Việc vận động - ví dụ đạp xe - giúp tăng cường khả năng miễn dịch, khuyến khích trẻ vận động, giúp giao tiếp xã hội, tăng cường sự tự tin, là những điều cần thiết trong sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nếu mua xe cho trẻ, có một số lưu ý quan trọng.
Mua đúng kích cỡ: Tuyệt đối không nên mua một chiếc xe đạp quá to, cao so với vóc dáng của con với suy nghĩ rằng trẻ còn dùng được khi lớn lên. Chiếc xe to hơn so với cơ thể sẽ ảnh hưởng đến việc tập đi và giảm sự tự tin của con trên đường.
Kích thước bánh xe: Kích thước xe được đo bằng đường kính bánh xe, dao động từ 12 inch (30,48 cm) tới 26 inch (66,04 cm).
Đo inseam của trẻ: Để chọn được một chiếc xe đạp có khung sườn hợp lý, bạn cần đo chiều cao cơ thể và chiều dài chân (inseam) - được tính từ đũng quần đến đất. Công thức cụ thể khi mua xe là:
Xe đạp đường phố: Kích thước inseam (cm) x 0,685 = Kích thước khung xe
Xe đạp địa hình: Kích thước inseam (cm) x 0,66 = Kích thước khung xe
Việc đo cụ thể inseam của trẻ sẽ giúp bạn chọn được chiếc xe phù hợp, giúp trẻ có thể lên, xuống, chống chân dễ dàng.
Dưới đây là bảng thông số xe cho các độ tuổi tương ứng:
Trẻ 4-6 tuổi, chiều cao 104 cm - 121 cm, độ dài inseam 40 cm -55 cm nên chọn xe có kích thước bánh 40 cm.
Trẻ 5-8 tuổi, chiều cao 114 cm - 137 cm, độ dài inseam 48 cm - 63 cm nên chọn xe có kích thước bánh 50 cm.
Trẻ 8-11 tuổi, chiều cao 124 cm - 149 cm, độ dài inseam 58 cm - 71 cm, nên chọn xe có kích thước bánh 60 cm.
Trẻ 12 tuổi trở lên, chiều cao 142 cm trở lên, độ dài inseam 63 cm trở lên, chọn xe kích thước bánh 66 cm.
Chọn loại xe nào cho trẻ cho phù hợp?
Có hai loại mà cha mẹ có thể chọn cho con. Thứ nhất là dòng xe đạp đường phố (hybrid bikes), được thiết kế để tạo sự thoải mái và sự tự tin cho trẻ khi đạp xe. Chúng thường được trang bị loại lốp có khả năng bám đường tốt.
Loại xe thứ hai là xe địa hình (mountain bikes). Loại xe này được thiết kế để chống chọi tốt với va đập, đá và bụi bẩn. Đây là lựa chọn tốt nếu con bạn thích đi đường xóc, gồ ghề.
Ba điều bạn cần phải lưu ý trước khi cho con sử dụng xe đạp
Điều chỉnh chiều cao yên xe: Cần đảm bảo yên xe được siết ở độ cao phù hợp, khiến trẻ đặt được bàn chân chạm đất. Khi con bạn đã đạt được sự tự tin và kỹ năng cần thiết để sử dụng xe, bạn có thể tiếp tục điều chỉnh độ cao của yên lên một chút.
Vị trí đầu gối: Điều này liên quan trực tiếp đến chiều cao của yên xe. Khi trẻ bắt đầu tập xe, bạn cần đảm bảo trẻ có thể uốn cong đầu gối - điều này cho phép trẻ có thể chạm chân trên mặt đất. Khi trẻ đã tự tin hơn, bạn có thể nâng cao yên, để trẻ duỗi thẳng chân và đạp tốt hơn.
Vị trí chân: Gan bàn chân được đặt hoàn toàn trên pedal (bàn đạp).
Các biện pháp an toàn khi trẻ tập xe đạp
Nên khuyên con thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn khi đi xe đạp, bao gồm:
- Luôn đội mũ bảo hiểm, ngay cả khi đi đoạn ngắn trong khu phố.
- Cho trẻ mặc quần áo sáng màu để dễ nhận biết.
- Yêu cầu trẻ tập/đi xe trên vỉa hè hoặc làn đường dành cho xe đạp được đánh dấu.
- Sử dụng đèn chiếu sáng phía trước và phía sau trên mỗi chuyến đi.
- Luôn tuân thủ theo các quy tắc trên đường và không bao giờ được chạy quá tốc độ.
Khi tập xe đạp, trẻ có thể bị ngã là chuyện bình thường. Chúng thậm chí có thể bị bầm tím hoặc trầy xước đầu gối. Tuy nhiên, cần khuyến khích con tập tiếp, bởi sau mỗi lần vấp ngã, trẻ sẽ học cách đứng dậy và cố gắng nhiều hơn, cho đến khi thành công.
Thùy Linh (Theo Asian Parent)