Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 28/11 tuyên bố "kẻ thù không đội trời chung" Israel đã làm "lính đánh thuê" cho Mỹ khi tiến hành ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Tehran. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trước đó cũng cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công và kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), lên án hành động khủng bố này.
Thay vì đặt câu hỏi về bên đứng sau vụ ám sát giữa thanh thiên bạch nhật ngay trên đất Iran, mối quan tâm của giới phân tích giờ đây chuyển sang câu hỏi liệu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hy vọng đạt được gì nếu ông là người ra quyết định táo bạo này.
Các nhà phân tích cho rằng với lịch sử hàng loạt vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran được cho là do đặc vụ Israel tiến hành, Tel Aviv vẫn là bên có khả năng cao nhất tiến hành vụ hạ sát Fakhrizadeh. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ thực hiện vụ ám sát vào lúc này, sau gần 10 năm không tiến hành những điệp vụ tương tự.
Khả năng đầu tiên là Thủ tướng Netanyahu có thể đang tìm cách khiêu khích Iran tiến hành phản ứng quân sự, tạo cớ để Mỹ tấn công chương trình hạt nhân của nước này trong những tuần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo bình luận viên Steve Hendrix và Shira Rubin của Washington Post, Thủ tướng Israel trở nên cảnh giác sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cam kết về "con đường ngoại giao" dành cho Iran. Một số nguồn tin giấu tên tiết lộ ông đang thúc đẩy Trump giáng đòn quyết định vào tham vọng hạt nhân của Tehran như một lời tạm biệt.
"Trong một tháng rưỡi tới, tâm thế của Netanyahu với Iran sẽ là: 'Nếu họ đáp trả, chuyện kinh hoàng có thể xảy ra'. Bạn không lường trước được Tổng thống Trump sẽ làm gì trước khi rời nhiệm sở", Yoel Guzansky, cựu quan chức phụ trách vấn đề Iran thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, nhận định.
Một mục tiêu khác Netanyahu có thể nhắm đến thông qua vụ ám sát là giải quyết phần nào những rắc rối pháp lý và chính trị của bản thân. Uy tín của Netanyahu giảm mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Israel. Bên cạnh đó, ông còn đang đối mặt những cáo buộc nhận hối lộ, tham nhũng và vi phạm tín nhiệm tại tòa án. Việc nhắm vào "kẻ thù số một" của Israel có thể giúp Netanyahu thu hút được sự ủng hộ đáng kể từ người dân.
"Nhìn chung, Netanyahu là người thận trọng trong hành động quân sự. Nhưng trong trường hợp này, ông ấy đang phải đối mặt với một loạt thách thức, không chỉ về các mục tiêu chiến lược, mà còn cả về chính trị. Netanyahu cần những diễn biến mang tính đột phá để chứng minh ông ấy là lãnh đạo không thể thay thế của Israel", Chuck Freilich, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Israel, đánh giá.
Theo Freilich, một số chuyên gia an ninh thậm chí tin rằng Netanyahu đã sẵn sàng "châm lửa", nhằm thúc đẩy Mỹ sử dụng những quả bom xuyên hầm ngầm, phá hủy các máy ly tâm hạt nhân của Iran trước khi Biden lên nắm quyền vào ngày 20/1/2021.
"Israel sẵn sàng thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Chúng tôi đã chung sống với mối lo ngại này suốt 30 năm và đã đến lúc gác lại nó", Freilich nêu ý kiến, nói thêm rằng chiến lược này đáng lẽ nên được tiến hành 6 tháng trước. Giờ đây, nó có nguy cơ gây tổn hại mối quan hệ giữa Israel với Tổng thống đắc cử Mỹ, người từng ủng hộ những lợi ích của Israel.
Một số ý kiến khác cho rằng động lực của Netanyahu chỉ đơn giản là tiêu diệt Fakhrizadeh, người được coi là "bộ não hạt nhân" của Tehran, từng được Thủ tướng Israel mô tả là "cha đẻ" chương trình hạt nhân Iran và đứng đầu danh sách mục tiêu cần hạ bệ.
Vụ tấn công có sự phối hợp phức tạp, được đánh giá phải mất nhiều tháng để lên kế hoạch. Vì vậy, khi thời cơ tới, Netanyahu có thể đã mạo hiểm hạ lệnh ám sát bất chấp thời điểm nhạy cảm, sau đó hy vọng Iran sẽ kiềm chế bởi ông không chủ đích "đổ dầu" vào tình hình vốn đang căng thẳng.
"Netanyahu không muốn chiến tranh với Iran. Ông ấy đang đánh cược rằng Iran sẽ thề trả thù, nhưng không dám hành động", Yossi Melman, nhà báo kỳ cựu chuyên viết về các hoạt động bí mật của Israel, nhận định.
Tính toán của Netanyahu dường như vẫn đúng tính đến thời điểm này. Phe "diều hâu" tại Iran đang thúc giục các lãnh đạo đáp trả mạnh mẽ, như tờ báo bảo thủ Kayhan kêu gọi tấn công thành phố cảng Haifa ở Israel nếu vai trò của nước này trong vụ ám sát được chứng minh. Tuy nhiên, Tehran vẫn chưa đưa ra hành động nào.
Meir Javedanfar, giảng viên về các vấn đề Iran tại Trung tâm Liên ngành Herzliya của Israel, đánh giá Tehran sẽ giải quyết vấn đề một cách thận trọng, bởi nước này đang đối mặt một loạt lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng nặng nề, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất Trung Đông, cùng tình trạng bất ổn trong nước ngày càng gia tăng.
Việc Iran tới nay vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ có thể kiềm chế và chờ đợi tình hình nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo. "Nếu Iran tiếp tục không hành động trong vài ngày tới, có khả năng họ sẽ không làm gì trước khi Biden vào Nhà Trắng", Freilich, cựu quan chức Israel, nhận định.
Bất kể động cơ nào dẫn đến cuộc tấn công hôm 27/11, sự việc cũng đặt ra thách thức nan giải hơn đối với Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Biden. Ngay trước cái chết của Fakhrizadeh, nhiều cuộc họp liên quan đến giới chức cấp cao Mỹ, Israel và Arab Saudi đã được tổ chức, cả công khai và bí mật.
"Nếu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và Thủ tướng Israel Netanyahu từng họp cùng nhau một tuần trước, giữa lúc Trump sắp rời Nhà Trắng và Netanyahu có lẽ đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử, vụ ám sát hôm 27/11 lại được nhìn theo một cách khác", cựu quan chức Guzansky cho hay.
Điều đó có nghĩa là những đồng minh của Mỹ đã tập hợp lại và sẵn sàng đối đầu với Iran, quốc gia mà họ coi là mối đe dọa chính, đồng thời muốn Mỹ coi trọng quan điểm của họ.
"Dù cố ý hay không, thông điệp vẫn là Israel sẽ cứng rắn về vấn đề Iran, thay vì hợp tác trong một phản ứng chung", Freilich nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)