Nhiều lần, bác sĩ chúng tôi phải hỏi lẫn nhau: tại sao cùng một giai đoạn, cùng đặc điểm bệnh tật, thể trạng bệnh nhân, cùng phương pháp điều trị, người bệnh lại có kết cục khác nhau. Lý do hợp lý nhất chúng tôi tạm tin là sự khác nhau về đặc điểm sinh học phân tử, hoặc về gene nào đó, nhưng y học chưa khám phá ra.
Đây là giới hạn của y học mà cả thầy thuốc, bệnh nhân đều là nạn nhân. Và chúng ta phải chấp nhận sự thật.
Cũng may, mặc dù các kết quả thăm khám, điều trị có thể không đo lường, tiên đoán chính xác, nhưng có thể đánh giá tương đối, không đến mức may rủi hú hoạ "phúc chủ, lộc thầy" như niềm tin tâm linh.
Khoa học là liên tục đặt ra câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Khoa học y học cũng không ngoài quy luật này. Các nhà khoa học, thầy thuốc luôn không ngừng tìm hiểu những vùng chưa sáng tỏ, nghiên cứu cái mới để cải tiến cái cũ và tìm ra cách tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề sức khoẻ. Công cuộc phát triển vaccine Covid-19 thần tốc của thế giới chỉ trong năm qua là một minh chứng.
Trong số hơn 20 nghìn người tại 19 tỉnh, thành đã được tiêm vaccine AstraZeneca tại Việt Nam, tỷ lệ gặp biến cố bất lợi sau tiêm đến hôm nay khoảng 15%. Trong đó, 0,08% có biến cố nặng, song tất cả các trường hợp này đều an toàn sau tiêm.
Hiệp hội đông cầm máu quốc tế (ISTH) vừa tuyên bố, chưa đủ chứng cứ khoa học để khẳng định việc tiêm vaccine Covid -19 Astrazeneca liên quan đến nguy cơ huyết khối.
ISTH khuyến cáo vẫn có thể sử dụng vaccine này dù chính phủ một số nước châu Âu đã tạm đình chỉ chương trình tiêm do các báo cáo về biến cố huyết khối dẫn đến tử vong cho người được tiêm. Thực tế, rất khó để phân biệt đây là biến cố bất lợi liên quan tới vaccine hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với xác suất huyết khối tương đương trong dân số nói chung.
Điều này có thể gây khó hiểu, thậm chí gây sốc cho công chúng. Vì rằng ai cũng nghĩ y học ngày nay đã tiến rất xa trong nghiên cứu tìm hiểu mọi căn nguyên bệnh tật. Thông tin y khoa đương nhiên phải chính xác, chắc chắn và phải là chân lý.
Nhưng thực tế, những người làm nghề y chúng tôi biết rằng, dù có nhiều điều y học có thể khẳng định đúng hoặc sai, song cũng không ít vấn đề chưa rõ ràng, chưa được giải quyết, và không thể hoặc chưa thể xác định đúng sai.
Thuốc hay vaccine, dù phòng hay trị bệnh gì khi phát triển, sản xuất đều phải trải qua quá trình nghiên cứu, kiểm định hết sức nghiêm ngặt và kỹ lưỡng; phải đảm bảo hiệu quả an toàn trên số lượng quần thể đủ lớn mới được đưa vào sử dụng. Nhờ vaccine, loài người đã đẩy lùi được nhiều đại dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, như mọi can thiệp y khoa, vaccine vẫn có tỷ lệ nhỏ rủi ro tai biến, nguy hiểm nhất là phản ứng phản vệ.
Nhưng tai biến vaccine không xảy ra hàng loạt và không có tính khái quát cho cả quần thể. Một số thuốc nội tiết, kháng sinh mạch trong điều trị ung thư cũng có nguy cơ gây huyết khối nhưng không phải vì thế mà y khoa không sử dụng. Bởi những thuốc này có thể cứu sống hàng ngàn hàng vạn người trong khi chỉ gây rủi ro cho một vài người trong số các bệnh nhân.
Thực hành y khoa là dựa vào các dữ liệu nghiên cứu trên quần thể lớn để chăm sóc điều trị cho cá thể, do vậy kết quả còn nằm ở kỹ năng và kinh nghiệm lâm sàng của thầy thuốc để cá thể hoá điều trị, ứng dụng kiến thức trong bệnh cảnh cụ thể. Đây vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.
Và dù đã có những quan ngại dấy lên bởi những ca tử vong sau tiêm vaccine Covid-19 do huyết khối ở nước ngoài. Nhưng Bộ Y tế Việt Nam vẫn đang triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 với giải pháp thận trọng và bước đi chắc chắn.
Chúng ta đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm trên toàn quốc. Hệ thống dây chuyền lạnh đã được tăng cường, kho vaccine tuyến tỉnh, huyện được trang bị tủ lạnh chuyên dụng để có thể bảo quản vaccine quy mô lớn. Bộ Y tế đã tập huấn triển khai tiêm vaccine Covid-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên cả nước.
Cũng như bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào, vaccine Covid-19 có thể gây một số phản ứng không mong muốn sau tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Người được tiêm sẽ được nhân viên y tế theo dõi nghiêm ngặt tình trạng sức khỏe. Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã kỹ lưỡng, các đội cấp cứu lưu động và hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời nếu có tình huống xấu xảy ra.
Vaccine của Việt Nam cũng đã thử nghiệm pha một thành công và đang được nghiên cứu pha hai. Thật cảm động khi đã có hàng nghìn người dân tình nguyện đăng ký tham gia thử lâm sàng vaccine nội. Thử nghiệm giai đoạn ba theo kế hoạch có thể được tiến hành vào tháng 5 tới và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 nếu thành công. Khi đó, chúng ta có quyền hy vọng Việt Nam tiến tới mục tiêu tự chủ nguồn vaccine, thậm chí có thể xuất khẩu.
Dù y học còn những đường biên mà mỗi khi ta tiến càng gần thì chúng có thể càng lùi ra xa, nhưng không vì thế mà ngành y e ngại bóng đêm của bệnh tật. Không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải.
"Những bệnh tật hôm nay không che phủ chân trời của ngày mai, mà thúc đẩy nỗ lực lớn hơn nữa", như William James Mayo nói.
Trần Văn Thuấn