16h30, gian bếp 100 m2 của một xưởng chế biến thực phẩm trên phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên nghi ngút hơi nước. Trong khi đó, Duy Cường và 7 nhân viên hì hụi vo gạo rồi chia nhỏ 400 kg nếp vào một nồi hơi công nghiệp để nấu xôi, chuẩn bị cho bữa sáng hôm sau của những người trực chốt chống dịch.
Mất 30 phút để đồ chín một mẻ xôi nhưng để hoàn thành đóng gói 1.000 suất xôi, thêm gia vị trộn ruốc, anh Cường và các công nhân phải thức đến 4h sáng hàng ngày.

Bắt đầu từ 16h30 nhưng phải đến 4h sáng hôm sau anh Phạm Duy Cường và các nhân viên của mình mới xong 1.000 suất xôi kèm ruốc để gửi tặng các chốt phòng chống dịch và lao động nghèo, người ngoại tỉnh mắc kẹt ở Hà Nội trong những ngày giãn cách. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khi những hộp xôi đã được xếp gọn gàng vào thùng xốp, cũng là lúc chiếc xe bán tải và hai người bạn của Cường có mặt. Họ cùng "bốc hàng" chuyển đến điểm tập kết ở trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ. Ở đó, anh Nguyễn Thành Chung, bạn của Cường ở lại xe, tách riêng các phần quà để các tình nguyện viên di chuyển bằng xe máy vào ngõ, ngách chuyển đến các chốt phòng dịch.
Vũ Quốc Trọng, 25 tuổi, nhân viên của anh Cường là người ngoại tỉnh nhưng đã quyết định ở lại Hà Nội cùng giám đốc của mình góp sức chống dịch với thành phố. "Bạn bè tôi đều đã về quê do không có việc. Tôi ở lại làm tình nguyện cùng các anh em nhưng vẫn được anh Cường trả lương", Trọng nói.
Phạm Duy Cường là giám đốc một công ty cung cấp thực phẩm có tiếng ở Hà Nội. Tháng 7, khi thành phố bắt đầu giãn cách để phòng dịch, thấy trong kho có sẵn gạo nếp, anh Cường nghĩ ngay đến việc tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch và những lao động nghèo mắc kẹt. Năm ngoái khi Hà Nội lần đầu phong tỏa, anh cũng nấu cơm miễn phí và chế hàng nghìn bộ "xương khẩu trang" để tặng cho các y bác sĩ. "Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, rất nhiều người khó khăn, mình muốn góp một chút sức lực cho cộng đồng", người đàn ông 40 tuổi, nói.

Anh Cường đi qua nhiều con phố của Hà Nội để trao tặng xôi cho người vô gia cư, lao động nghèo gặp khó khăn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Những ngày đầu tháng 8, khi hoạt động nấu xôi mới khởi động, thông qua danh sách những người cần hỗ trợ của Hội chữ Thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc các quận, anh Cường nấu khoảng 500 suất mỗi ngày. Nhưng đến nay, sau khi kết nối thêm với các hội, nhóm thiện nguyện, số suất ăn cần chuẩn bị đã lên 1.000, ngoài tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu, vị giám đốc trẻ còn phát cho người vô gia cư, lao động tự do và bệnh nhân nghèo gặp khó khăn trong đại dịch.
Trong lúc anh Cường "bận bịu với nồi xôi", chị Phạm Hồng Hạnh (vợ anh) cũng tham gia bằng cách tìm kiếm cá nhân, đơn vị cần được hỗ trợ lương thực theo ngày trên mạng xã hội.
8 giờ sáng 11/8, trời bắt đầu có những hạt mưa, Cường và người bạn Nguyễn Hữu Quang rong ruổi trên tuyến đường ven đê chợ Long Biên rồi vòng qua các tuyến đường như Tràng Thi, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải... tìm đến nơi các lao động nghèo, người vô gia cư thường tập trung.
"Bình thường, phải để ý mới thấy người vô gia cư, nhưng nay giãn cách, mọi người đều ở nhà thì người vô gia cư lại dễ gặp hơn bao giờ hết. Mỗi suất quà tuy không giúp đỡ được quá nhiều về vật chất, song chúng tôi hy vọng có thể giúp đỡ được họ lúc thiếu thốn, khó khăn", anh Nguyễn Hữu Quang, người bạn đồng hành cùng Cường chia sẻ.

Gửi tặng xôi cho các sinh viên Đại học Lao động và Xã hội bị mắc kẹt ở lại thành phố trong giai đoạn giãn cách. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chuẩn bị về nhà, anh Cường nhận được điện thoại của người quen nhờ hỗ trợ cho các bạn sinh viên bị mắc kẹt không thể về quê ở trường Đại học Lao động và Xã hội.
Hoàn tất công việc trong ngày lúc gần trưa, Cường lái xe trở về nhà trong trận mưa xối xả. Nhìn qua cần gạt nước, thi thoảng anh vẫn thấy có bóng người co ro nép bên những căn nh đóng kín cửa, anh dừng lại đưa gói xôi cuối cùng cho một người phụ nữ công nhân môi trường.
Lệnh Thắng