18h20 ngày 15/4 (23h20 giờ Việt Nam), tiếng chuông báo cháy vang lên, làm gián đoạn buổi lễ đang diễn ra trong nhà thờ Đức Bà Paris. Nhân viên bảo vệ sơ tán mọi người ra khỏi nhà thờ dù họ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của vụ hỏa hoạn.
Một sĩ quan cảnh sát chạy vào nói với linh mục: "Không phải báo động giả đâu. Mọi người phải ra ngoài ngay!".
23 phút sau, chuông báo động thứ hai vang lên. Ngọn lửa và cột khói lớn bốc lên dữ dội. Tháp nhọn và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập.
Hơn 400 lính cứu hỏa đã thức trắng đêm để dập lửa. Họ chọn phương án dập lửa từ bên trong thay vì triển khai các thang và vòi rồng lớn để không chế đám cháy từ bên ngoài. Chiến thuật này nguy hiểm hơn cho những người lính nhưng lại hiệu quả hơn để cứu công trình và sơ tán các vật quý bên trong.
Cục An ninh dân sự Pháp cho biết nếu dùng các vòi rồng lớn hoặc máy bay để thả lượng lớn nước xuống đám cháy, nhà thờ Đức Bà có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Việc sử dụng trực thăng chữa cháy ở bên trên cũng là không thể vì không khí quá nóng.
Sau khoảng 9 giờ, ngọn lửa được kiểm soát. Hai cảnh sát và một lính cứu hỏa bị thương. Đám cháy được dập tắt sau khoảng 12 giờ.
Tháp nhọn bị phá hủy hoàn toàn. Phần lớn phần mái bằng gỗ sồi thế kỷ 13, được gọi là "khu rừng" vì người Pháp đã dùng 1.300 cây gỗ để xây dựng nó, đã bị thiêu rụi. Phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp Bertrand de Feydeau cho rằng phần mái bằng gỗ này khó có thay thế vì không có cây nào trong nước có đủ độ lớn.
Giới chức Paris ngày 15/4 đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ cháy. Công tố viên Rémy Heitz cho biết vụ cháy có thể là tai nạn và không có bằng chứng "cho thấy đây là hành động có chủ ý".
Nhà thờ Đức Bà Paris là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic ở Pháp, cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành năm 1345. Công trình được ví như "trái tim của Paris" lưu giữ nhiều cổ vật, tác phẩm nghệ thuật và các di vật vô giá được thu thập qua nhiều thế kỷ.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết lính cứu hỏa, cảnh sát và các công nhân thành phố đã hợp lực tạo thành hàng dài người để truyền tay nhau, đưa các báu vật ra khỏi nhà thờ.
Mão gai trên đầu Chúa - vòng gai nhọn mà các binh lính La Mã đã đội lên đầu Chúa Jesus trước khi đóng đinh ngài lên thập tự giá và Áo choàng của Thánh Louis nằm trong số những báu vật được đưa ra ngoài.
"Nhờ sự dũng cảm tuyệt vời của tất cả các nhân viên cứu hỏa cũng như tất cả công chức ở đó, chúng tôi đã can thiệp rất nhanh. Một đội đã làm hết sức mình để cứu những báu vật", Phó thị trưởng Paris Jean-Francois Martins nói. "Mọi thứ đều an toàn và không bị hư hại. Trong ngày thực sự tồi tệ, chúng tôi đã có một tin tốt."
Cây đàn organ ống lớn gồm 8.000 ống, 5 bàn phím và 109 phím không bị cháy nhưng bị bao phủ bởi bụi, nước và những thứ này có thể gây tác động xấu với nhạc cụ. Hệ thống ba cửa sổ hoa hồng (cửa sổ màu, thiết kế hướng tâm như hoa hồng) không bị hư hại nhiều, cây thánh giá trên bệ thờ chính và các tháp chuông còn nguyên vẹn.
Bộ tranh Mays gồm 13 bức từ thế kỷ 17-18 không bắt lửa nhưng bị hư hại vì khói và nước. Chúng được đưa đến bảo tàng Louvre để phục hồi và hút ẩm.
Sau thảm họa, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "sẽ xây dựng lại nhà thờ thậm chí đẹp hơn" và muốn nhiệm vụ được hoàn thành trong vòng 5 năm.
Số tiền do các cá nhân, tổ chức cam kết quyên góp để xây dựng lại nhà thờ đã lên tới khoảng 700 triệu EUR (790 triệu USD). Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định quá trình này có thể mất nhiều thời gian do những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và tìm đủ vật liệu đạt chất lượng.
Khi được hỏi cần bao lâu để xây dựng lại, Eric Fischer, người đứng đầu tổ chức từng phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi ở Pháp, cho rằng sẽ mất tới "hàng thập kỷ".
"Thiệt hại rất đáng kể, nhưng may mắn là Pháp có mạng lưới công ty phục hồi di sản tuyệt vời, dù là nghệ nhân bình thường hay các nhóm lớn", Fischer cho biết. "Các kiến trúc sư cần dữ liệu lịch sử ở mức tối đa, hoặc những dữ liệu gần đây được thu thập bằng công nghệ hiện đại như quét 3D", Fischer nói.
Trong khi đó, cựu bộ trưởng văn hóa Pháp Jack Lang cho rằng việc phục dựng không thể mất đến hàng chục năm như Fischer nhận định. "Chúng ta phải tự đặt ra thời hạn chặt chẽ, giống những dự án lớn trong quá khứ", ông nói.
Trên bờ sông Seine, hàng trăm người dân Paris và du khách vẫn còn bàng hoàng khi nhìn những thiệt hại trên phần mái của nhà thờ. "Người Pháp chắc hẳn cảm nhận nỗi mất mát này sâu sắc nhất. Nhưng đó không chỉ là nỗi đau của họ mà còn là nỗi đau của tất cả mọi người, bất kể tôn giáo hay quốc tịch nào", Frida Ghitis, cựu phóng viên thế giới của CNN, viết.
Phương Vũ (Theo CNN)