Tại vùng ngoại ô vắng vẻ phía bắc thủ đô Vientiane, một nhà ga đường sắt mới với mái cong truyền thống mọc lên, dường như đang gửi đi thông điệp: Lào đang kết nối với nhiều nơi hơn.
Từ đây, một tuyến đường sắt do Bắc Kinh xây dựng trị giá gần 6 tỷ USD kết nối Lào với Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới. Giới lãnh đạo Lào hy vọng tuyến đường sắt sẽ mang lại nhiều việc làm và nguồn đầu tư nước ngoài mới, cùng sự thay đổi mạnh mẽ cho quốc gia không giáp biển duy nhất của Đông Nam Á.
Tuyến đường sắt dài khoảng 1.035 km nối thủ đô Vientiane với Côn Minh, thủ phủ đang phát triển nhanh chóng của tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc. Đây là chặng đầu tiên của tuyến đường xuyên Á mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh hình dung từ lâu. Họ muốn mở rộng mạng lưới đường sắt của Trung Quốc tới Đông Nam Á, khu vực hiện có vai trò rất quan trọng trong chương trình nghị sự ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc.
Từ Đông Nam Á tới Trung Âu và châu Phi, ngoại giao đường sắt là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh ca ngợi sáng kiến là mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt ở những nước đang phát triển có điều kiện sống thấp và thiếu cơ sở hạ tầng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ ba sáng nay tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng BRI sẽ tiếp động lực mới cho kinh tế toàn cầu. "BRI nhằm mục tiêu tăng cường kết nối chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính và giao lưu nhân dân", ông nói.
Trong lĩnh vực kết nối cơ sở hạ tầng, Trung Quốc có lợi thế rất lớn về xây dựng đường sắt. Tổng chiều dài đường sắt của quốc gia này hiện khoảng 155.000 km, trong đó 42.000 km đường sắt cao tốc, dài nhất trên thế giới.
"Trung Quốc chiếm gần 70% tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn cầu. Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nhanh chóng và chất lượng của Trung Quốc", đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho biết trong buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 13/10.
Xây dựng đường sắt đã nằm trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh kể từ khi khởi xướng sáng kiến BRI vào năm 2013, theo Yu Hong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore.
"Cốt lõi của BRI là tính kết nối và Trung Quốc có một số cơ sở hạ tầng đường sắt tốt nhất thế giới", ông Yu nói.
Dự án đường sắt Trung Quốc - Lào được công bố năm 2010 và bắt đầu khởi công cuối năm 2015. Tuyến đường sắt đi vào hoạt động 6 năm sau đó, xuyên qua những ngọn núi hiểm trở ở miền bắc Lào, nơi các công nhân đã phải đào 167 đường hầm, xây 301 cây cầu.
Trung Quốc cung cấp gần như mọi thứ từ khoản vay, công nghệ, tàu, hệ thống bán vé, anten không dây và thậm chí đào tạo cho tiếp viên Lào.
Dù nhiều dự án BRI trên thế giới bị đình trệ kể từ khi Covid-19 bùng phát năm 2020, đường sắt Trung Quốc - Lào là tuyến đầu tiên nối lại xây dựng để sẵn sàng mở cửa vào tháng 12/2021.
Chuyên gia Yu nói rằng tuyến đường sắt đi vào hoạt động rất quan trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh các dự án BRI vấp phải một số hoài nghi về hiệu quả kinh tế, khi nhiều nước đang phát triển gặp khó khăn vì lãi suất và lạm phát tăng cao trong thời kỳ hậu đại dịch.
"Đường sắt Trung Quốc - Lào chứng tỏ rằng BRI vẫn đi đúng hướng. Có rất nhiều đồn đoán rằng BRI sẽ đình trệ vì đại dịch và môi trường địa chính trị toàn cầu thay đổi, nhưng điều đó không đúng", Yu nói.
Sau nhiều năm chậm tiến độ và đội vốn, Indonesia đầu tháng này khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên, một dự án BRI khác với chi phí 7,3 tỷ USD. Tuyến đường sắt dài 142 km nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung ở tỉnh Tây Java của Indonesia, là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á với vận tốc tối đa lên tới 350 km/h.
