Trước đó vài ngày, Phèn (19 tuổi) thấy trên mạng xã hội có đăng tuyển công nhân lựa tôm ở Kiên Giang nên rủ Dú cùng đi. Không hiểu lựa tôm là gì, cũng chẳng biết Kiên Giang xa đến đâu, cả hai vẫn quyết định lên đường. Cả hai đã không kiếm được đồng nào suốt những tuần giãn cách vì Covid-19. Mong muốn lớn nhất của họ là làm sao tìm được một công việc.
Nhưng đến nơi, thay vì được đưa đến đầm tôm, họ bị đưa tới một bến cảng. Phèn và Dú bị trói, dùng súng đe dọa phải ký vào hợp đồng vay tiền để trả chi phí môi giới việc làm. Hai chàng trai trẻ bị bắt phải lên thuyền ra khơi. Chủ thuyền nói, cứ mỗi ba tháng họ sẽ đi đánh bắt một lần, mỗi lần được ba triệu đồng.
Đến từ nơi trập trùng núi, hai chàng trai chưa bao giờ nhìn thấy biển, thậm chí cũng chẳng biết bơi nhưng vẫn bị giam lỏng tại một tàu cá để học một số kỹ năng cơ bản, chuẩn bị ra khơi. Đến ngày thứ năm, một trong sáu ngư dân trên thuyền tiết lộ, hai cậu không phải làm tàu cá này mà lúc ra khơi sẽ bị bán cho tàu khác và bị bóc lột trên biển. Chính người này đã cho Phèn mượn điện thoại gọi về nhà báo gia đình, sau đó được kết nối với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon) hướng dẫn cách bỏ trốn.
"Chúng em sợ nếu ra khơi sẽ không bao giờ nhìn thấy đất liền nữa", một trong hai nói khi được giải cứu hồi cuối tháng 6/2020.
Môi giới công việc, ép ký vào một khoản vay khống và bắt làm việc trả nợ là cái bẫy dành cho những thanh thiếu niên đang có khát khao tìm việc để giải tỏa áp lực kinh tế mà Covid-19 "đổ" lên vai họ.
Thu, 21 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng ở Sài Gòn, bị mất công việc bán thời gian khi hàng quán đóng cửa do chỉ thị giãn cách xã hội. Cô gái quê Bình Định không tìm được việc khác nên đành xin làm phục vụ trong một quán cà phê ở ngoại ô. Nhưng đến nơi cô mới biết quán này là một động mại dâm trá hình. Họ dùng chiêu trả tiền xe đi lại và ăn uống khiến Thu tự dưng có một khoản nợ 5 triệu đồng và bị bắt phải làm việc để trả dần. Cô gái không chịu chiều khách thì bị giam và bỏ đói.
Cùng thời điểm Thu gặp nạn cũng xuất hiện lời kêu cứu của gia đình năm cô gái, đều 16 tuổi, đến từ Sapa. Nghỉ hè nên các em tìm việc giúp gia đình. Qua mạng xã hội, năm em được giới thiệu việc làm trong một nhà hàng Hà Nội. Sau một ngày xuống thành phố, tất cả đều mất liên lạc. Các gia đình đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, cuối cùng tìm thấy con đang bị nhốt ở một quán karaoke trá hình tại Bắc Giang.
Cảnh báo của cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) hồi tháng 9 cho biết, những thay đổi về môi trường, xã hội và kinh tế do Covid-19 đã góp phần làm gia tăng nạn bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trên toàn thế giới. Nguyên nhân chính do việc đóng cửa các trường học và chuyển tiếp sang môi trường học tập ảo, làm tăng thời gian trẻ em trực tuyến cho các mục đích giải trí, học tập...
