Ngay sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ông lập tức tung ra những phản ứng dữ dội nhằm vào cơ quan điều tra, Bộ Tư pháp và Nhà Trắng.
Theo giới chuyên gia, việc FBI không cung cấp thông tin chi tiết nhằm giải thích cho chiến dịch đột kích của mình đã tạo ra khoảng trống để cựu tổng thống Trump cũng như những người ủng hộ ông có cơ hội phản kích.
Ban đầu, thông tin phổ biến nhất mà công chúng được biết là cuộc điều tra liên quan đến những tài liệu tổng thống, trong đó có cả một số tài liệu mật mà ông Trump được cho là đã lấy từ Nhà Trắng sau khi mãn nhiệm. Cuộc khám xét diễn ra do ông Trump trì hoãn trao trả lại các tài liệu là tài sản của chính phủ mà giới chức tin rằng có liên quan đến an ninh quốc gia, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland ngày 11/8 cho biết ông đã "đích thân phê duyệt" quyết định xin lệnh lục soát tư dinh ông Trump ở Florida và đang yêu cầu thẩm phán công khai lệnh khám xét. Tờ Washington Post cùng ngày dẫn các nguồn tin giấu tên am hiểu tình hình cho biết đặc vụ FBI đã tìm kiếm những tài liệu về vũ khí hạt nhân khi khám xét.
Dù vậy, nhiều câu hỏi và những điều mơ hồ vẫn bao trùm toàn bộ sự việc, dẫn đến hàng loạt suy đoán về động cơ của FBI. "Bộ Tư pháp không thể nói gì nhiều về vụ án vào lúc này vì điều đó là không phù hợp, nhưng tình trạng không rõ ràng đang tạo ra vấn đề lớn", Preet Bharara, nhà phân tích pháp lý cấp cao của CNN kiêm cựu công tố viên khu vực nam New York, đánh giá.
Theo giới quan sát, những người bảo vệ Trump đang bỏ qua một thực tế quan trọng là cuộc khám xét của FBI không phải hành động bột phát. Để làm điều này, họ phải xin lệnh khám xét từ một thẩm phán độc lập, người tin rằng có thể hành vi phạm tội đã được thực hiện và họ cần bằng chứng nhằm chứng minh điều này là đúng. Đây là quy trình chuẩn trong hệ thống tư pháp, vốn dựa trên nguyên tắc không ai đứng trên luật pháp, kể cả cựu tổng thống.
Nhưng điều đó không ngăn cản được các đòn công kích từ Trump, những đồng minh chính trị và hãng truyền thông ủng hộ ông nhằm vào FBI. "Chúng ta không hơn gì một quốc gia ở thế giới thứ ba", cựu tổng thống Mỹ viết trên Truth Social, mạng xã hội do ông thành lập.
Bình luận viên Stephen Collinson từ CNN cho rằng Trump rõ ràng đang nỗ lực "biến nguy thành cơ" khi vừa chỉ trích cuộc khám xét của FBI, vừa sử dụng nó để tạo động lực cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 mà ông đã muốn khởi động từ nhiều tuần.
"Ông Trump, với tuyên bố của mình, đang tìm cách lật ngược thế cờ, để thay đổi câu chuyện từ 'ông ấy đang bị nghi ngờ và đang gặp rắc rối với cơ quan thực thi pháp luật" thành 'ông ấy là nạn nhân'", Evan Nierman, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu và tư vấn về khủng hoảng toàn cầu Red Banyan, nhận xét.
Cựu tổng thống Mỹ "là bậc thầy trong lĩnh vực thao túng truyền thông", Banyan nói thêm. "Tôi nghĩ trong trường hợp này, ông ấy đã hành động nhanh chóng và dứt khoát để định hình lại toàn bộ câu chuyện, đặc biệt là vào thời điểm mà cơ quan thực thi pháp luật không thể vội vàng công khai bất cứ điều gì".
Ông Trump đã gặp 12 đồng minh Hạ viện thân thiết nhất tại câu lạc bộ golf Bedminster, New Jersey, hôm 9/8 và được ủng hộ mạnh mẽ về kế hoạch trở lại Nhà Trắng.