Yu nói rằng Bắc Kinh xem cả hai dự án là những tin tốt cho nỗ lực quảng bá BRI với phần còn lại của Đông Nam Á và nhiều nơi khác.
Trung Quốc cũng đã thảo luận với Indonesia về mở rộng tuyến đường sắt này tới thành phố cảng Surabaya của tỉnh Tây Java. Thái Lan bắt đầu đàm phán với Lào về tiềm năng phát triển đường sắt Trung Quốc - Lào - Thái Lan. Việt Nam cũng đang cân nhắc khả năng kết nối đường sắt cao tốc với Trung Quốc.
Trung Quốc đã thảo luận với Nepal về dự án đường sắt xuyên biên giới, kết nối Shigatse ở Tây Tạng với thủ đô Kathmandu. Lãnh đạo Nepal hy vọng dự án sẽ mở ra các tuyến đường xuất khẩu của quốc gia không giáp biển này sang Trung Quốc.
Dù các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có thể tạo thêm việc làm, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, tăng nguồn thu, nhiều chính phủ vẫn ngần ngại về vấn đề chi phí cao, lợi nhuận thu về chậm, rủi ro thanh khoản và nguy cơ tổn hại môi trường.
Yu Hong cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy ngoại giao đường sắt. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có sự minh bạch hơn về tài chính của các dự án và nỗ lực nhiều hơn để tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường.
Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào từng đối mặt với nhiều hoài nghi, đặc biệt là khi phần lớn lao động thực hiện dự án đến từ Trung Quốc. Một số người dân địa phương cho rằng họ không được trao cơ hội việc làm trong một dự án quy mô lớn như vậy.
Sithixay Xayavong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Lào, nói rằng lợi nhuận mà tuyến đường sắt Lào - Trung mang lại sẽ rất chậm trong 5 năm đầu tiên, khi kết nối với các nước láng giềng còn thấp.
Nhưng với nhiều người Lào, tuyến đường sắt mới là điều đáng mừng, ngay cả khi tốc độ tối đa chỉ là 160 km/h. Trước đây, tuyến đường sắt duy nhất của Lào chỉ dài 7 km, do Pháp xây dựng ở miền nam nước này từ những năm 1890 và đã bị đóng cửa vào những năm 1940.
Người dân địa phương đã có thể đi tàu từ tháng 4 năm ngoái. Tuyến đường sắt đã ghi nhận hơn 20,9 triệu lượt khách tính tới đầu tháng 9 và hơn 25,36 tấn hàng hóa, theo dữ liệu của Trung Quốc.
"Nó nhanh và an toàn hơn", Mayvong Sayatham, người làm việc cho tổ chức phi chính phủ và thường đi tàu từ Vientiane tới Luang Praban, nói.
Trước đây Sayatham thường mất 6 tiếng đi xe khách để thực hiện hành trình 338 km này, nhưng giờ chỉ mất chưa tới 2 tiếng. Sayatham thêm rằng chuyến tàu "luôn chật kín" hành khách.
Tại Vientiane, những dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện khi du khách nước ngoài dần quay trở lại nhiều hơn, cùng với đó là các dự án của Trung Quốc. Cách trung tâm thủ đô Lào không xa, một trung tâm thương mại do Trung Quốc đầu tư đã mọc lên, với nhiều biển quảng cáo và bảng hiệu nhà hàng tiếng Trung.
Đại sứ Hùng Ba cho biết BRI đã "đơm hoa kết trái" tại nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc tới nay đã cùng hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế ký hơn 200 văn kiện hợp tác về BRI. Hơn 3.000 dự án hợp tác được hình thành và thu hút đầu tư hơn 1.000 tỷ USD, giúp gần 40 triệu người thoát nghèo.
"Trung Quốc sẵn sàng làm sâu sắc hợp tác với các đối tác Vành đai và Con đường, nỗ lực không ngừng nghỉ để thúc đẩy hiện đại hóa ở mọi quốc gia trên thế giới", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói tại BRF. "BRI khởi phát từ Trung Quốc, nhưng thành quả và cơ hội nó mang lại thuộc về thế giới".
Thanh Tâm (Theo SCMP)