Thải mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống cùng chị gái đã lập gia đình. Buổi chiều 28/10/2020, Thải đang trú bão Molave ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) thì quả núi phía sau nhà phát ra tiếng nổ như bom. Vài phút sau, đất đá ào ào đổ xuống. Cô bé được người trong làng cứu sống, khi đá đè trúng chân, kẹp cứng lại nơi góc nhà sập.
Thải được đặt trên võng, chân phải biến dạng, khóc đến cạn nước mắt. Người làng thay nhau khiêng em cùng nhiều nạn nhân khác băng qua 15 km với hàng chục điểm sạt lở đi cấp cứu. Nhưng đường bùn ngập đến đầu gối, nhiều đoạn từng tảng đá lớn chắn ngang. Phải đến trưa hôm sau, những người khỏe mạnh dùng võng cáng ra quốc lộ 40B thì Thải mới được chuyển lên xe cứu thương.
Sau khi sơ cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My, Thải được chuyển đến Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Nam ở thành phố Tam Kỳ trong tình trạng kiệt sức. Vết thương bị nhiễm trùng, Thải nằm viện hai tháng thì được cho về. Em ở với chị gái trong khu nhà của trường mầm non ở nóc Ông Lục, cách nhà cũ chừng 200 m. Lúc này, Thải mới biết cháu ruột còn mất tích.
Những ngày sau sạt lở núi, xóa xổ 15 hộ gia đình ở nóc Ông Đề, cướp đi 22 sinh mạng, người dân xã Trà Leng không dám cho con đến trường vì "không biết nơi đâu an toàn". Các thầy cô phải đến từng nhà động viên. Cô giáo chủ nhiệm Hà Thị Phương Ly, 32 tuổi, lội bùn đất xuống khu nhà tạm Thải ở, cõng em đến lớp.
Quãng đường từ trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng ngược xuống nóc Ông Lục dài 2 km, ngập bùn, đi bộ mất 30 phút. Ám ảnh nhất là phải đi qua nóc Ông Đề, nơi 13 người còn mất tích. Khi đi một mình, cô Ly ngước lên những vệt núi bị cào xé để canh chừng rồi dừng nghỉ vì mệt. Còn khi cõng Thải nặng 20 kg, cô chỉ biết cúi người đạp bùn thật nhanh, về được trường mới dám thở phào.
Cô Ly hàng ngày thay băng, kiểm tra vết thương, tắm rửa cho Thải vì người chị gái không quen làm. Thải đi học lại được khoảng 3 ngày thì đến lịch tái khám. Các bác sĩ phát hiện vết thương của em bị nhiễm trùng trở lại, phải tiếp tục điều trị 2 tuần. "Tâm lý của Thải chưa ổn định. Em ít nói hẳn. Hỏi gì cũng chỉ gật với lắc, thỉnh thoảng mới dám kêu đau", cô Ly kể.
Sạt lở núi ở Trà Leng đã khiến 17 học sinh mất nhà, sáu em bị thương nặng. Nữ sinh Hồ Thị Côi, lớp 6, không ở nóc Ông Đề. Hôm đó, Côi đến nhà bạn tên Chi tránh bão. Cô bé cùng bạn đang chơi ở khoảnh sân nhỏ khi trời ngớt mưa thì đất đá đổ ập xuống. Côi bị gãy chân. May mắn, em được anh rể của Thải cứu sống.
Côi sau đó phải nằm trên thùng xe tải đi cấp cứu, vết thương chảy nhiều máu. Những người cứu hộ dặn em uống nhiều nước ấm để giữ sức. Cô bé được đưa đến bệnh viện bó bột chân trái. Đầu cũng phải cắt trọc để chữa các vết thương phần mềm. Sau ba tháng, Côi vẫn đi cà nhắc và đội mũ vì tóc mọc chưa đều.
Buổi chiều định mệnh ở nóc Ông Đề, nam sinh Hồ Văn Đệ, lớp 9, bị chấn thương phần mềm, nhưng vết thương lớn nhất với em là mất mẹ cha. Hôm ấy, em bị cây đập vào người, nằm lịm đi. Đêm xuống, nghe có tiếng người đi cứu, em mới ngóc người dậy và được kéo ra khỏi đống đổ nát, cùng thi thể của cha mẹ.
Tai họa ám ảnh Đệ. Cậu bé dáng người nhỏ, nước da ngăm đen ít nói hẳn. Đệ chỉ kể với bạn thân Hồ Thanh Bình về chuyện nhà mình trước đây có trang trại nuôi gà, tâm sự nhiều đêm ngủ không được vì chưa quen ở bán trú (học sinh THCS phải cách trường trên 7 km mới đủ điều kiện bán trú).
Nhớ nhà, Đệ vẽ một bức tranh về làng cũ, chú thích từng nóc nhà và khu vực sạt lở. Những căn nhà mái ngói, mái tôn đan vào nhau, nằm hai bên đường bêtông ôtô có thể chạy qua, đủ loại cây ăn trái bao quanh. Giờ tất cả chỉ còn là vệt đất đá chảy dài xuống tận suối, hoang tàn và lạnh lẽo. Sắt lẫn trong đất ẩm lâu ngày, chảy ra dòng nước màu đỏ quạnh.
Gia đình Đệ hiếu học nhất vùng. Bố mẹ làm nương rẫy, bữa ăn rau cháo qua ngày nhưng dành tất cả tiền kiếm được nuôi các con ăn học với hy vọng thoát nghèo. Người anh trai đầu đang là sinh viên đại học ở Huế, anh trai thứ học cao đẳng nghề ở huyện Núi Thành, còn chị gái đang học lớp 11. Giờ bốn anh em mồ côi phải tự xoay sở nuôi nhau.
Thầy Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng, nói mưa lũ đã khiến cô Hồ Thị Thắm, nhân viên cấp dưỡng của trường, bị mất tích; hai học sinh mồ côi cha mẹ; một học sinh mồ côi cha. Các em dù ở gần đều được nhà trường cho bán trú, vì không còn nhà để về.
"Tôi vẫn giữ một khoản tiền các nhà từ thiện cho các em để nếu cần thiết sẽ mở tài khoản tiết kiệm. Tiền mặt cũng rất quan trọng để khi các em học hết cấp 2, chuyển trường thì có một số vốn để tiếp tục theo đuổi việc học. Tương lai các em nhà trường cũng sẽ định hướng", thầy Sơn chia sẻ.
Nhà trường đang có hơn 150 em bán trú. Thầy Sơn nói, nếu không có sự chung tay của các nhà hảo tâm thì mỗi bữa "các em ăn no đã khó, chưa dám nói đến ngon". Các thầy cô ngày ngày vẫn động viên học sinh cố gắng học, nhưng cuộc sống trước mặt vẫn nhiều toan lo.
Với mong muốn mang đến một năm mới ấm áp cho trẻ em vùng sạt lở tại Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) và Đăk Glei (Kon Tum), Quỹ Hy vọng tổ chức tặng quà và ăn Tết cùng học sinh ở các trường THCS Dân tộc nội trú Trà Leng, Phước Kim và Phước Thành... Độc giả có thể chung tay đưa Tết đến với những hoàn cảnh khó khăn cùng Quỹ bằng cách ủng hộ tại đây.
Được vận hành bởi báo VnExpress, Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Mời bạn xem thêm thông tin về Quỹ Hy vọng tại đây.
Nguyễn Đông - Đắc Thành