Các tài liệu tòa án được công bố hôm 12/8 cho thấy các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thu giữ một số tài liệu mật trong cuộc khám xét dinh thự của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida hồi đầu tuần. Bộ Tư pháp Mỹ nghi ông Trump có thể đã vi phạm Đạo luật Gián điệp, cùng một số điều luật khác liên quan tới xử lý tài liệu công.
Đạo luật Gián điệp Mỹ quy định lấy hoặc lưu trữ bất hợp pháp thông tin an ninh quốc gia là phạm tội, trong khi một phát ngôn viên của ông Trump khẳng định toàn bộ tài liệu đã được giải mật.
Vụ lùm xùm này gợi nhớ đến những lần ông Trump đã bất cẩn về những thông tin tình báo mật trong thời gian tại nhiệm. Trên cương vị tổng thống, ông Trump có quyền đơn phương giải mật thông tin. Tuy nhiên, một số hành động của ông vẫn khiến cộng đồng tình báo Mỹ bất ngờ.
Bãi phóng tên lửa Iran
Ngày 30/8/2019, ông Trump đăng trên Twitter bức ảnh độ phân giải cao được cho là tài liệu mật về địa điểm phóng tên lửa của Iran.
Dòng tweet của ông nhằm khẳng định Mỹ không liên quan tới vụ tai nạn xảy ra ở bãi phóng Semnan của Iran, khi Tehran thất bại trong nỗ lực phóng vệ tinh Nahid I. "Tôi chúc Iran mọi điều tốt đẹp nhất và chúc họ may mắn trong việc xác định chuyện gì đã xảy ra ở bãi phóng", Tổng thống Trump viết, đăng kèm bức ảnh vệ tinh chụp hình bãi phóng của Iran với dấu vết của vụ nổ tên lửa đẩy còn mới.
Chuyên gia ảnh vệ tinh tại hiệp hội Nhà khoa học Mỹ Ankit Panda khi đó cho rằng bức ảnh chỉ có thể được chụp từ một vệ tinh quân sự tuyệt mật. Một số chuyên gia khác đánh giá quân đội Mỹ có thể sử dụng máy bay không người lái (UAV) để chụp ảnh bệ phóng tên lửa Iran vì bầu khí quyển quá dày luôn làm ảnh hưởng tới khả năng quan sát của các vệ tinh.
Nếu bức ảnh được chụp bằng UAV, bài đăng trên Twitter của Trump vô tình cho thấy Mỹ thường xuyên xâm phạm không phận Iran để do thám hoặc có loại UAV hiện đại đến mức có thể chụp được bức ảnh sắc nét từ ngoài không phận Iran. "Đây là những bí mật quốc gia cần được giữ kín. Chúng ta thậm chí còn không chia sẻ những bức ảnh chất lượng cao như vậy với các đồng minh thân thiết", Panda nói.
Tin tình báo từ Israel
Ngày 5/10/2017, ông Trump gặp mặt Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga Sergey Kislyak tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Trong cuộc gặp, lãnh đạo Mỹ đã tiết lộ với hai quan chức Nga về thông tin tình báo Mỹ nhận được từ một đồng minh ở Trung Đông liên quan đến một âm mưu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo các phương tiện truyền thông, thông tin tình báo tuyệt mật đó đến từ Israel và nước này đã bày tỏ bất bình với Mỹ, vì lo ngại việc chia sẻ thông tin có thể làm lộ điệp viên của họ ở Trung Đông.
Vị trí tàu ngầm hạt nhân
Tháng 4/2017, ông Trump nói với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng hai tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã ở ngoài khơi bờ biển Triều Tiên, bày tỏ tự hào về "hỏa lực mạnh mẽ" của chúng, theo bản ghi cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo do Philippines công bố.
Lầu Năm Góc rất hiếm khi tiết lộ vị trí các tàu ngầm của mình, vốn rất quan trọng đối với lực lượng phòng thủ chiến lược Mỹ.
Vũ khí hạt nhân bí mật
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019, ông Trump đã chia sẻ với nhà báo Bob Woodward về năng lực hạt nhân chưa từng được biết đến của Mỹ. Đây có thể chỉ là một lời khoe khoang nhưng cũng có thể là thông tin tuyệt mật.
"Tôi đã cho chế tạo một hệ thống vũ khí hạt nhân chưa từng có ở đất nước này", ông chủ Nhà Trắng nói lúc bấy giờ. "Chúng tôi có những thứ mà Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa từng nghe về chúng trước đây".
Không rõ vũ khí hạt nhân ông Trump nhắc tới là gì. Washington Post hôm 11/8 dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng FBI đã tìm kiếm những tài liệu về vũ khí hạt nhân khi khám xét nhà riêng của ông Trump ở Florida hôm 8/8. Tỷ phú sau đó bác bỏ, gọi đây là "tin vịt".
Chi tiết về cuộc đột kích của Đặc nhiệm Mỹ
Sau chiến dịch của Mỹ tiêu diệt thành công thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ở Syria vào tháng 10/2019, ông Trump tỏ ra rất tự hào về cuộc tấn công, tiết lộ nhiều chi tiết mà Lầu Năm Góc thường giữ kín, như có bao nhiêu trực thăng tham gia, cách các biệt kích đột nhập hang ổ của thủ lĩnh IS, và rằng Mỹ đã thu thập được thông tin tình báo từ điện thoại và Internet.
Những thông tin đó "có thể giúp kẻ thù biết được các phương pháp tình báo của chúng ta", cựu chỉ huy đặc nhiệm Mỹ Michael Nagata nhận xét.
Lời mời Tổng thống Nga
Dù có nhiều lần hớ hênh về thông tin mật, ông Trump từng không tiết lộ thông tin với các trùm tình báo Mỹ về cuộc gặp giữa ông và ông Putin. Hồi tháng 7/2018, Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, rất ngạc nhiên khi người dẫn chương trình tại Diễn đàn An ninh Aspen nói với ông rằng Nhà Trắng đã tweet về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin được mời tới thăm Washington.
"Bạn có thể nói lại được không?", ông hỏi người dẫn chương trình.
Một năm sau, Coats cho hay ông không biết gì về cuộc thảo luận trong hai giờ giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga.
"Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra trong cuộc gặp đó", Coats nói.
Vũ Hoàng (Theo AFP)