Chính phủ Nepal đang tìm cách sơ tán hàng nghìn công dân khỏi Afghanistan. Đến nay, nước này vẫn chưa có số liệu cụ thể về số người kẹt lại quốc gia Trung Á vì họ không có đại sứ quán và cũng thiếu nguồn lực bảo hộ công dân.
Công dân Nepal được cho là đối diện mối đe dọa lớn từ lực lượng Taliban, bởi rất nhiều cựu binh nước này đã tới Afghanistan để làm lính đánh thuê, ký hợp đồng với các nhà thầu an ninh tư nhân để bảo vệ nhà ngoại giao, quan chức và công ty tại Afghnistan.
Phần lớn lực lượng lính đánh thuê này là cựu binh Gurkha từng phục vụ trong quân đội Nepal, Ấn Độ và Anh. Sau khi xuất ngũ, họ tìm kiếm cơ hội cải thiện thu nhập ở Afghanistan, quốc gia chìm trong xung đột, nội chiến suốt hai thập kỷ qua.
Năm 2016, một vụ tấn công khủng bố do Taliban thực hiện nhắm vào đại sứ quán Canada ở Kabul từng khiến 13 nhân viên an ninh Nepal thiệt mạng.
![Thành viên lực lượng Gurkha của quân đội Anh tuần tra tại tỉnh Helmand, Afghanistan vào năm 2010. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/25/Linh-Gurkha-Nepal-4254-1629853062.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n2CIa7OI9LNio-AifYy9qw)
Thành viên lực lượng Gurkha của quân đội Anh tuần tra tại tỉnh Helmand, Afghanistan vào năm 2010. Ảnh: AFP.
Kemal Deep Bharati, cựu nhân viên an ninh người Nepal làm việc tại Afghanistan, đã đến được Kabul vào tuần trước. Anh cho biết hành trình đến sân bay quốc tế Hamid Karzai để tìm đường di tản vô cùng căng thẳng.
Bharati cùng một số đồng nghiệp đã chủ động giao nộp vũ khí cho Taliban, nhưng các tay súng của lực lượng này vẫn bao vây khách sạn nơi họ ở. Cuối cùng, anh cũng được cách đến điểm tập kết thành công vào cuối tuần trước và được bố trí chuyến bay sang London.
Trong tuần qua, Nepal đã nhờ Mỹ hỗ trợ sơ tán hơn 100 công dân nước này khỏi Kabul, trong đó có một số cựu binh Gurkha từng làm việc tại đại sứ quán Mỹ. Tính đến ngày 22/8, khoảng 504 nhân viên an ninh hợp đồng người Nepal từng làm việc cho các đại sứ quán phương Tây như Anh và Mỹ đã đáp các chuyến bay rời Afghanistan, theo xác nhận từ Bộ Ngoại giao Nepal.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp kẹt lại trong vùng loạn lạc. Theo số liệu chính thức, ít nhất 14.565 người Nepal được cấp giấy phép lao động ở Afghanistan trong vài năm gần đây, trong đó có khoảng 1.500 người làm nhân viên an ninh tư nhân cho đại sứ quán Mỹ và các nước, cùng với một số tổ chức quốc tế ở Afghanistan.
![Lính đánh thuê Gurkha từ Nepal bảo veejj hiện trường một vụ tấn công ở Kabul, Afghanistan vào năm 2019. Ảnh: NYT.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/08/25/linh-danh-thue-Nepal-8094-1629853063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5xCAk8ggMZg4WQRAMNylkA)
Lính đánh thuê Gurkha từ Nepal bảo vệ hiện trường một vụ tấn công ở Kabul, Afghanistan vào năm 2019. Ảnh: NYT.
Không ít công dân Nepal lo sợ trở thành mục tiêu bị Taliban trả thù. Nhiều cựu binh Nepal từng trực tiếp tham chiến chống Taliban khi còn trong biên chế quân đội Anh, lực lượng nước ngoài hoặc đơn vị lính đánh thuê.
Nepal trong nhiều năm qua đã nỗ lực vận động công dân không mạo hiểm mạng sống tới vùng chiến sự làm lính đánh thuê, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố năm 2016. Dù vậy, không ít người vẫn phớt lờ vì kế sinh nhai. Nepal buộc phải đảo ngược lệnh cấm người dân làm lính đánh thuê ở Afghanistan sau khi chịu sức ép ngoại giao từ những nước phương Tây.
Amrit Rokaya Chhetri, cựu binh Gurkha, những ngày qua tìm mọi cách vận động chính phủ Nepal đẩy mạnh nỗ lực giải cứu những đồng nghiệp của anh khỏi vùng chiến sự.
"Afghanistan không phải vùng an toàn. Nơi đó sẽ không bao giờ an toàn. Những đồng nghiệp của tôi cần được sơ tán khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt. Sẽ ra sao đây nếu một ngày kia có người thiệt mạng trong một vụ nổ hoặc một cuộc đọ súng do giải cứu chậm trễ", ông chia sẻ.
Trung Nhân (Theo NYT)