Ngày 4/10, một cô gái 18 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong cơn đau bụng chuyển dạ. Tình huống cấp bách, nhân viên y tế chỉ kịp hỏi sơ họ tên, địa chỉ, số điện thoại rồi đẩy ngay sản phụ vào phòng sinh. Bé gái chào đời non tháng nhỏ xíu, nặng 1,8 kg, bị vàng da, suy hô hấp, nhiễm trùng... phải tách mẹ, chuyển tới khoa Bệnh lý sơ sinh điều trị. Còn người mẹ âm thầm rời đi, không để lại thêm thông tin hay bất kỳ vật dụng gì.
Do dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, khoa hạn chế người nhà thăm nuôi trực tiếp, chỉ thông qua điện thoại để trao đổi tình hình sức khỏe bệnh nhi. Tuy nhiên, nhiều lần điều dưỡng liên lạc với số điện thoại người mẹ ghi trong hồ sơ, chỉ có tiếng "tút... tút". Đến nay, bé đã khỏi bệnh hoàn toàn, khỏe mạnh, đủ điều kiện xuất viện nhưng vẫn chưa thấy mẹ tới đón về. Các y bác sĩ đặt tạm tên em là Jiê, giống tên mẹ khai trong hồ sơ.
Có thời gian chờ mẹ đón lâu nhất ở khoa phải kể đến Sữa, bé gái 7 tháng tuổi và Bắp, bé trai 6 tháng tuổi. Hai chị em sinh đủ tháng, đủ kg nhưng bị nhiễm trùng sơ sinh, cũng phải tách mẹ để vào phòng vô trùng.
Tương tự mẹ Jiê, mẹ Sữa cũng bặt tin, địa chỉ để lại tra tìm cũng không chính xác. Bệnh viện không có cơ hội thuyết phục họ nhận con hay tìm hiểu lý do để giúp đỡ. Mẹ Bắp thời gian đầu còn nghe máy, nói điều kiện kinh tế khó khăn quá, lại đang cách ly nên hứa "vài bữa sẽ đến đón". Hứa 5, 6 lần vẫn biệt tăm. Thông qua mạng xã hội, chị Trần Thị Thanh Thúy, điều dưỡng trưởng khoa, thường xuyên gọi video call, gửi hình ảnh, clip Bắp khỏe mạnh, chơi đùa vui vẻ với hy vọng người mẹ thay đổi suy nghĩ. Vài tháng nay, mẹ Bắp chặn luôn số chị Thúy.
"Con có mẹ là hạnh phúc nhất đời. Chỉ mong gia đình đến đón bé về, để bé được nuôi dưỡng tốt nhất", điều dưỡng Thúy chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trần Thị Huyền Dung, trưởng khoa, cho biết thông thường những bệnh nhi bị thiếu tháng, nhẹ cân, vàng da, nhiễm trùng... điều trị trung bình 7 ngày là khỏi, có thể về nhà. Trong đợt dịch thứ 4, nhiều sản phụ khi đến bệnh viện, test nhanh phát hiện dương tính Covid-19 thì sinh xong phải đi điều trị, cách ly tập trung. Khoảng 50 trẻ âm tính Covid-19, có mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ dương tính, được gửi lại khoa để nhân viên y tế chăm sóc toàn diện, dù có mắc bệnh lý sơ sinh hay không. Đến khi cha mẹ hồi phục, xuất viện và hoàn thành đủ thời gian cách ly tại nhà mới đến đón con. Cá biệt, có bé mẹ bệnh nặng nên phải lưu lại bệnh viện 45 ngày.
Riêng những bé côi cút như Sữa, Bắp và Jiê, vì đợt dịch này kéo dài nên thủ tục làm giấy khai sinh, bàn giao bé về phường 7, quận Bình Thạnh (nơi bệnh viện đóng chân), sau đó chuyển tới cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi theo quy định của pháp luật, cũng bị gián đoạn. Trong thời gian chờ đợi, điều dưỡng, bác sĩ tại đây cưu mang, bế bồng, tắm rửa, cho ăn, thay tã... cho các bé như người thân.
