Là quản lý mảng trẻ em đường phố, Vị đề nghị hai người đàn ông cho anh 10 phút trò chuyện với "thằng bé" trước khi hai bên gặp nhau.
Trong góc phòng, cậu bé 14 tuổi hoảng hốt và bắt đầu khóc. Vị nhẹ nhàng thuyết phục cậu bé thú nhận việc đã lấy cắp chiếc xe thăng bằng và bán lấy 50.000 đồng để chơi điện tử. Nghe lời Vị, đứa trẻ gặp hai người đàn ông để xin lỗi. Đồng thời anh cũng đi cùng nhân viên chuộc chiếc xe về, trả lại cho họ. Suốt quá trình, anh luôn bên cạnh để cậu bé cảm thấy được an toàn và nhận trách nhiệm về việc đã làm.
Đây không phải là lần đầu tiên nó làm như thế. Sinh ra trong hoàn cảnh bố đang trong tù, mẹ bỏ đi, thằng bé nay đây mai đó từ 10 tuổi. Ban đầu chỉ là trộm hoa quả cho đỡ đói, dần dần nó trộm mọi thứ để có tiền chơi game. Dù vậy, mọi người ở Rồng Xanh (Blue Dragon) không trách, không phán xét mà cho thằng bé thấy làm vậy sẽ nguy hại cho tương lai. Họ ở bên cạnh, cho thằng bé chỗ ăn ngủ an toàn, các cơ hội học hành, nghề nghiệp.
Đã hai năm giúp đỡ nó, nhưng để thay đổi một đứa trẻ với rất nhiều vấn đề không dễ. "Chúng tôi chờ một bước ngoặt để thằng bé thay đổi", Đỗ Duy Vị, 33 tuổi nói.
Hơn ai hết, Vị hiểu "bước ngoặt" này là thế nào, bởi anh cũng xuất thân từ một đứa trẻ lang thang. Năm 15 tuổi, Vị bỏ học, rời quê Nam Định lên Hà Nội đánh giày. Ban đầu, cậu sung sướng với cuộc đời tự do, được ăn ngon, hàng tháng còn có tiền gửi về nhà. "Lúc đó, tôi cảm thấy tự hào", Vị kể.
Nhưng chẳng bao lâu cậu thiếu niên nhận ra cuộc sống kiểu này không ổn. Mỗi ngày cậu phải đi lại trên đường 12 tiếng, đêm ngủ trong nhà trọ tồi tàn cùng những người tứ xứ. Cậu bé gầy gò thường xuyên bị bọn nghiện trấn lột và những trận đòn cảnh cáo từ "đồng nghiệp". Cậu cũng bị lôi kéo tham gia các vụ trộm giày của khách hay lên cầu Long Biên cướp của các cặp đôi ngồi tâm sự, thậm chí rủ đi đưa ma túy. Vị tránh được những cám dỗ này, song không tránh được "dán nhãn" của người đời.
"Có lần tôi vừa đánh giày xong cho khách thì bị một trẻ đường phố khác đánh tới tấp. Người đi qua thấy tôi nằm trên đường còn chửi vì tưởng tôi trộm cắp", anh kể.
Một lần, Vị đi ngang trường học trong lúc đang mệt lử và đói thì thấy cảnh đứa trẻ lao ra khỏi cổng trường, nhào vào vòng tay mẹ, líu lô. Cậu bé đánh giày trào nước mắt: "Tại sao người ta được nâng niu, mà mình lại phải đi kiếm sống".
Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời Vị đến vào một lần cất tiếng mời người đàn ông nước ngoài đánh giày trên đường đê phường Chương Dương.
Đó là Michael Brosowski, một giáo viên người Sydney, đang dạy tại Đại học Kinh tế quốc dân. "Ngay lần đầu gặp, tôi nhận ra Vị là một thiếu niên thông minh và trung thực. Cậu bé không xin tiền mà muốn tự kiếm", Michael nhớ lại.
Ngày ấy Michael mở một một lớp dạy tiếng Anh và bóng đá cho những đứa trẻ bụi đời nên đã mời Vị tham gia. Ban đầu, sợ bị lừa nhưng do đã chán cuộc sống lang thang, Vị rủ một người bạn đến. "Thời gian đầu, thực sự không nạp được chữ gì. Tôi đến vì được ăn phở no nê", anh cười nhớ lại.
Đỗ Duy Vị và Michael cũng không thể ngờ rằng đây là khởi đầu của một hành trình. Trong quá trình tìm kiếm một tổ chức hỗ trợ cho những trẻ như Vị mà không thấy, Michael đã thuê một ngôi nhà, gom bảy đứa trẻ đánh giày về, dạy chúng học hành và lập ra Blue Dragon.
Vị không đến trường như các bạn mà đầu tư vào học tiếng Anh, tin học, lập trình web, sau đó học nghề khách sạn. Cậu được Michael xin việc giúp, dần lên chức bar trưởng rồi trở thành giám sát tại một khách sạn 5 sao ở hồ Tây. Ở tuổi 25, chàng trai có lương cao, môi trường làm việc với người nước ngoài cùng cơ hội thăng tiến.
