Quốc vương Maha Vajiralongkorn hôm 21/10 phế truất mọi tước hiệu, quân hàm và huân chương của Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi, 34 tuổi, với cáo buộc âm mưu lật đổ Hoàng hậu Suthida. Bà Sineenat được phong hoàng quý phi chưa đầy ba tháng trước.
Đây không phải là lần đầu tiên Quốc vương Vajiralongkorn thể hiện quyền lực mạnh mẽ. Năm 2014, ông Vajiralongkorn, khi còn là thái tử, phế truất người vợ thứ ba là bà Srirasmi, sau khi một loạt người thân của bà bị bắt giữ vì cáo buộc liên quan đến đường dây tham nhũng và bị buộc tội khi quân. Thái tử Maha yêu cầu chính phủ tước bỏ họ hoàng tộc Akkrapongpreecha mà Quốc vương Bhumibol Adulyadej ban cho gia đình nhà vợ.
Bà Srirasmi về quê sinh sống. Quốc vương Bhumibol được cho là đã tặng bà 200 triệu baht (khoảng 6 triệu USD) để bù đắp cho vụ ly hôn.
Kể từ khi ông Vajiralongkorn nối ngôi năm 2016, hoàng cung đã tăng cường an ninh hoàng gia, bổ sung 1.600 cảnh sát. Hai đơn vị quân đội mới sau đó được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quốc vương vào tháng 10/2019 bằng một sắc lệnh hoàng gia. Không rõ quân số của các đơn vị này là bao nhiêu.
Đảng Tiến về Tương lai đã đặt câu hỏi về tính cần thiết của động thái này. Đây là động thái phản đối chính trị chưa từng có đối với một quốc vương Thái. Tuy nhiên, sắc lệnh vẫn được thông qua với đa số áp đảo.
Được thừa hưởng gia tài từ Cố vương Bhumibol Adulyadej, người qua đời vào tháng 10/2016, Vua Vajiralongkorn là một trong những người đứng đầu hoàng gia giàu nhất thế giới.
Một trong những động thái đầu tiên ông sau khi kế nhiệm ông là nắm toàn quyền quyền kiểm soát Cục Tài sản Hoàng gia (CPB), bên nắm giữ tài sản trong các ngân hàng, công ty và bất động sản.
CPB trước đó do Bộ trưởng Tài chính Thái Lan đứng đầu, với khối tài sản ước tính 30-60 tỷ USD. CPB không công bố số tài sản họ nắm giữ, đây là bí mật được bảo vệ chặt chẽ.
Quân đội Thái có kiểu chào mới dưới thời Vua Vajiralongkorn, các binh sĩ ưỡn ngực và quay đầu sang một bên. Lực lượng cảnh sát có quy tắc về kiểu tóc mới, theo yêu cầu của nhà vua.
Bất kỳ thay đổi pháp lý lớn ở Thái Lan nào đều cần có chữ ký của nhà vua. Nhưng Vua Vajiralongkorn đã ra lệnh viết lại một phần của hiến pháp mới, bao gồm một quy định rằng bất kỳ vấn đề nào không lường trước được cần được xử lý dựa trên "truyền thống". Hiến pháp còn có thay đổi là nhà vua không cần bổ nhiệm nhiếp chính khi ra nước ngoài.
Hồi tháng hai, Vua Vajiralongkorn đã ngăn cản chị mình là Công chúa Ubolratana, 67 tuổi, ra tranh cử thủ tướng cho đảng Thai Raksa Chart, liên quan đến đảng Pheu Thai do cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sáng lập. Quyết định này phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của hoàng gia Thái. Ông Thaksin bị lật đổ năm 2006 và đang sống lưu vong,
"Việc một thành viên cấp cao của hoàng gia dấn thân vào chính trị là đi ngược truyền thống, phong tục và văn hóa của đất nước và do đó được coi là không phù hợp", Vua Vajiralongkorn ra tuyên bố.
Khi tuyên bố tranh cử, bà Ubolratana lập luận rằng bà đang thực thi quyền công dân và "đã từ bỏ danh hiệu hoàng gia và sống như một thường dân". Năm 1972, Công chúa Ubolratana đã từ bỏ danh hiệu sau khi kết hôn với thường dân Mỹ Peter Ladd Jensen. Họ chung sống ở Mỹ cho đến khi ly hôn năm 1998. Bà Ubolratana năm 2001 trở về Thái Lan và tham gia một số sự kiện của hoàng gia.
Tuy nhiên, Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã bác bỏ cách lập luận này. "Mặc dù bà ấy đã từ bỏ danh hiệu theo luật hoàng gia, bà ấy vẫn giữ địa vị và thân phận là một thành viên của Vương triều Chakri (tên gọi triều đại từ năm 1782)", tuyên bố từ nhà vua có đoạn viết.
Cuối cùng, đảng Thai Raksa Chart tuân theo ý nhà vua, rút tư cách ứng viên của bà Ubolratana. Ủy ban Bầu cử Thái Lan ngày 11/2 truất quyền tranh cử của bà. Công chúa sau đó viết lên mạng xã hội, nói rằng bà "xin lỗi vì ý định chân thành của tôi là cống hiến cho đất nước và nhân dân Thái Lan đã gây ra những vấn đề không nên xảy ra trong thời đại này".
Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)