Những đứa trẻ ấy phải vất vả mưu sinh, không có quần áo mới để mặc Tết, không có lì xì, cũng chẳng có những nụ cười hồn nhiên đón giao thừa bên gia đình. Chỉ cần đi vài bước chân, tôi đã gặp một con người như thế. Ẩn mình trong không khí nhộn nhịp của ngày giáp Tết và màu sắc rực rỡ của những cây đào, chậu quất, em ngồi thu lu trong góc phố, nhẫn nại cọ chiếc chổi lên đôi giày của khách...
"Biết là trời rét thì ít khách, nhưng vẫn phải lê thân ra đường, không thì lấy gì ăn hả chú", Thanh vừa làm vừa than thở với tôi. Em quê Nam Định, ra Hà Nội từ năm 10 tuổi. Bám thủ đô được 5 năm, Thanh đã trở thành "thổ địa" nơi đây. Lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, em kiếm được trên dưới 40.000 đồng một ngày. Thanh không còn nhớ kỷ niệm đón Tết cùng gia đình, vì khi đó em còn quá bé. Em chỉ nhớ có lần được mẹ mua cho một cái bánh chưng."Cháu ăn ngấu nghiến vì đói quá, ăn xong chẳng nhớ mùi vị nó ra sao nữa", em nói như khóc.
Bên kia đường, một cô bé ôm chồng báo bước lại gần tôi, cất giọng non nớt khẩn khoản mời mọc như van xin. Trời rét cắt thịt mà em mặc áo mỏng tang, vá lỗ chỗ. Đôi môi bé nhỏ của em thâm xì, tay chân run run vì lạnh. Lý quê Thanh Hóa, 9 tuổi đã trở thành trẻ lang thang. Ánh mắt em buồn rười rượi khi nói về quê hương, gia đình: "Nhà cháu nghèo nhưng vui lắm. Hồi đó mẹ nuôi gà nên Tết có gà ăn. Mẹ mất, cháu phải lên đây để kiếm tiền nuôi em".
Tôi dạo quanh các con phố. Gần Tết đường Hà Nội ồn ã, hỗn loạn tiếng ôtô, xe máy. Phố xá đầy những hàng đồ chơi trẻ em. Bán hàng lại là những em bé nhỏ, mặt sạm đen vì bụi đường và khói xe. "Bán hàng mà ủ rũ thế kia thì ai mua" (ai đó cất tiếng trêu em). Em òa khóc: "Cháu xin lỗi cô, cháu xin lỗi chú". Tôi hỏi Tết ở quê ra sao, em lặng yên không nói, một lúc sau lí nhí: "Cháu cố kiếm thêm để về quê mua bánh chưng với giò cho mẹ ăn".
Cậu bé gầy gò cố dắt chiếc xe đạp treo đầy những quả bóng bay, không ngừng mời chào khách qua lại. Dường như mắt em cố liếc vội những cành đào. Đó là Hải, quê Hưng Yên. "Mỗi khi thấy trẻ con đi qua, cháu đều cúi gằm mặt xuống để khỏi trông thấy cảnh bọn chúng đi chơi Tết vui vẻ với bố mẹ. Cháu nhớ bố mẹ lắm. Năm ngoái cháu còn đi xem pháo hoa với bố mẹ". Tôi không dám hỏi thêm, vì sợ khơi lại chuyện buồn của em. Lau vội nước mắt, giọng Hải khinh khỉnh: "Bọn con nhà giàu sướng không biết đường sướng, cứ mè nheo vòi vĩnh vì được chiều quen rồi nên không biết quý đồ ăn. Hôm qua cháu thấy có đứa vứt cả cái bánh chưng to ra đường. May mà cháu kịp nhặt". Nhìn chiếc xe bóng bay, tôi nghĩ không biết em bán bao nhiêu quả bóng mới đủ tiền mua một chiếc bánh chưng?
"Cháu vừa thích vừa ghét Tết. Thích vì Tết bán được nhiều hơn nhưng ghét vì không được ở bên bố mẹ", cậu bé tên Lam gằn giọng, cố nén những giọt nước mắt. Em hoàn toàn không có một chút ký ức Tết nào bên gia đình. Ai sinh ra em, em cũng không biết.
Tôi đi như chạy, không muốn nghe thêm những lời tâm sự của các em nữa. Tôi mua vội mấy chiếc bánh chưng, gặp em nào bán báo, đánh giày đều đưa một chiếc. Có em vội bóc ra ăn ngay, có em gọi bạn đến cùng chia nhau ăn. Ôi cuộc đời, có người thừa mứa ăn không hết vứt đi chẳng tiếc, trong khi chỉ có cái bánh chưng lũ trẻ cũng chia nhau. Tết đối với các em là đây chứ đâu. Gia đình của các em là đây chứ đâu. Nghèo khổ, cơ cực nhưng sẻ chia ấm áp. Rồi đến khi trưởng thành, các em sẽ kể với con cái rằng, bố mẹ đã có những kỷ niệm Tết tràn ngập yêu thương trong gia đình đường phố của mình.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Đinh Trung