Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/1 tuyên thệ nhậm chức vào thời điểm đất nước đối mặt một loạt thách thức. Mỹ bị "tàn phá" bởi Covid-19, cùng với đó là nhiều hệ quả về kinh tế và chia rẽ chủng tộc. Căng thẳng chính trị tăng cao khi Tổng thống Donald Trump không chấp nhận thất bại. Vụ bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1 như đổ thêm dầu vào lửa, khiến nguy cơ bạo lực tại lễ nhậm chức của Biden được đánh giá là ở mức chưa từng có.
Khoảng 25.000 Vệ binh Quốc gia đã được triển tại thủ đô Washington, khiến thành phố giống như một "vùng chiến sự". Đại dịch đã khiến Biden phải cắt bỏ các chương trình chào mừng lễ nhậm chức và hạn chế lượng người đến xem. Thượng viện có thể xét xử Trump vài ngày sau lễ nhậm chức.
Tuy nhiên, đây không phải là lễ nhậm chức đầu tiên diễn ra vào thời kỳ căng thẳng trong lịch sử nước Mỹ. Đối với nhiều người Mỹ, lễ nhậm chức của tân tổng thống có thể là thời điểm ăn mừng, một khởi đầu mới. Nhưng đó cũng là thời điểm khiến sự chia rẽ của đất nước hiển hiện rõ nhất.
Năm 1861, sau khi Abraham Lincoln đắc cử và 7 bang miền Nam ly khai vì quan điểm chống chế độ nô lệ của ông, mối đe dọa đến tính mạng buộc Lincoln phải thay đổi kế hoạch cho chuyến đi tới thủ đô Washington để tuyên thệ nhậm chức. Các thám tử tư phát hiện một âm mưu ám sát Lincoln khi ông đi qua Baltimore, nơi ông phải trung chuyển qua hai nhà ga để thực hiện chặng cuối cùng đến thủ đô.
Maryland là bang nô lệ và Baltimore, thành phố đông dân nhất bang này, có nhiều người ủng hộ các bang miền Nam. Vì vậy, đội ngũ của Lincoln phải nghĩ ra cách để ông bí mật di chuyển. Lincoln lên một chuyến tàu đặc biệt ở Harrisburg, Pennsylvania và các nhân viên an ninh giữ kín thông tin khởi hành. Từ Philadelphia, cùng với hai người khác, ông lên chuyến tàu đêm muộn đến Baltimore và tới nơi lúc 3h30 sáng, chuyển ga và đến Washington an toàn lúc 6h.
Khi biết về hành trình di chuyển này, báo chí Mỹ đã chế nhạo Lincoln, thậm chí còn bịa ra những chi tiết rằng ông đã đội "một chiếc mũ lưỡi trai kẻ sọc và áo choàng quân đội rất dài" để ngụy trang. Tờ New York Herald viết rằng tân tổng thống đã "lẻn vào Washington" như một "tên trộm trong đêm". Tuy nhiên, không ai coi nhẹ vấn đề an ninh. Trong lễ nhậm chức, các tay súng bắn tỉa canh gác từ các mái nhà, binh lính phong tỏa đường phố và một đơn vị pháo binh được triển khai tới Đồi Capitol.
Cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ được cho là lần đối đầu năm 1876 giữa ứng viên đảng Cộng hòa Rutherford B. Hayes và ứng viên đảng Dân chủ Samuel J. Tilden. Ở các bang miền Nam, cuộc bỏ phiếu bị cản trở bởi những lời đe dọa bạo lực từ các đảng viên Dân chủ, những người muốn cử tri da màu không đi bỏ phiếu. Đảng Dân chủ cũng tạo ra các lá phiếu mang hình ảnh Abraham Lincoln để dụ cử tri mù chữ chọn Tilden.
Vào cuối chiến dịch tranh cử đầy hỗn loạn, hai phe đều tuyên bố chiến thắng ở ba bang Florida, Louisiana và Nam Carolina với tổng cộng 19 phiếu đại cử tri. Các phe phái chính trị cạnh tranh ở những bang này đã gửi hai bản danh sách đại cử tri khác nhau, một ủng hộ Tilden, một ủng hộ Hayes, lên quốc hội. Tại Florida, thống đốc bang gửi danh sách đại cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, trong khi tổng chưởng lý bang gửi danh sách ủng hộ đảng Dân chủ.
Ba bang có tranh chấp kết quả này định đoạt kết quả chung cuộc của cuộc đua. Nếu phiếu đại cử tri của đảng Cộng hòa được tính, Hayes sẽ là tổng thống. Nếu phiếu đại cử tri của đảng Dân chủ được tính, Tilden sẽ chiến thắng. Quốc hội lập ra một ủy ban gồm 15 thành viên để giải quyết tranh chấp, trong đó Hạ viện, Thượng viện và Tòa án Tối cao mỗi bên cử ra 5 đại diện. Ủy ban cuối cùng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8 phiếu thuận 7 phiếu chống, trao số phiếu đại cử tri tranh chấp cho Hayes, giúp ông đắc cử tổng thống chỉ hai ngày trước lễ nhậm chức năm 1877.
Ngày hôm sau, tổng thống mãn nhiệm Ulysses S. Grant mời Hayes đến Nhà Trắng và yêu cầu ông bí mật tuyên thệ nhậm chức để ngăn cản mọi nỗ lực phút chót của Tilden hoặc đảng Dân chủ nhằm đảo ngược kết quả và đề phòng bạo lực từ những người miền Nam. Lễ nhậm chức sau đó được tổ chức lại trước sự chứng kiến của công chúng.
