Làn sóng biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar cuối tuần trước trải qua ngày đẫm máu nhất sau khi 18 người bị lực lượng an ninh bắn chết. Bất bình của phương Tây đối với cuộc đảo chính ngày 1/2 và việc quân đội trấn áp biểu tình đã làm dấy lên tranh luận về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.
Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu, đã thực hiện hoặc đang xem xét các biện pháp trừng phạt diện hẹp nhằm gây sức ép với quân đội và các đồng minh kinh doanh của họ.
Các biện pháp diện hẹp như vậy tập trung vào các lãnh đạo quân đội Myanmar và các doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc ràng buộc với quân đội, ngăn cản các cá nhân, công ty hoặc ngân hàng làm việc với họ. Mục đích của chúng là gây áp lực buộc quân đội đảo ngược đảo chính và phóng thích những người bị giữ, bao gồm Aung San Suu Kyi.
Các biện pháp cũng bao gồm ngừng hỗ trợ tài chính cho chính quyền Myanmar, hoặc chuyển hướng chúng sang xã hội dân sự.
Tuy nhiên, những lệnh này chủ yếu mang tính biểu tượng, vì quân đội và các công ty của họ vốn ít tiếp xúc với phương Tây. Một số tướng lĩnh, bao gồm thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar, đã bị áp lệnh trừng phạt từ trước vì chiến dịch với người Hồi giáo Rohingya.
Những biện pháp trừng phạt được công bố cho đến nay có ít tác động hơn so với các lệnh từng được áp dụng vào những năm 1990, nhưng giới phân tích cho rằng những biện pháp này đã không thể lay chuyển được chính quyền quân sự, đồng thời tước đi viện trợ và việc làm của người dân, khiến Myanmar thụt lùi nhiều thập kỷ trong quá trình phát triển. Họ cũng nói rằng sự cô lập chỉ giúp làm giàu cho quân đội.
Phương Tây áp đặt trừng phạt diện hẹp thay vì trừng phạt toàn diện để gây ít ảnh hưởng hơn đến người dân bình thường, mặc dù các công ty tư nhân lo ngại về danh tiếng hoặc rủi ro chính trị cũng có thể giảm giao dịch với Myanmar, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế đánh giá trong một báo cáo.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại Myanmar Tom Andrews cho rằng các quốc gia có cơ chế trừng phạt nên đưa ra thêm nhiều biện pháp hơn và phối hợp các phương pháp tiếp cận trên phạm vi quốc tế.
Ông cũng đề xuất triệu tập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để xem xét viện dẫn chương 7 theo Hiến chương LHQ, trao cho cơ quan này thẩm quyền thực thi các quyết định bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc vũ lực.
Andrews còn nêu phương án đưa vấn đề này ra Tòa án Hình sự Quốc tế, cũng như ban lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu nhằm ngăn quân đội Myanmar tiếp cận vũ khí để sử dụng chống lại người biểu tình. Một ý tưởng khác được đưa ra là trả doanh thu năng lượng của Myanmar vào một tài khoản ký quỹ ở nước ngoài mà chính quyền quân sự bị hạn chế tiếp cận.
Tuy nhiên, bất kỳ hành động phối hợp quốc tế nào cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Trung Quốc và Nga. Cả hai đều bán vũ khí cho Myanmar và được hưởng lợi từ các lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây.
Trung Quốc thường không thích các hành động đa phương chống lại các quốc gia riêng lẻ. Giới chuyên gia cho rằng họ khó có khả năng ủng hộ các lệnh trừng phạt. Giống như một số nước láng giềng ở Đông Nam Á, Trung Quốc không chỉ trích chính quyền quân sự trong khủng hoảng.
Tương tác và giao thương của Myanmar với các nước láng giềng là một trong những lý do chính khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây được coi là thất bại. Hiệu quả của các lệnh cấm vận mới của phương Tây có thể phụ thuộc vào vai trò ngoại giao của các nước châu Á.
Đối với nhiều người dân ở Myanmar, các biện pháp trừng phạt gợi lại ký ức về một thời kỳ đen tối của chính quyền quân sự kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng yếu kém, liên tục mất điện, thiếu hụt hàng hóa và việc làm, trước khi quá trình tự do hóa mang lại lợi ích lớn với sự hỗ trợ từ nhiều nước phương Tây.
Tuy nhiên, một số người phản đối đảo chính coi các biện pháp trừng phạt, hoặc thậm chí can thiệp quân sự, là các cách ngăn quân đội mạnh tay hơn với người biểu tình và nắm giữ quyền lực trong nhiều thập kỷ tới.
Phương Vũ (Theo Reuters)