Ngại không muốn tới viện, anh Tiến cố chịu đựng thêm vài ngày nữa thì tình trạng mụn, ngứa càng nặng thêm, thậm chí lan khắp người. Khi đi khám, anh được bác sĩ cho biết bị dị ứng với thuốc nhuộm tóc. Sau gần một tháng uống thuốc, tình trạng ngứa đã dịu, nhưng anh Tiến mất tự tin vì những nốt mụn giờ thành sẹo thâm đen khắp mặt.
Vì muốn làm đẹp đón năm mới, hai tuần trước, chị Bích (Đống Đa, Hà Nội) cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa cùng mấy đồng nghiệp đi ép, nhuộm tóc. Ngày hôm sau, chị thấy mẩn ngứa da đầu và gãi tới nỗi chảy máu. Lo lắng, chị đi khám thì cũng được chẩn đoán là dị ứng với thành phần trong thuốc nhuộm tóc.
Ngoài việc điều trị thuốc theo đơn, chị Bích đành cắt bỏ mái tóc dài cho đỡ cảm giác nặng đầu và tiện ngày ngày gội, mong tẩy nhanh hóa chất trên da. Sau nửa tháng, chị vẫn chưa hết cảm giác khó chịu. "Đẹp đâu không thấy, giờ xấu quá trời. Tóc đang dài thành ngắn lởm chởm. Ngứa lan xuống mặt, hai bên má tự dưng đầy mụn nước. Người lúc nào cũng bứt rứt khó chịu", chị Bích thổ lộ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị viêm da tiếp xúc do dị ứng với thuốc nhuộm tóc. Tỷ lệ bệnh nhân dị ứng thuốc nhuộm tóc rất cao, gấp nhiều lần so với tiếp xúc với các loại hóa mỹ phẩm khác.
Theo bác sĩ, thuốc nhuộm tóc thường gây mẫn cảm chéo nên nhiều người từng bị dị ứng với loại thuốc nhuộm này khi đổi sang loại khác vẫn bị. Đây là loại dị ứng muộn. Thường những lần đầu nhuộm tóc, dị ứng có thể xảy ra sau 1-2 hay 3 ngày. Những lần sau, dị ứng có thể đến nhanh hơn, sau vài giờ nhuộm.
Biểu hiện ban đầu của bệnh nhân thường là ngứa dữ dội, nổi mụn nước ở da đầu, chảy nước, đóng vảy, có thể rụng tóc. Không ít bệnh nhân bị lan ra cả vùng mặt, để lại sẹo thâm đen. Tình trạng có khi kéo dài hàng tháng hay tái đi tái lại nhiều lần. Một số ít có thể gặp biến chứng nhiễm trùng. Đặc biệt, bệnh nhân nam bị dị ứng thuốc nhuộm tóc nhiều hơn nữ.
"Da đầu vướng tóc nên gây khó khăn cho việc vệ sinh tại chỗ, dễ nhiễm trùng. Các chất tẩy rửa thường chỉ gây kích ứng vì nhanh chóng được tẩy sạch trong khi thuốc nhuộm tóc lại cần để lại lâu trên tóc, khả năng hấp thụ cao hơn. Ngoài ra, khi bạn nhuộm tóc, thuốc nhuộm có thể thấm qua da đầu, nơi có nhiều máu lưu thông, và có thể vào cơ thể", bác sĩ Trường phân tích.
Tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia cho biết, cho tới nay khó có thể nói về tác hại cụ thể của thuốc nhuộm tóc. Thông thường, thuốc nhuộm tóc gồm có các thành phần làm sợi protein trong tóc mềm ra, sau đó đưa thuốc vào tẩy màu có sẵn, rồi tiếp tục đưa thêm màu muốn có vào. Các bước này có thể thực hiện riêng rẽ, nhưng cũng có khi làm chung một lần. Hiện công nghệ tiên tiến, thường tất cả quá trình này diễn ra trong một khâu, và càng tiện dụng bao nhiêu thì thuốc càng tổ hợp nhiều hóa chất bấy nhiêu. Khi đó, có rất nhiều thành phần hóa học trong một sản phẩm, nguy cơ gây dị ứng cao hơn và người bị cũng khó biết mình phản ứng với thành phần nào.
Theo tiến sĩ Côn, thông thường theo lý thuyết, tất cả thuốc đã được phép sử dụng hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Và như vậy, chất nhuộm màu trong tóc không gây hại cho con người. Tuy nhiên, thực tế mỗi hãng đưa ra sản phẩm khác nhau. Ngoài ra, các hoạt chất không bao giờ được tinh khiết 100%, chỉ có thể đạt đến độ 97-98%, và điều đáng ngại nằm trong chính 2-3% tạp chất còn lại.
"Chẳng hạn, chất độc da cam của Mỹ thực tế là loại chỉ có tác dụng gây rụng lá cây. Chất này đạt độ tinh khiết 100% thì thử nghiệm trên người và động vật đều an toàn. Tuy nhiên, khi sản xuất thành phẩm, ngoài hoạt chất chính, còn vài phần trăm tạp chất là hợp chất dioxin và chính thành phần này giữ lại trong cơ thể, môi trường và gây hiểm họa mãi về sau", ông Côn đưa một dẫn chứng.
Ông cho biết, trong hóa học, khi tổng hợp một chất nào đó, để đạt độ tinh khiết sẽ mất chi phí rất cao, và nhiều loại hàng trôi nổi, hàng nhái có thể sử dụng các loại phẩm màu công nghiệp không được phép, hay có nhiều tạp chất. Điều này gây nguy cơ cao cho người dùng.
Theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, nhuộm tóc càng lâu, dùng màu càng đậm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao. Tỷ lệ ung thư ở phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc cao hơn 50% so với những người không dùng thuốc này. Paraphenylenediamin là loại hóa chất thường được dùng trong thuốc nhuộm tóc. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế đã chứng minh rằng Paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.
Các chất phụ gia như Propylenglycol và Isopropyl alcohol cũng gây tác hại không nhỏ. Prophylenglycol ảnh hưởng tới gan, thận, não, còn Isoprophyl alcohol thì có thể gây trầm cảm, nhức đầu.
Theo các chuyên gia, với những người có tiền sử dị ứng cần thận trọng trước ý định nhuộm tóc. Trước khi nhuộm, nên bôi thử thuốc vào mặt trong cánh tay, theo dõi 1-2 ngày, nếu thấy mẩn ngứa thì không nên dùng.
Vương Linh