộc phải dọn một căn phòng trống, đặt hai giường của các cụ sát nhau. Họ đã nằm cạnh nhau, đơn giản chỉ để nhìn nhau mỉm cười suốt 5 ngày. Vào khoảng 7h sáng 21/7, cụ bà ra đi trước. Khi thi thể vợ được mang ra khỏi phòng, cụ Don đau đớn nói: “Em hãy chờ anh”. Một lát sau cụ bắt đầu lịm đi và trút hơi thở cuối cùng 4 tiếng sau đó.
Phan Dương