Hồi tháng 9, Sữa và Bắp không may mắc Covid-19, phải tới bệnh viện dã chiến số 4 cách ly, điều trị gần ba tuần rồi được về lại với điều dưỡng Thúy, điều dưỡng Dung khi đã âm tính. Hiện, Sữa từ 2,8 kg đã đạt gần 8 kg, Bắp từ 3 kg đã gần 7 kg, không mặc vừa quần áo và bỉm sơ sinh sẵn có của bệnh viện, ăn dặm theo đúng sự phát triển của lứa tuổi. Chị Thúy và đồng nghiệp tự nguyện dùng tiền riêng mua bỉm sữa, áo quần, đồ ăn dặm cho con. Ngoài 8 cữ sữa mỗi ngày, hai bé ăn thêm bột ăn dặm hoặc cháo. Ăn xong, hai chị em tự chơi, ê a trò chuyện với nhau rồi ngủ, chỉ thỉnh thoảng khóc khi tè, ị ướt bỉm.
Còn Jiê nay đã tăng thêm được 200g, da dẻ hồng, hào, căng mịn hơn hẳn lúc mới sinh. Cô bé có đôi mắt to tròn, đen láy với lông mi cong và rõ hai mí. Đợi Jiê tròn một tháng tuổi, các cô điều dưỡng sẽ được đưa đi khám toàn diện, nhất là về mắt và tai để kịp thời điều trị nếu bị bong võng mạc hoặc có vấn đề về thính giác.
Mới đây, chị Thúy đã hoàn tất giấy tờ để phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện tới UBND phường 7 làm giấy khai sinh, đặt tên chính thức cho ba cháu bé. Để có thể giữ nhiều manh mối nhất, nhỡ sau này cha mẹ đến tìm nhận lại con dễ dàng hơn, các bác sĩ, điều dưỡng đã thống nhất lấy họ và tên thật của mẹ (đã khai trong hồ sơ nhập viện) làm họ và tên đệm của con. Với hy vọng bé lớn lên khỏe mạnh, bình an, có cuộc đời tươi sáng nên các chị đã chọn những cái tên đẹp nhất, hoặc tên người giỏi giang, nổi tiếng để đặt.
Đồng thời, mọi hồ sơ ban đầu như tên tuổi, địa chỉ, năm sinh... theo lời khai của mẹ (dù có thể không chính xác) và nơi trẻ được nhận nuôi, dấu hiệu nhận diện của trẻ ... đều được chị Thúy lưu trữ cẩn thận. 30 năm gắn bó với khoa Bệnh lý Sơ sinh, chị Thúy đã chứng kiến nhiều em bé vì nhiều hoàn cảnh mà thất lạc người thân. Có bé sinh non, bé khuyết tật, có bé mắc HIV, có bé chỉ bị vàng da sinh lý... Hiếm hoi có một vài trường hợp cha mẹ quay lại tìm con sau hơn 10 năm, được chị Thúy đưa địa chỉ cô nhi viện để tìm được bé.
Dự kiến, trong tháng 11, khi mọi thủ tục hoàn tất, Sữa, Bắp và Jiê sẽ được đưa đến trung tâm bảo trợ trẻ em phù hợp. Chăm bẵm trẻ lâu ngày, chị Thúy bảo, "hẳn nào các mẹ ở đây cũng khóc vì nhớ cho mà xem". Chia tay cả trăm lần, nhưng với họ, điều ấy chưa bao giờ dễ dàng. Những trẻ chuyển đi trước đây, các chị đều tìm cách nhờ cán bộ ở trung tâm chụp hình gửi về giúp, hoặc vài ba tuần lại rủ nhau đến thăm.
"Mấy lần thăm đầu, con quen hơi còn rúc, còn nhớ. Dần dần con cũng quên", điều dưỡng Thúy rơm rớm nước mắt kể.
Thư Anh