Tập đi xe đạp là một trong những hoạt động rất thú vị đối với trẻ con. Trên thị trường có rất nhiều loại xe để bạn lựa chọn. Khi mua xe cho trẻ mầm non, bạn nên dẫn chính bé hoặc một anh chị tiểu học đi cùng để thử xe. Có rất nhiều xe đạp trẻ em bị nhà sản xuất làm lỗi, ví dụ bàn đạp có vấn đề khiến bé nhà bạn không thể đạp được cả vòng.
Hai tuổi rưỡi là độ tuổi hợp lý để các bé làm quen với xe đạp. Ban đầu, bạn có thể mua một chiếc xe hai bánh không bàn đạp để bé tập giữ thăng bằng. Ở độ tuổi này, đa số các bé chưa có kỹ năng đạp xe nên chưa thật sự cần đến bàn đạp. Công việc của bé chỉ là ngồi lên xe và kéo lê chân theo. Chiếc xe này có thể giúp bé tập làm quen với việc cầm ghi-đông xe, đi càng xa càng tốt, tập vòng trái, vòng phải. Kỹ năng cầm ghi-đông giữ thăng bằng rất quan trọng để sau này bé dễ dàng điều khiển một chiếc xe bình thường. Ngoài ra, chiếc xe không bàn đạp thường nhỏ và dễ điều khiển. Con nít vốn chóng chán, khó có thể ngồi lâu trên yên xe. Mua chiếc xe nhỏ, bạn sẽ dễ dàng mang vác đi xa.
Xe ba bánh phù hợp với bé 2-3 tuổi. Nhược điểm của chiếc xe ba bánh là bé phải biết đạp, điều mà không phải em bé dưới 3 tuổi nào cũng làm được. Nhiều bé dưới 3 tuổi chỉ có thể đạp được nửa vòng. Chiếc xe ba bánh phù hợp hơn với những em bé 3-4 tuổi.
Khi mua xe cho bé, bạn nên chú ý kiểm tra độ chắc chắn và an toàn của khung xe, bàn đạp, bánh xe... Nguyên tắc chung khi chọn xe đạp với tất cả mọi người là thử khoảng cách từ yên xe đến ghi-đông sao cho việc cầm ghi-đông thật thoải mái, người đi không phải rướn tay quá mức cũng như không phải co tay lại, rất dễ gây mỏi. Khi ngồi trên yên xe, bàn chân phải chạm được mặt đất. Bạn có thể nhở người bán xe hoặc tự mình điều chỉnh độ cao của yên xe cho phù hợp với chiều cao của bé.
Theo những người bán xe đạp, với bé 2-4 tuổi, bố mẹ nên chọn mua xe có đường kính bánh xe khoảng 30 cm. Bé từ 4 đến 6 tuổi thì đường kính bánh xe cỡ 40 cm, 6-8 tuổi là 50 cm và 8-10 tuổi là 60 cm.
Kim Kim (theo About.com)