BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết như trên, thêm rằng người dân cần hiểu đúng về bệnh cúm để chăm sóc, phòng ngừa đúng. Khuyến cáo đưa ra trong bối cảnh thời tiết miền Bắc chuyển lạnh, mưa ẩm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều ca cúm nặng, trong đó một ca phải can thiệp hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO.
Các hiểu nhầm về bệnh cúm thường gặp như sau:
![Thời tiết lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/06/khong-khi-lanh-mac-cum-1738825-2136-2743-1738825943.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F5p9sFE8tcdhIyUyj02shQ)
Thời tiết lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Ảnh: Giang Huy
Bệnh nhẹ, không cần chăm sóc
Bệnh cúm do virus gây ra, với các triệu chứng gồm: sốt, đau họng, đau đầu, nhức mỏi người, ho... Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau 2-7 ngày. Do đó, nhiều người cho rằng cúm là bệnh nhẹ, không cần chăm sóc, sẽ tự khỏi.
Theo bác sĩ Chính, đây là cách hiểu chưa đúng. Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm và gặp biến chứng. Một số người có nguy cơ cao mắc biến chứng so với nhóm khác, gồm người trên 65 tuổi, hoặc có bệnh nền như hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, thai phụ và trẻ em dưới 5 tuổi.
Các biến chứng thường gặp của cúm gồm viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, viêm cơ tim và viêm tai giữa, viêm xoang. Trong đó, cúm và viêm phổi là "cặp đôi" liên quan mật thiết. Nhiễm cúm khiến niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, thuận lợi cho tác nhân gây bệnh khác xâm nhập và gây viêm phổi. Ví dụ, người bệnh bội nhiễm virus cúm và phế cầu khuẩn, nguy cơ tử vong tăng lên gấp 8 lần.
Có thể điều trị bằng kháng sinh
Ngược lại với nhóm không điều trị, một số người có thói quen tự mua một vài vỉ thuốc kháng sinh, kháng virus uống ngay khi có triệu chứng ho, viêm họng, sốt. Tuy nhiên, thuốc sử dụng không đúng chỉ định có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
Bác sĩ giải thích virus có cấu tạo và cơ chế hoạt động khác với vi khuẩn. Vi khuẩn tấn công tế bào từ bên ngoài còn virus sẽ bám vào các tế bào khỏe mạnh của vật chủ và nhân lên. Do đó, kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn, song không tiêu diệt được virus.
Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh và kháng virus có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, tăng nguy cơ ngộ độc, kháng thuốc khi sử dụng không đúng chỉ định và đúng liều. Như trường hợp phụ nữ 40 tuổi (ở Quảng Ninh) mắc cúm A, điều trị tại một bệnh viện ở Quảng Ninh hồi tháng 12/2024, bị bội nhiễm viêm phổi, suy hô hấp sau khi tự uống thuốc để trị cúm tại nhà.
Nhiễm cúm để huấn luyện hệ miễn dịch
Bác sĩ Chính nêu thêm một quan niệm sai khác, đó là ý kiến cho rằng nhiễm cúm sẽ giúp hệ miễn dịch trở nên khỏe mạnh hơn. Thực tế khi mắc cúm, cơ thể chỉ tạo kháng thể bảo vệ trong thời gian ngắn, nguy cơ tái nhiễm các chủng khác vẫn còn. Trong khi đó, hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian, đặc biệt lớn tuổi, mang thai, hoặc khi mắc các bệnh ung thư, thận, phổi tắc nghẽn mạn tính, thường xuyên căng thẳng trong cuộc sống, công việc...
Mặt khác, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy virus cúm giúp huấn luyện hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Hàng năm, thế giới ghi nhận 3-5 triệu ca nhiễm cúm nặng, trong đó khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Các số liệu cho thấy cúm là bệnh, cần được điều trị đúng, không nên chủ quan.
![Người lớn tiêm vaccine cúm tại VNVC Hoàng Văn Thụ, TP HCM. Ảnh: Bình An](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/06/nguoi-lon-tiem-vac-xin-cum-tai-8354-4727-1738825943.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ywl1S2lhfXPSN6y7PB0pdg)
Người lớn tiêm vaccine cúm tại VNVC Hoàng Văn Thụ, TP HCM. Ảnh: Bình An
Vaccine cúm chỉ cần tiêm một lần
Liên minh Vaccine và Tiêm chủng toàn cầu Gavi hôm 30/12 đánh giá cúm quay lại hàng năm, lây lan nhanh và mạnh tương đương quy mô một vụ dịch. Mầm bệnh ảnh hưởng nặng ở những người dễ bị tổn thương nhất như trẻ nhỏ, người già. Nếu không tiêm vaccine, tỷ lệ tử vong do cúm có thể tăng gấp đôi so với hiện tại.
Gavi cho biết kể từ năm 2010, khuyến nghị tiêm vaccine đầy đủ cho người dân từ 6 tháng tuổi, đã đánh dấu bước tiến lớn trong giảm nguy cơ và biến chứng khi mắc cúm. Tác động của bệnh cúm giảm đi rất nhiều.
Một nghiên cứu của Gavi đăng tải trên tạp chí Hô hấp châu Âu xuất bản hồi tháng 1, tổng hợp 119 bài báo xuất bản trong 10 năm, ước tính hiệu quả của vaccine cúm trong ngăn ngừa và giảm ca bệnh nặng. Kết quả, vaccine giúp ngăn ngừa nhiễm các chủng virus có trong mũi tiêm. Vaccine cúm cũng có thể giảm một nửa tỷ lệ tử vong liên quan nhiễm cúm nói chung, trong đó có bệnh nhân nhiễm chủng H3N2.
Tại Mỹ, CDC Mỹ kết luận, vaccine giúp giảm khoảng 7 triệu ca mắc, 100.000 bệnh nhân nhập viện và 7.000 ca tử vong do cúm trong mùa cúm năm 2019-2020.
Bác sĩ Chính cho biết các dữ liệu trên cho thấy vaccine thực sự hiệu quả, giúp giảm gánh nặng do cúm gây ra đối với hệ thống y tế. Do đó, việc duy trì các nỗ lực tiêm chủng vừa cần thiết vừa có lợi.
Hiện Việt Nam có hai loại vaccine cúm thế hệ mới, phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh đến 90% và ngăn biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng não, nhiễm trùng máu, suy hô hấp... Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm.
Vaccine cần nhắc lại hàng năm bởi virus cúm biến đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục, kháng thể phòng bệnh từ vaccine giảm dần theo thời gian. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Ngoài ra, bác sĩ Chính lưu ý người dân bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh thời tiết chuyển mùa, không khí lạnh tràn về miền Bắc, song song với tiêm vaccine. Mỗi người nên mặc ấm, hạn chế sinh hoạt trong thời tiết lạnh, đặc biệt vào các khung giờ sáng sớm và tối muộn. Người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường, giữ ấm đầu, mặt, cổ để bảo vệ đường hô hấp, hạn chế nhiễm cúm và bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí. Có thể tập thể dục tại nhà, kết hợp dinh dưỡng cân bằng và sinh hoạt khoa học để tăng sức khỏe tổng thể và sức đề kháng.
Trường hợp có triệu chứng bệnh như ho, sốt, nhức mỏi, người dân cần khám sớm để được điều trị sớm. Mọi người không tự dùng thuốc, kiêng khem quá mức khiến bệnh trở nặng, điều trị khó khăn.
Linh San