Từ tháng trước, Own Mar Shwe, bà mẹ ba con 41 tuổi, không thể tiếp tục làm điều đó. Giống như hàng triệu lao động Myanmar làm việc ở nước ngoài và gửi thu nhập về nước cho những người phụ thuộc, cuộc đảo chính ngày 1/2 đã chặt đứt nguồn kiều hối cho gia đình, khi các dịch vụ ngân hàng và chuyển tiền bị gián đoạn.
"Tôi lo lắng không biết gia đình mình xoay xở thế nào mỗi ngày", Shwe nói qua điện thoại từ Samut Sakhon, trung tâm thủy sản của Thái Lan ở phía nam thủ đô Bangkok.
Cô thường gửi 6.000 baht (200 USD) mỗi tháng qua một người trung gian sử dụng dịch vụ thanh toán Wave Money. Tiền sẽ được chuyển các cửa hàng tiện lợi ở Myanmar, nơi người thân của cô đến rút. Shwe đã không thể làm vậy kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của Aung San Suu Kyi một tháng trước, hạn chế kết nối Internet, khiến nhiều người dân xuống đường biểu tình và đình công.
"Tôi không biết phải làm sao", cô lo lắng về người mẹ 76 tuổi đang bị bệnh, phải dựa vào khoản tiền cô gửi về để mua thuốc.
Hơn 4 triệu trong dân số 54 triệu người của Myanmar làm việc ở nước ngoài, trong các ngành từ sản xuất, nông nghiệp cho đến giúp việc gia đình, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Hai điểm đến hàng đầu là Thái Lan và Malaysia. Nhiều người là trụ cột gia đình, gửi về lượng kiều hối lên tới 2,4 tỷ USD năm 2019, tương đương hơn 3% GDP của đất nước, theo Ngân hàng Thế giới.
Nhiều doanh nghiệp ở Myanmar đã đóng cửa để thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào chống đảo chính hoặc cho phép nhân viên tham gia biểu tình trong giờ làm việc. Các dịch vụ ngân hàng hoạt động cầm chừng, một số chi nhánh đóng cửa, số khác giảm hoạt động và hạn chế rút tiền.
Sự gián đoạn đã khiến một số ngân hàng và công ty tài chính ở nước ngoài ngừng dịch vụ chuyển tiền đến Myanmar hoặc khuyên khách hàng nên hoãn kế hoạch chuyển tiền, với lý do giao dịch có thể bị đình trệ.
Ngân hàng Kasikornbank của Thái Lan ở Bangkok, các chi nhánh của Western Union và các điểm chuyển tiền quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã xác nhận điều này. Trong khi đó, một ngân hàng khác của Thái Lan, Siam Commercial Bank, cho biết dịch vụ chuyển tiền của họ vẫn hoạt động.
Western Union, công ty chuyển tiền lớn nhất thế giới, cho biết họ "không thể đưa ra khung thời gian cụ thể" về thời điểm nối lại dịch vụ chuyển tiền đến Myanmar, theo một bài đăng trên trang web ngày 19/2.
"Kiều hối là vô cùng quan trọng với nhiều gia đình", Nicola Piper, giáo sư tại Đại học Queen Mary, London, nói. "Trong tình hình hiện tại, khi Covid-19 kết hợp với khủng hoảng chính trị, sẽ tác động lớn đến sinh kế của các gia đình bị bỏ lại phía sau".
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm ngoái, từ trước khi bất ổn chính trị xảy ra, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của lao động Myanmar ở nước ngoài và gia đình họ. Hàng triệu người bị mất việc làm và giảm thu nhập.
Benjamin Harkins, giám đốc cấp cao của Quỹ An ninh Lương thực và Sinh kế LHQ ở Yangon, cho biết nhiều lao động Myanmar ở nước ngoài đã sử dụng các kênh không chính thức để gửi tiền. Trong thời điểm hiện tại, cách làm đó có thể giúp họ xoay xở khi các tổ chức tài chính chính thức dừng hoạt động.
Các kênh như vậy được thực hiện thông qua một mạng lưới chuyển tiền do những trung gian không giấy tờ tiến hành. Ông cho rằng lượng kiều hối của Myanmar có thể lên tới 10 tỷ USD nếu bao gồm các dòng tiền không chính thức này.
Harkins đánh giá kiều hối sẽ còn trở nên quan trọng hơn sau cuộc đảo chính, vì các công ty nước ngoài có thể xem xét lại việc đầu tư vào Myanmar, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường việc làm trong nước. "Hơn nữa, các điểm đến phổ biến cho lao động như Thái Lan và Malaysia vẫn đóng cửa do Covid-19", ông nói thêm.
"Điều đó có thể dẫn đến tình huống nhu cầu kiều hối lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng của lao động ở nước ngoài, khiến các hộ gia đình thêm khó khăn còn các lao động thêm áp lực".
Đối với Ko Nai Ling, người đến Malaysia vào năm 2013 và hiện làm việc tại trạm rửa xe, tất cả những gì anh hy vọng là có thể sớm gửi tiền trở lại. Anh gần như không thể liên lạc với gia đình kể từ cuộc đảo chính vì người dân bị hạn chế truy cập Facebook, mạng xã hội khoảng một nửa dân số Myanmar sử dụng.
"Tôi rất lo lắng vì tôi là người duy nhất chu cấp cho họ", Ko Nai Ling, 33 tuổi, người đã gửi về nhà 1.200 RM (300 USD) mỗi tháng, cho biết. "Nếu tôi không gửi được tiền, không biết họ sẽ sống ra sao".
Phương Vũ (Theo Reuters)