Vấn đề chỉ là "khi nào", hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Indiana Jim Banks cho hay. "Cảm giác của tôi là ông ấy đang bùng nổ và đã sẵn sàng khai cuộc".
Cuộc khám xét của FBI hồi đầu tuần cho thấy một bước leo thang đáng chú ý trên một trong những mặt trận pháp lý liên quan đến ông Trump. Gần đây, các luật sư của ông đang thảo luận với các công tố viên Bộ Tư pháp về cuộc điều tra bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021.
Cựu tổng thống Mỹ cũng đang là mục tiêu của một cuộc điều tra ở bang Georgia trước cáo buộc ông và các đồng minh can thiệp nhằm thay đổi kết quả bầu cử tại đây. Hôm 10/8, ông phải trình diện tại văn phòng Tổng chưởng lý New York Letitia James liên quan đến cáo buộc gian lận tại Trump Organization.
Dù vậy, bất kỳ cuộc điều tra nào chống lại Trump cũng đều bị những người ủng hộ ông tự động coi là hành vi có động cơ chính trị và mờ ám.
Cuộc khám xét chưa từng có tiền lệ gần như chắc chắn sẽ gây thêm rắc rối pháp lý cho cựu tổng thống Mỹ song phản ứng nhanh chóng của ông nhằm kiểm soát câu chuyện và định hướng thông tin sẽ mang đến cho Trump một chiến thắng trong ngắn hạn, giúp ông khuấy động tinh thần của những người ủng hộ trung thành.
"Những người ủng hộ Trump cần một câu chuyện, một cái cớ để kêu gọi hành động bằng cách này hay cách khác", Chris Haynes, giáo sư chính trị tại Đại học New Haven, lưu ý. "Những gì đang diễn ra chính là thứ họ cần".
Chuyên gia dự đoán vụ khám xét của FBI và những phản ứng gay gắt từ cựu tổng thống Mỹ báo hiệu một giai đoạn phân cực chính trị luẩn quẩn trong những tháng sắp tới tại Mỹ.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã tuyên bố sẽ điều tra các hành động của Bộ Tư pháp nhằm vào ông Trump nếu đảng Cộng hòa giành lại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. "Bộ Tư pháp đã vũ khí hóa chính trị đến mức không thể dung thứ được", ông viết trên Twitter.
Một thành viên chủ chốt khác trong ban lãnh đạo Hạ viện cũng tham gia vào nỗ lực bảo vệ ông Trump. "Cần có một cuộc điều tra ngay lập tức và buộc Tổng thống Joe Biden cũng như chính quyền của ông phải chịu trách nhiệm vì đã biến Bộ Tư pháp thành vũ khí để chống lại các đối thủ chính trị, trong đó có một đảng viên Cộng hòa có thể trở thành ứng viên tổng thống Mỹ năm 2024", Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang New York Elise Stefanik cho hay.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Missouri Josh Hawley trong khi đó cho rằng Bộ trưởng Tư pháp Garland nên bị luận tội hoặc từ chức.
Những phản ứng kịch liệt trước cuộc khám xét cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ cũng như vai trò không thể thay thế của ông Trump đối với đảng Cộng hòa, theo giới phân tích.
Alberto Gonzales, bộ trưởng tư pháp Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, hôm 9/8 đã phải đưa ra lời kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh.
"Chúng ta cần hiểu rằng cuộc khám xét được thực hiện theo quy trình tiêu chuẩn, một thẩm phán liên bang đã đồng ý, Bộ Tư pháp thực hiện các bước cần thiết, họ cũng nhận được lệnh khám xét và đã thu thập thông tin", ông nhấn mạnh. "Điều này không có nghĩa là ông Donald Trump sẽ bị buộc tội, không có nghĩa là sẽ có một phiên tòa, tất cả chỉ là một phần của quá trình thu thập thông tin".
"Những lùm xùm trong vài ngày qua cho thấy rằng bất kỳ hy vọng nào còn sót lại về lời hứa đưa nước Mỹ xích lại gần nhau của Tổng thống Biden có lẽ đã tan thành mây khói, kể từ khi các đặc vụ FBI đi qua cánh cổng khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago", Collinson từ CNN nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Business Insider)