Trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách, quán cơm chay tùy tâm Mãn Tự trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 vẫn đỏ lửa. Hơn một tháng nay, mỗi ngày quán nấu hàng nghìn suất cơm tặng người nghèo và người dân ở các vùng bị phong tỏa.
Sáng 29/6, các nhân viên và tình nguyện viên đến đông dần. Người phụ nhặt rau, cắt củ quả, người vào bếp nấu cơm. Ngồi lặng lẽ ở một góc nhỏ bên vỉa hè, bé Phùng Thị Quỳnh Như, 10 tuổi, chăm chú sơ chế bắp cải.
Quỳnh Như là cháu của anh Nông Văn Hào, 30 tuổi, một nhân viên của quán. Sau khi cha mẹ em ly thân, em sống với bà ngoại ở Bình Dương. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cô bé đến nay vẫn chưa được đi học. Hai tháng trước, anh Hào về quê dẫn Quỳnh Như lên Sài Gòn nuôi và định tìm trường cho bé đi học.
Nhưng dịch bùng phát, Như chưa thể đến trường. Sợ cháu ở nhà buồn, anh Hào dẫn đến quán vừa làm việc. Trong lúc anh Hào làm việc, bé cũng tự giác phụ giúp các anh chị trong quán làm các việc lặt vặt.
Quán chay Mãn Tự vốn là một quán ăn tùy tâm, khách đến quán ăn xong thì bỏ tiền vào thùng từ thiện, người khó khăn có thể không cần trả tiền. Từ khi Sài Gòn có những ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 5, quán đã chuyển sang nấu cơm từ thiện phục vụ người nghèo và chuyển đến các điểm phong tỏa.
Anh Hào cho biết, vì mới đón cháu lên ở cùng sau nhiều năm đi làm ăn xa nên thật sự, anh chưa hiểu hết tính cháu. "Tôi chỉ nói với cháu: Nhiều người vì dịch mà khó khăn, không có cơm ăn thì mình làm cơm, giúp họ qua cơn đói. Vậy là từ hôm sau con bé xin đi theo để phụ việc quán luôn", anh Hào kể.
Mỗi ngày, Quỳnh Như cùng anh Hào có mặt tại quán cơm từ sáng sớm đến hơn 9h tối. Cũng như người cậu của mình, Quỳnh Như không hề nà bất cứ công việc gì. Hết nhặt rau, gọt củ, cô bé lại vào bếp cho thức ăn vào hộp, múc canh vào túi. Bếp ăn liên tục chuẩn bị hàng ngàn suất cơm nên các tình nguyện viên gần như không lúc nào ngơi tay khiến Quỳnh Như càng muốn phụ mọi người các việc vặt...
"Khó nhất là dùng dây thun cột túi canh. Lúc mới tập, con không cột được vì canh nóng, tay lại trơn nhưng sau ít hôm thì con cũng cột được chặt như các cô chú ở đây. Việc nhặt rau, gọt củ quả lúc ở với bà ngoại con có làm nên nhìn các cô chú làm là còn làm theo được", Quỳnh Như nói.
Sau bữa trưa, bé thường ngủ trưa một lúc rồi lại tiếp tục phụ việc cho đến tối. Có những ngày ngồi hàng giờ để sơ chế rau củ nhưng chưa bao giờ Quỳnh Như than vãn và cũng chưa xin nghỉ ở nhà ngày nào.
"Con chỉ buồn khi mỗi lần nhớ đến ngoại. Cậu Hào nói mình đang làm việc tốt nên con thấy vui rồi không buồn nữa", cô bé 10 tuổi chia sẻ.
Nhìn cháu làm được nhiều việc, anh Hào lại thấy lo vì thấy Như có vẻ 'già dặn' nhiều hơn so với tuổi. "Tôi muốn cháu được biết chữ, có bạn bè và thầy cô đồng hành thêm để giúp cháu có một tuổi thơ đúng nghĩa. Hết dịch, tôi sẽ tìm một lớp học tình thương, hay lớp bổ túc nào đó để cháu theo học", anh Hào nói.
Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, chủ quán cơm chay Mãn Tự cho biết: "Ngoại trừ vào bếp nấu nướng thì những việc còn lại trong quán bé đều có thể phụ giúp mọi người. Bé thường chủ động làm chứ không chờ mọi người nhờ mới giúp".
Diệp Phan