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc còn cho biết thêm, trong những tháng vừa qua tại Việt Nam, các đường dây nóng tiếp nhận thông tin và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em đã nhận được số cuộc gọi kêu cứu bị xâm hại thể chất, tình dục, bóc lột lao động... nhiều gấp đôi. Bà Skye Maconachie, đồng Giám đốc điều hành của Blue Dragon cho biết, trong năm 2020, số lượng trẻ em, đặc biệt thanh thiếu niên gái bị buôn bán trong nội địa Việt Nam tăng lên đáng kể.
Trong 17 năm hoạt động trước đây, phần lớn nạn nhân được Blue Dragon giải cứu sau khi bị lừa bán vào các cuộc hôn nhân cưỡng ép hoặc nhà chứa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm 2020, số lượng giải cứu không những tăng mà còn có gần 20 trường hợp bị bóc lột tình dục ở các vùng khác nhau của Việt Nam - điều trước đây chưa hề thấy.
Tác động của Covid-19 cũng làm gia tăng số lượng trẻ em đường phố. Năm 2020, Blue Dragon giải cứu 153 trẻ ở Hà Nội, cao gần gấp đôi so với 2019 (85 trẻ). Dịch bệnh không phân biệt giai cấp, đẳng cấp hay địa vị, nhưng nó đánh mạnh nhất vào những người nghèo.
Anh Đỗ Duy Vị, quản lý mảng trẻ em đường phố của tổ chức cho biết, trong tháng 4-5/2020, họ phải cùng lúc hỗ trợ nhiều gia đình nghèo bị ốm đi viện, lo tiền nhà, tiền học để những đứa trẻ không phải "ra đường". "Những gia đình này đa phần sống ở các khu ổ chuột ven sông, không có giấy tờ, nên không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước", anh Vị cho hay.
Đại dịch cũng khiến gần 80% nạn nhân từng bị buôn bán và trẻ em đường phố mà tổ chức đang hỗ trợ, bị mất việc làm do các nhà hàng, khách sạn giảm tải. Điểm chung của nhóm này là trình độ thấp, mới bước vào nghề.
Huy Quang là con của một gia đình bán hàng rong ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Trước đây cậu thường nhặt ve chai, giấy báo, bán kẹo quanh hồ. Được Blue Dragon giúp đỡ ba năm trước, cậu tìm được hứng thú với nghề pha chế đồ uống. Đột nhiên mất việc do Covid-19 khiến Quang bị chững lại. Các tật xấu từ trước lại nổi lên. Cậu thích chơi game online, sao nhãng tìm việc làm.
Đó là lúc các chuyên gia tâm lý lại phải vào cuộc, tìm nhiều công việc trong tổ chức cho cậu làm. Đến tháng 10, Quang được nhận vào chạy bàn tại một nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt. Sau hai tháng cậu đang được giao quản lý quầy bar, phục vụ pha chế. Kiếm được tiền chi trả cho bản thân và phụ giúp gia đình, chàng trai thấy vui vẻ, rời xa các thói xấu.
"Đến thời điểm hiện tại vẫn còn không ít em của chúng tôi chưa kiếm lại được việc, do xuất phát điểm thường ở trình độ cuối cùng trong bậc thang công việc", bà Hương Lan, điều phối chương trình hướng nghiệp của Blue Dragon, nói.
Phan Dương
* Tên một số nạn nhân đã thay đổi
Trong năm 2020, Tổ chức Rồng Xanh phải đối mặt với những thách thức lớn khi trường hợp trẻ em cơ nhỡ cần giúp đỡ tăng gấp đôi, nguồn viện trợ bị giảm nhiều do tác động của Covid-19.
Nhằm mang đến một năm mới ấm áp hơn cho trẻ em lang thang và chia sẻ khó khăn của Tổ chức Rồng Xanh, Quỹ Hy vọng tổ chức chương trình tặng 400 suất quà Tết. Để chung tay gửi Tết đến với những thành viên nhí của Rồng Xanh, độc giả có thể đóng góp tại đây.
Được vận hành bởi báo VnExpress và Công ty Cổ phần FPT, Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Mời bạn xem thêm thông tin về Quỹ tại đây.