Cũng dạo ấy, Michael bận với việc điều hành tổ chức không thể ra phố tìm kiếm trẻ như trước. Vị ứng cử làm thay. "Tôi yêu thích công việc trong quầy bar và nghĩ đó là công việc của tôi mãi mãi. Vì tổ chức cần nên tôi tình nguyện trong 6 tháng", anh bộc bạch.
Thế nhưng khi về, Vị đã không đi nổi. Anh nhận ra những đứa trẻ đường phố thời nay khổ hơn mình trước đây rất nhiều: "Tôi ra thành phố vì nghèo đói nhưng những đứa trẻ giờ bị đẩy ra đường, bên cạnh nghèo đói chúng còn không hạnh phúc, bị bạo hành, xâm hại, bị hắt hủi. Chúng khổ vì nội tâm".
Đỗ Duy Vị quyết định nghỉ việc ở khách sạn.
Trong số hàng trăm đứa trẻ đã được Blue Dragon giúp đỡ 17 năm qua, Vị ám ảnh nhất trường hợp của Kha - cậu bé bỏ nhà đi khi 12 tuổi vì mẹ bỏ đi, bố nghiện rượu. Kha thường ở quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực bến xe Mỹ Đình và bị xâm hại bởi rất nhiều kẻ ấu dâm đồng tính.
"Cứ mỗi lần thằng bé đi với những đối tượng đó về, nó không còn hồn người. Nó gọi cho tôi chỉ khóc. Tôi thuyết phục nhiều lần, nói như van xin: 'Em cần tiền anh sẽ cho, chỉ xin em đừng đi với chúng nữa'", Vị ôm đầu, vuốt ngực cố bình tĩnh, song câu chuyện xảy ra từ 5 năm trước vẫn như một quả bom chực phát nổ.
Nhưng thằng bé không cần. Nó là đứa trẻ đường phố lạ lùng chưa bao giờ xin tiền. Bản thân Vị và cả tổ chức đã làm mọi cách có thể để giúp mà không thay đổi được nó. Nhiều người cũng không thể hiểu tại sao Vị vẫn tiếp tục ở bên thằng bé "không có hy vọng thay đổi". Anh chỉ biết "nó cần một người bạn".
Sự kiên trì của Vị đã được đền đáp. Năm 2018, những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em nam bị bắt. Cũng từ đó, Kha thay đổi. Nó đến nhà nội trú và không bao giờ đi bụi nữa. "Sau này chúng tôi mới biết thằng bé đi theo những kẻ lạm dụng nó như một cách trừng phạt bản thân. Nó nghĩ mình không đáng được đối xử tốt", anh chia sẻ.
Trong mắt Michael Brosowski, Đỗ Duy Vị là người luôn muốn những điều tốt nhất cho bọn trẻ, bất kể điều đó có khó khăn hay mất bao lâu. Từ một đứa trẻ đường phố, Đỗ Duy Vị trở thành một lãnh đạo được kính trọng và là tấm gương của các nhân viên và những đứa trẻ lang thang khác.
"Điều tôi khâm phục nhất ở Vị là không bao giờ trốn tránh những ca khó nhất. Anh ấy gặp những đứa trẻ trên đường đang có vấn đề phức tạp và sẽ không từ bỏ chúng. Anh ấy tiếp cận được những đứa trẻ mà không ai khác có thể tiếp cận", Michael giải thích.
Bùi Đoàn Công, nhân viên xã hội kể, thời gian trước có một đứa trẻ mà không một nhân viên nào có thể tiếp cận. Nó mới 15 tuổi mà xấc xược, bất cần, sống theo kiểu "không cần biết đến ngày mai". "Chỉ đến khi anh Vị vào cuộc, cách nói chuyện hiểu đời và từng trải của một người từng là trẻ đường phố của anh ấy khiến những đứa trẻ cứng đầu nhất cũng phải mở lòng, không giấu giếm điều gì", Công cho hay.
Cậu bé Kha, khi mới về Blue Dragon, em gặp vấn đề tâm lý nặng nề, nhiều lần tự hại bản thân. Trong vòng tay của mọi người ở đây, em dần dần thay đổi tích cực. Từ ba năm trước, Kha học nghề cắt tóc, đồng thời tham gia vào đội tìm kiếm, giúp đỡ trẻ đường phố khác. "Làm công việc đó cho em thấy mình là người có giá trị", cậu bé giờ đã 20 tuổi nói.
Phan Dương
Trong năm 2020, Tổ chức Rồng Xanh phải đối mặt với những thách thức lớn khi trường hợp trẻ em cơ nhỡ cần giúp đỡ tăng gấp đôi, nguồn viện trợ bị giảm nhiều do tác động của Covid-19.
Nhằm mang đến một năm mới ấm áp hơn cho trẻ em lang thang và chia sẻ khó khăn của Tổ chức Rồng Xanh, Quỹ Hy vọng tổ chức chương trình tặng 400 suất quà Tết. Để chung tay gửi Tết đến với những thành viên nhí của Rồng Xanh, độc giả có thể đóng góp tại đây.
Được vận hành bởi báo VnExpress và Công ty Cổ phần FPT, Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: Hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Mời bạn xem thêm thông tin về Quỹ tại đây.