Dầu gạo là một trong những loại dầu thực vật tốt nhất cho sức khỏe, được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như New Zealand, Australia, Nhật Bản, Hàn quốc, Mỹ, châu Âu… Dầu chất lượng tốt được làm từ cám gạo tươi, chế biến ngay trong vòng 6h sau khi tách khỏi hạt gạo. Việc tinh luyện đòi hỏi công nghệ, máy móc hiện đại và trình độ kỹ thuật cao, nhằm đảm bảo tách lọc mọi tạp chất song vẫn giữ lại các dưỡng chất quý giá của lớp cám gạo, đặc biệt là Gamma-Oryzanol và cân đối các nhóm acid béo.
Dồi dào dưỡng chất chống oxy hóa
Dầu gạo giàu các dưỡng chất chống oxy hóa, tiêu biểu là Gamma-Oryzanol. Nhiều nghiên cứu cho thấy, Gamma-Oryzanol có khả năng ngăn chặn hấp thu cholesterol xấu từ thức ăn ở ruột. Đồng thời Gamma-Oryzanol có hiệu quả cao trong việc chống oxy hoá (mạnh gấp 4 lần vitamin E), ngăn hình thành các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa.
Sử dụng dầu gạo có Gamma-Oryzanol là liệu pháp giúp điều hòa mức cholesterol, ngăn ngừa nguy cơ tim mạch, phòng tránh các bệnh suy giảm trí nhớ, Alzheimer… Hàm lượng dưỡng chất này là chỉ số tốt để đánh giá giá trị dinh dưỡng của dầu gạo. Bà nội trợ nên chọn dầu gạo nguyên chất có màu vàng hơi sẫm, trong suốt, mùi thơm nhẹ. Mỗi ngày dùng 20ml dầu gạo có thể giúp giảm cholesterol xấu, góp phần phòng ngừa các bệnh tim mạch hiệu quả.
Ngoài ra, các phytosterols trong dầu gạo cũng có tác dụng chống viêm, ức chế tế bào ung thư, cải thiện miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa. Loại dầu này còn chứa hàm lượng cao vitamin E (gồm Tocopherols và đặc biệt là Tocotrienols) tốt cho sức khỏe, làm chậm quá trình oxy hóa tế bào.
Cân đối các nhóm acid béo
Chất béo là một trong 4 nhóm chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của cơ thể mỗi ngày. Song nếu bổ sung thiếu cân đối sẽ gây rối loạn chuyển hóa lipid máu, dư thừa chất béo dễ tích tụ gây thừa cân béo phì.
Dầu gạo là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, còn có tỷ lệ acid béo bão hòa (SFAs), acid béo không bão hòa đơn (MUFAs), acid béo không bão hòa đa (PUFAs) gần nhất với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Tim mạch Mỹ (AHA). Cụ thể là 30% SFAs, 38% MUFAs và 31% PUFAs. Vậy nên, có thể coi dầu gạo là nguồn cung cấp các acid béo tự nhiên khá cân đối và lý tưởng.
Dầu gạo có thể ăn trực tiếp, trộn salad hoặc xào nấu. Loại dầu bền nhiệt này có điểm bốc khói cao 254 độ C, đáp ứng tốt với nhiều hình thức nấu nướng, khá an toàn khi chế biến các món chiên xào. Tuy nhiên, bất kỳ loại dầu ăn nào cũng không nên đun lâu, ở nhiệt độ quá cao, trên 180 độ C, để đảm bảo món ăn không cháy khét và giảm giá trị dinh dưỡng.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai
Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia