Tối 9/6, bác sĩ Mai Anh đang trong ca trực thì điện thoại reo. Bên kia báo có một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang nguy kịch. "Bé thở được không?", bác sĩ hỏi gấp.
Phía bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cấp báo em bé bị vứt ở hố ga chắc đã vài ngày, không phải thở oxy nhưng côn trùng bám đầy người.
"Đảm bảo thở và mạch. Chuyển gấp đến đây xử lý tiếp", bác sĩ Mai Anh nói dứt khoát.
Ba mươi phút sau, lật tấm khăn trên người em bé, Mai Anh vô thức giật lùi lại phía sau. Khi kể lại giây phút đó, chị vẫn nhớ cảm giác rùng mình. Em bé tổn thương khắp mình mẩy; rốn, mắt bị côn trùng xâm nhập.
Bác sĩ chia sẻ, 12 năm trong nghề, chưa bao giờ tiếp nhận một đứa trẻ sơ sinh bị thương nặng như vậy. Kíp cấp cứu lập tức vệ sinh cho bé, ủ ấm, theo dõi suốt đêm, đảm bảo dấu hiệu sinh tồn, rồi bàn giao cho bác sĩ và điều dưỡng. "Với trẻ sơ sinh bỏ rơi, bao giờ cũng phải đánh giá hô hấp và tuần hoàn đầu tiên, sau đó đến nhiễm khuẩn", chị giải thích về quy trình điều trị.
Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị thường xuyên tiếp nhận, điều trị cho các em bé sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn Hà Nội như bé Nguyễn Văn An nói trên.
Hằng năm, Khoa tiếp nhận từ 5 đến 7 trẻ bị bỏ rơi. Có bé được người nhà mang đến viện rồi đi biệt tích; có em được đặt ở cổng chùa. Thậm chí có bé bị bỏ trong túi nilon bên lề đường, được một nhóm chuyên cứu hộ thai nhi tìm thấy, đưa đến bệnh viện. Từ đầu năm nay, bệnh viện tiếp nhận 5 bé sơ sinh bị bỏ rơi.
Bác sĩ Thái Bằng Giang, Trưởng khoa Sơ sinh, cho biết việc điều trị cho những em bé bị bỏ rơi đặt ra nhiều thách thức, phải nhiều khâu phối hợp.
Một số ca gần đây khá đặc biệt khi người lớn bỏ trẻ sơ sinh ngoài môi trường, bác sĩ Giang nhận xét. Ở ngoài môi trường, độ rủi ro cho trẻ quá cao: ngoài nhiễm khuẩn, em bé rất dễ bị hạ thân nhiệt, suy hô hấp và nhiều nguy cơ khác.
"Bản chất người ta muốn vứt đứa bé đi, nên sự chăm sóc ban đầu kém. Khi nhiễm trùng, các bé diễn tiến nặng, quá trình điều trị không thể tiên lượng", bác sĩ nói.
Đứa bé bị bỏ rơi ngoài đường dễ nhiễm trùng máu, tất cả cơ quan đều bị tổn thương, đặc biệt là những cơ quan quan trọng như hô hấp. Bị suy hô hấp trên nền tổn thương nặng, trẻ sẽ không thể tự thở được, thường phải thở máy.
Khi thở máy, cần dùng thuốc vận mạch giúp mạch máu vận hành tốt hơn, tim co bóp tốt hơn để giữ được huyết áp, nhịp tim cho em bé. Cũng có những lúc bé ngừng tim vì độc tố của vi khuẩn tấn công vào cơ tim, khiến ngừng tim, các bác sĩ phải cấp cứu, ép tim, tăng liều thuốc vận mạch lên.
"Rất phức tạp. Những trường hợp đó phải theo dõi thật sát", bác sĩ nói.
Ba trường hợp nặng nhất mà bệnh viện tiếp nhận gần đây là bé Nguyễn Văn An bị bỏ hố ga; bé Nguyễn Phúc Đạt bị bỏ rơi ở khe tường; bé Nguyễn Bình An bị bỏ ven đường.
Hai ca Đạt và Bình An phát hiện sớm hơn nên cứu kịp. Bé Đạt chỉ bị nhiễm trùng tăng cao trong ba ngày, sau đó thuyên giảm, được các bác sĩ thay kháng sinh, kiểm soát tốt. Bé đã xuất viện trong vòng tay của ông bà ngoại.
Em bé trong túi nilon khi đến viện đã ngừng tim ngừng thở, phải thở gấp bằng máy cao tần. May mắn, bé được phát hiện sớm nên hạn chế nhiễm trùng, vừa được xuất viện chiều qua.
Trường hợp bé Nguyễn Văn An nặng nhất. Bệnh nhi được cứu chữa 28 ngày, ngừng tim tới 5 lần trong quá trình thở máy. Các bác sĩ phải hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, các chuyên gia nước ngoài, huy động mọi sức lực.
Điều dưỡng Ngô Thị Minh Loan cho biết các y bác sĩ luôn phải túc trực bên con suốt ngày đêm. "Chúng tôi đặt những chiếc ghế trong phòng bệnh để ngồi quan sát cháu, ngày nào cũng vậy, không rời mắt dù chỉ một phút. Nhưng bệnh cảnh nặng quá".
An qua đời ngày 29/6.
Bệnh viện Xanh Pôn lâu nay tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏ rơi, song hầu hết các em được đặt ở nơi dễ phát hiện, có chăn áo ủ ấm, sức khỏe ổn định. Điều trị cho những em như vậy không quá khó, bác sĩ Bằng Giang cho biết.
Chăm sóc chúng hàng ngày, mỗi khi thấy các bé khỏe lại và có người nhận nuôi, điều dưỡng Loan và các đồng nghiệp vui khôn tả. "Nhưng với riêng bé Nguyễn Văn An, khoảnh khắc tiễn con lên xe để về chôn cất, thấy còn thương xót đến tận bây giờ", chị nói.