Trưa ngày mùa đông, bà Hồ Thị Hiền, 56 tuổi, quấn chiếc khăn trên lưng rồi cho đứa cháu Đinh Thượng Thiên, 2 tuổi, lên cõng. Sau 10 phút lắc lư, đi lại nhiều vòng giữa khu nhà tạm đất đỏ ngập đến quá mắt cá chân, mưa lất phất, cậu bé mới liu riu chợp mắt.
Anh trai Thiên, bé Đinh Hoàng Thái, 7 tuổi, ngồi trong căn nhà vách tôn, sàn là mấy tấm gỗ lượm lặt từ đống đổ nát của căn nhà cũ, ghép vào nhau. Thái bị gãy chân khi đồi phía sau nhà ập xuống sau tiếng nổ như bom. Cậu lết cái chân đau, đòi bằng được một chiếc bánh bao khi có người bán rong đi qua.
Chị gái Đinh Thị Kim Hằng tóc dài quá vai, mặc chiếc áo thun cộc tay màu vàng, chiếc quần thun cộc đến gần đầu gối. Cô bé ít nói, đôi mắt ướt. Đứng tựa cửa, thấy em ngủ say trên lưng bà, Hằng nhẹ nhàng kéo chiếc khăn thổ cẩm lên che để Thiên bớt lạnh.
Căn nhà cũ của ba chị em Hằng ở nóc ông Sinh, xã Trà Vân. Trận lở núi chiều 28/10/2020 đã xóa xổ bảy ngôi nhà. Tám người tử nạn đều là anh em. Bố mẹ Hằng là anh Đinh Văn Thiều (27 tuổi), chị Vũ Thị Kim Hồng cùng hai người em ruột Đinh Mai Hương (4 tuổi) và Đinh Thị Thiên Ân (1 tuổi) tử vong.
Những người ở nóc bên cạnh, cách đó chừng 200 m, nghe tiếng nổ lớn và những tiếng la thất thanh đã chạy sang cứu nhiều người, trong đó có ba chị em Hằng. Vài phút sau, ngôi làng của họ cũng "gánh" sạt lở, xé toang nhiều nóc nhà. Không ai trong số họ tử nạn nhờ việc đang đi cứu người.
Hằng bị thương ở tay, Thái bị gỗ đè lên, Thiên bị đa chấn thương do đất đá và vách nhà gỗ đập vào. Một tháng điều trị ở bệnh viện, ba em đã ổn định sức khỏe và về làng, sống cảnh mồ côi. Quân khu 5 biết hoàn cảnh, lên nhận nuôi các em, nhưng bà Hiền không đành xa đàn cháu nhỏ.
Để có chỗ cho dân tá túc, chính quyền dựng những căn nhà tạm 20 m2 cách ngôi làng cũ 50 m. Ngôi nhà mái lợp bằng bạt, vách tôn, xung quanh có nhiều lỗ hổng. Mưa thì tạt nước, trời lạnh thì gió luồn qua vách hở, rét buốt. Mỗi ngày trôi qua, bà Hiền quanh quẩn trong ngôi nhà trông giữ bé Thiên; còn Hằng và Thái đến trường học.
Những người Ca Dong ở Trà Vân trắng tay sau thiên tai. Mái nhà trước đây của chị em Hằng chẳng còn gì ngoài những mái tôn móp méo lẫn trong đất. Cuộc sống của ba đứa trẻ mồ côi dựa vào quà cứu trợ của các đoàn từ thiện. Người cho gạo, chăn màn, người giúp mắm muối và ít tiền.
Bố mẹ Hằng khi còn sống, có ngày được người ta thuê đi bóc vỏ quế trong vùng, tiền công 100.000 đồng một người, thi thoảng đi bốc vác thuê. Vợ chồng anh Thiều cũng có một khoảnh ruộng trồng lúa. Cuộc sống rau cháo quá ngày, đêm về cả nhà cùng nhau quây quần bên bếp lửa. Giờ mọi thứ chỉ còn trong ký ức.
Bà Hiền bảo, Hằng và Thái không còn hỏi chuyện mẹ cha, nhưng Thiên thì vẫn khóc. Nhiều đêm Thiên đang ngủ thì trở người sang ôm mẹ nhưng không thấy. Cậu bé giật mình tỉnh giấc khóc suốt đêm. Những lúc ấy, bà chỉ biết đi loanh quanh trong khoảng sân chật hẹp, trời tối mịt mùng, nói dối "mẹ đi rẫy chưa về".
Khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt sưng húp sau nhiều đêm mất ngủ, bà Hiền biết không thể giấu mãi, khi ngọn núi đè xuống những nóc nhà hôm ấy, đã trở thành nỗi ám ảnh với dân làng. Bà dự định chờ Thiên lớn sẽ dẫn lên vệt đất đối phía sau nhà cũ chừng 20 m, thắp nén hương cho cha mẹ và kể về thảm họa.
Ông Hồ Văn Huyện - Chủ tịch xã Trà Vân cho biết, thời gian qua các nhà hảo tâm hỗ trợ ba chị em Hằng vượt qua khó khăn. Chính quyền cũng bố trí một ngôi nhà tái định cư cho bà Hiền và một ngôi nhà cho ba chị em. Công trình đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
"Việc xây dựng nhà cho ba chị em để khi lớn có chỗ ở", ông nói, nhưng cũng thừa nhận sự thật "đó chỉ là hỗ trợ trong thời gian nhất định, còn tương lai của lũ trẻ sẽ còn nhiều khó khăn". Không riêng gì ba chị em Hằng, sạt lở núi ở Trà Vân còn khiến 12 em nhỏ khác thành trẻ mồ côi cha hoặc mẹ.
Bây giờ, người lớn ở nóc ông Sinh không muốn nhắc lại thảm cảnh, sợ những đứa trẻ thêm ám ảnh. Hằng vẫn đứng tựa mình vào cửa, với bộ quần áo cộc. Tương lai của ba đứa trẻ chênh vênh như những căn nhà tạm xiêu vẹo, gập ghềnh như con đường ổ trâu đi qua làng, vô định như đám mây đi qua núi của dãy núi Trường Sơn.
Với mong muốn mang đến một năm mới ấm áp cho trẻ em vùng sạt lở tại Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) và Đăk Glei (Kon Tum), Quỹ Hy vọng tổ chức tặng quà và ăn Tết cùng học sinh ở các trường THCS Dân tộc nội trú Trà Leng, Phước Kim và Phước Thành... Độc giả có thể chung tay đưa Tết đến với những hoàn cảnh khó khăn cùng Quỹ bằng cách ủng hộ tại đây.
Được vận hành bởi báo VnExpress, Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Mời bạn xem thêm thông tin về Quỹ tại đây.
Nguyễn Đông - Đắc Thành