5h sáng, bà Nguyễn Thị Mai thức dậy chuẩn bị cơm nước thuốc men trong ngày để sẵn cho chồng rồi cọc cạch đạp xe từ ngôi nhà trong hẻm 466/3/4 đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, qua tận đường Ngô Gia Tự (quận 10) chăm mẹ già. Sau đó, bà lại đạp chiếc xe cũ kỹ qua gần 10 km đến quận Tân Bình để kịp ca làm buổi sáng tại một xưởng dệt tư nhân.
Tan ca, người phụ nữ 60 tuổi vội vã trở về tổ ấm để chăm lo cho chồng. Bao nhiêu năm qua, họ vẫn gắn kết cùng nhau trong cảnh cơ hàn bằng một thứ tình cảm vượt lên trên cả tình nghĩa vợ chồng.
27 năm trước, chàng trai mồ côi Nguyễn Văn Thiện (sinh năm 1958) từ Đồng Xoài, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) lên Sài Gòn làm công nhân xưởng nhựa. Nhân duyên gặp gỡ cô gái gốc Sài Gòn lớn hơn 6 tuổi đã làm chớm nở trong ông sự cảm mến đặc biệt, nhưng vì mặc cảm phận nghèo nên ông không dám ngỏ lời. Về phần Mai, ngay từ phút đầu tiếp xúc bà đã phải lòng chàng trai nghèo hiền lành, chịu khó. Bà từ chối những chàng có điều kiện đang theo đuổi cũng như một mực lắc đầu những đám mai mối của gia đình để chờ đợi người thương ngỏ lời.
Mang theo tình yêu giấu kín, ông Thiện gom góp tiền đã dành dụm về quê lập nghiệp với hy vọng gầy dựng vốn liếng để hội ngộ người con gái Sài thành. Chẳng may trong một lần bất cẩn, ông bị bò đá khiến cột sống bị chấn thương nặng. Được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tỉnh dậy với hai chi dưới bị liệt, không người thân thích, tất cả tương lai như sụp đổ, ông chỉ còn biết tuyệt vọng nghĩ đến cái chết. Giữa lúc ấy, bà Mai xuất hiện và làm thay đổi cuộc đời ông.
“Nghe tin anh gặp nạn tôi liền chạy đến bệnh viện. Nhìn anh một mình nằm đấy gầy gò hốc hác, tôi tự nhủ dù khó khăn bao nhiêu cũng phải ở cạnh anh ấy”, bà Mai nhìn chồng âu yếm, hồi tưởng lại khoảnh khắc tái ngộ người thương trong hoàn cảnh éo le.
Như một người vợ tận tụy, bà chạy vạy tiền nong, sát cánh cùng ông trong 13 cuộc phẫu thuật. Nhìn thân thể tật nguyền, nhìn bà chăm sóc từng vết lở loét, ông Thiện xót xa không cầm lòng được. Không ít lần ông nuốt nước mắt khuyên bà bỏ mặc ông vì không muốn trở thành gánh nặng của người phụ nữ chân yếu tay mềm mà mình yêu thương. Gia đình bà Mai cũng ra sức phản đối, nhiều lần đòi từ mặt con gái. Cuối cùng tình yêu của bà đã cảm hóa tất cả. Bố mẹ bà đành tặc lưỡi chấp nhận duyên phận của con gái. Ông cũng vượt qua mặc cảm, đón nhận tình cảm của bà, biến tình yêu dành cho bà thành động lực đối diện hoạn nạn.
“Lúc đó tôi dằn vặt bản thân dữ lắm, nếu đến với nhau thì tôi sẽ làm khổ, làm thiệt thòi cả đời cô ấy”, ông Thiện chia sẻ. Bằng những câu chuyện tếu táo, bằng những lần tỉ tê: “Em yêu cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả hạnh phúc lẫn đớn đau của anh, chỉ cần được ở bên anh thôi”, bà đã làm hồi sinh khát vọng sống trong ông.
Trở về từ bệnh viện với đôi chân teo tóp, bất động trên giường, ông bắt đầu chiến đấu với đủ thứ bệnh tật hành hạ. Bà vẫn không một lời oán than, lặng lẽ chu toàn mọi thứ. Bất kể nắng mưa, đường sá xa xôi, bà vẫn đều đặn đẩy xe lăn đưa ông vào ra bệnh viện tái khám. Hết bệnh viện Bình Dân đến bệnh viện Tân Phú, nơi nào cũng hằn in vết xe lăn của ông cùng dấu chân của bà.
24 năm gắn bó, nghèo quá nên họ chẳng hề cưới xin, bà Mai cũng chưa một lần mặc áo cô dâu hay được trao nhẫn cưới. Từ số tiền dành dụm được thời con gái, bà mua một mảnh đất vốn là đất ao rộng 16 m2. Dần dần, bà gom góp dựng mái nhà che mưa nắng. Mọi chi tiêu, thuốc men trong gia đình đều dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi 2 triệu đồng một tháng của bà. Thấy vợ vất vả, giờ đã lớn tuổi mà chưa được nghỉ ngơi, cả tháng đều làm việc tới tối mịt mới về, ông Thiện lại tự trách mình, nhiều lúc lại muốn tìm đến cái chết. Thấu hiểu chồng, bà phải trách ông “Vợ chồng hoạn nạn có nhau. Anh 'bỏ' em đi thì tệ bạc lắm đấy”.
Giữa cuộc đời giông tố, họ cùng dìu nhau tìm đến những điều bình yên, giản dị nhất. Họ vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm để vơi bớt nhọc nhằn, để tiếng cười lại rộn rã căn phòng chật hẹp.
Cảm động trước mối tình hiếm có của hai người, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã sáng tác nên ca khúc Giọt mưa sa với những giai điệu xúc động: “Có hai người không phải vợ chồng. Chưa một lần nhẫn cưới, xe hoa. Khoảnh khắc bất ngờ. Gặp nhau tình cờ. Họ bên nhau san sẻ chuyện đời. Vất vả, tai ương, bệnh tật, đau thương. Hai người bên nhau quấn quýt dặm trường. Như chuyện cổ tích giữa đời thường…”.
Bà Nguyễn Hồng Nga, người hàng xóm đã chứng kiến câu chuyện tình yêu này tâm sự: “Bao năm qua, tôi chưa bao giờ nghe thấy vợ chồng họ lớn tiếng với nhau. Ông Thiện chỉ ngồi một chỗ nhưng bà ấy vẫn hằng ngày chăm sóc, cơm bưng nước rót chu đáo, tận tình. Lúc rảnh rỗi, bà lại ngồi nắn bóp tay chân cho chồng. Hàng xóm xung quanh ai cũng nể phục, kính trọng”.
Chiếc xe lăn kế cận chiếc phản nhỏ vẫn ngày ngày giúp ông phần nào xoay sở những sinh hoạt cá nhân khi bà đêm ngày đi làm. Sợ ông thui thủi một mình buồn, bà nuôi thêm mấy con chó, mèo để ông bầu bạn. “Giờ ông ấy mắc thêm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên thường xuyên khó thở, đi làm xa cả ngày đến tận khuya tôi cũng lo lắm nhưng biết làm thế nào hơn”, bà bỏ lửng câu nói bằng nụ cười pha chút xót xa.
Lê Phương - Hồng Diễm