Sau 12 tiếng chữa cháy, ngọn lửa bao trùm Nhà thờ Đức Bà Paris từ chiều tối ngày 15/4 mới được kiểm soát hoàn toàn. Vụ cháy để lại thiệt hại khá nặng nề: Toàn bộ tháp nhọn và phần mái bị thiêu rụi, một số báu vật của nhà thờ cũng chịu hư hại.
Nhà chức trách chưa biết chính xác nguyên nhân khiến lửa bốc lên nhưng thời điểm hỏa hoạn, nhà thờ đang được tu sửa. Theo Thomas Gernay, phó giáo sư về kỹ thuật dân dụng tại Đại học Johns Hopkins chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của các đám cháy tới những công trình kiến trúc, có 4 lý do chính khiến ngọn lửa bùng phát dữ dội và khó kiểm soát.
Được xây từ cuối thế kỷ XII, trải qua hơn 850 năm, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã bắt đầu cho thấy biểu hiện của "tuổi già". Ô nhiễm môi trường, tác động của thời tiết kết hợp với mưa acid làm bạc màu và rỗ những bức tường cùng máng thoát nước của công trình. Bên cạnh đó, đã có những tranh cãi về việc ai sẽ trả tiền cho công tác bảo trì, bảo dưỡng, như loại bỏ các loại phế thải dễ cháy hay bôi sáp cho cấu trúc mái nhà gỗ để nó không bị quá khô. Đây là lý do khiến nhà thờ đang được cải tạo khi hỏa hoạn xảy ra.
Bản thân việc cải tạo nhà thờ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc mang theo các thiết bị điện, đèn điện, đồ hàn tới một công trình hơn 850 năm tuổi với lượng gỗ đủ bao phủ 21 ha đất và không được thiết kế với tiêu chuẩn phòng cháy càng gia tăng nguy cơ hỏa hoạn, Gernay nhận xét.
Nhìn bên ngoài, Nhà thờ Đức Bà chủ yếu được tạo nên từ đá và kính nhưng phần lớn không gian bên trong lại là gỗ. Hệ thống dầm, vi kèo, khung chống đỡ cho cấu trúc đá và mái nhà được lấy từ 5.000 cây gỗ sồi. Những cây này cũng đã 300, 400 năm tuổi khi chúng bị khai thác. Phần lưới mắt cáo của mái nhà dùng nhiều gỗ tới mức nó được đặt tên là "khu rừng".
Sáng 16/4, khi đám cháy đã được kiểm soát, nhà chức trách nhận ra rằng hầu hết các cấu trúc nội thất bằng gỗ đều bị thiêu rụi nhưng những cấu trúc đá vẫn nguyên vẹn.
Đa phần vật liệu dễ cháy tại Nhà thờ Đức Bà Paris đều thuộc về cấu trúc mái cao hơn 30 m so với mặt đất. Phần mái nhọn nhà thờ thậm chí còn cao hơn 90 m. Điều này đồng nghĩa ngọn lửa cách quá xa tầm xử lý của lực lượng cứu hỏa.
"Vòi phun nước không thể vươn tới đỉnh nhà thờ", Gernay nói. "Cùng lúc, việc leo bằng chân để tiếp cận khu vực cháy cũng rất khó khăn bởi các bậc thang rất hẹp và uốn lượn... Hoạt động của họ không thực sự đạt hiệu quả cao nhất trong tình cảnh như vậy.
Mặt khác, phương án dùng máy bay dội nước từ trên cao xuống một tòa nhà mỏng manh đang bốc cháy giữa một thành phố đông đúc càng không khả thi. "Nó khá nguy hiểm đối với cấu trúc ổn định của nhà thờ", Gernay nhấn mạnh và thêm rằng trong trường hợp xấu nhất toàn bộ công trình có thể bị đổ sập.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris bởi đây là điều "người dân Pháp mong muốn". Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nhà chức trách cần cân nhắc giữa việc bảo tồn lịch sử và ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.
"Khi lên kế hoạch phục dựng, chúng ta cần tính đến việc bổ sung các phương án phòng cháy nhằm tránh những thảm họa khác với mức độ tương đương diễn ra", James Milke, trưởng khoa phòng cháy chữa cháy tại Đại học Maryland, Mỹ, bình luận. Thế kỷ XIII không có hệ thống phun nước và các tấm ốp chống cháy nhưng chúng cần được bổ sung để đảm bạo sự tồn tại của Nhà thờ Đức Bà Paris.
"Rất khó để bảo vệ một cấu trúc lớn và cũ kỹ như thế khỏi hỏa hoạn. Các căn phòng đều lớn và cao với hàng tấn gỗ và mái nhà dễ cháy", Peter Sunderland, giáo sư về kỹ thuật phòng chữa cháy tại Đại học Maryland, cho biết. "Kết quả là có rất nhiều tiêu chuẩn phòng cháy bị bỏ qua".
Vũ Hoàng (Theo Vox)