Sau khi Franklin D.Roosevelt đắc cử nhiệm kỳ thứ tư (Mỹ khi đó chưa có quy định tổng thống chỉ được giữ chức tối đa hai nhiệm kỳ), ông quyết định tổ chức lễ nhậm chức tối giản vào năm 1945, khi đất nước đang phải "thắt lưng buộc bụng" để dồn mọi nguồn lực cho Thế chiến II. Lễ nhậm chức chỉ kéo dài 15 phút cũng phản ánh sức khỏe giảm sút của chính ông. Ông qua đời chưa đầy ba tháng sau đó.
Thay vì tuyên thệ tại Đồi Capitol, Roosevelt cử hành lễ nhậm chức tại cổng nam của Nhà Trắng trước một đám đông tương đối nhỏ. Không có diễu hành, không có dạ hội, chỉ có một bữa tiệc trưa giản dị. "Nhân viên bắt chó hoang còn có lễ nhậm chức hoành tráng hơn", Giám đốc Sở Mật vụ dưới thời Roosevelt nhận xét.
Richard M. Nixon nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 1969, khi phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam dâng cao. Các nhà hoạt động phản chiến tập trung tại một số điểm chính dọc tuyến đường của cuộc diễu hành, cố gắng ném đá, gậy, chai, lon, pháo, bom khói, dĩa, thìa, cà chua, chất thải và cờ Mỹ bị đốt vào xe limousine chở Nixon. Có lúc những người biểu tình ném một quả cầu giấy thiếc nhìn giống như một quả bom, khiến người lái xe của Nixon đột ngột tăng tốc để tránh nó, khiến ông giật bắn mình.
Nixon đôi lúc mở mui xe, đứng lên vẫy chào mọi người. Ông tỏ ra không quá quan tâm sự phản đối của những người biểu tình khi tiếp tục các hoạt động khác của Ngày nhậm chức. Nhưng cảnh sát đã bắt 81 người và đó là khởi đầu khó khăn cho một nhiệm kỳ đầy biến động.
Có lẽ không lễ nhậm chức nào kịch tính và hồi hộp như lần nhậm chức đầu tiên của Ronald Reagan năm 1981. Jimmy Carter, người bị Reagan đánh bại khi tái tranh cử, đã đàm phán cho đến những giờ cuối cùng của nhiệm kỳ để thuyết phục Iran phóng thích 52 nhà ngoại giao Mỹ bị bắt làm con tin ở Tehran.
Những kẻ bắt cóc đồng ý trả tự do, nhưng họ không cho chiếc máy bay chở con tin khởi hành cho đến 25 phút sau khi Reagan trở thành tổng thống. Đến khi lễ nhậm chức của Reagan kết thúc, những người có mặt tại Đồi Capitol mới biết rằng máy bay đã cất cánh từ Tehran. "Đó là niềm vui mừng khôn xiết đối với Reagan và những người ủng hộ ông", NYTimes viết.
Reagan và Carter lạnh nhạt với nhau. Carter bực bội vì nhân viên của Reagan không đánh thức ông khi Carter gọi điện vào sáng sớm hôm đó để cập nhật thông tin mới nhất về con tin. Nhưng Reagan đã dành những lời có cánh cho người tiền nhiệm trong bài phát biểu của mình và cho phép Carter sử dụng Air Force One để bay đến Đức ngày hôm sau, chào đón các nhân viên ngoại giao tại căn cứ quân sự của Mỹ.
Lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của George W. Bush là lễ nhậm chức tổng thống đầu tiên diễn ra kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Để đề phòng khủng bố, chính phủ đã tập hợp mạng lưới an ninh lớn nhất phục vụ lễ nhậm chức cho đến thời điểm đó.
Trung tâm thành phố Washington bị phong tỏa trên quy mô lớn, chiến đấu cơ và trực thăng tuần tra trên không, 13.000 Vệ binh Quốc gia và cảnh sát đứng gác trên tuyến đường diễu hành và các địa điểm khác. "Pháo đài" này chặt chẽ đến mức Bush nói đùa rằng ông rất ngạc nhiên khi những người bạn từ Texas của mình "có thể vượt qua hàng rào an ninh" để tham dự sự kiện.
Vào thời điểm Barack Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu năm 2009, Mỹ ở trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, đang vướng vào hai cuộc chiến ở nước ngoài và canh cánh về mối đe dọa khủng bố trong nước. Nhưng việc Obama trở thành người da màu đầu tiên làm tổng thống đã mang lại một khoảnh khắc phấn khích cho nhiều người Mỹ.
Trong khi nhiều người da màu lo lắng về sự an toàn của Obama, nhớ đến vụ ám sát Mục sư Martin Luther King Jr., mối lo ngại an ninh chính trong lễ nhậm chức của ông không đến từ những người da trắng phân biệt chủng tộc mà từ thông tin rằng một nhóm cực đoan Somali dự định băng qua biên giới Canada, đến Washington và gây ra những vụ nổ tại công viên National Mall khi lễ nhậm chức đang diễn ra.
Đội ngũ của Bush đã làm việc với các nhân viên của Obama để đảm bảo an ninh cho sự kiện. Cuối cùng, đây được chứng minh là thông tin sai, nhưng nó đã phản ánh tâm trạng lo âu vào thời đó.
Phương Vũ (Theo NYTimes)