Mohsen Fakhrizadeh, một trong những chuyên gia hạt nhân nổi tiếng và được bảo vệ cẩn mật nhất Iran, tử vong hôm 27/11 sau cuộc phục kích ở ngoại ô Tehran. Những chi tiết ban đầu cho thấy Fakhrizadeh đã bị theo dõi và có sự phối hợp theo kế hoạch trong vụ ám sát.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết vụ ám sát mở đầu bằng việc các tay súng tấn công xe của Fakhrizadeh. Ngay sau đó, một xe bán tải chỉ cách khoảng 15 m phát nổ, trong khi những kẻ tấn công vẫn tiếp tục xả súng, khiến Fakhrizadeh và hai vệ sĩ bị thương. Chuyên gia Iran tử vong trong bệnh viện.
"Những kẻ khủng bố đã ám sát một nhà khoa học lỗi lạc của Iran hôm nay. Hành vi hèn nhát này, với những dấu hiệu nghiêm trọng về vai trò của Israel, cho thấy thủ phạm vô cùng hiếu chiến", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter. Trong khi đó, Hossein Dehghan, cố vấn của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, tuyên bố họ "sẽ giáng đòn như chớp vào những kẻ sát nhân".
Đây là vụ tấn công thứ hai trong năm nay khiến Iran nổi cơn thịnh nộ. Hồi tháng một, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ lệnh ám sát tướng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, người được coi là quyền lực thứ hai nước này chỉ sau lãnh tụ Khamenei. Sự việc đã "đổ dầu" vào quan hệ vốn vô cùng căng thẳng giữa Tehran và Washington, đôi khi tưởng như tiến sát bờ vực chiến tranh.
Vụ ám sát Fakhrizadeh xảy ra vào thời điểm khá đặc biệt, khi quá trình chuyển giao quyền lực đang được tiến hành tại Mỹ và chính quyền Trump được cho là sẽ kết thúc trong vài tuần tới. Theo bình luận viên Cahal Milmo của Inews, nếu trách nhiệm trong vụ tấn công thuộc về Israel như cáo buộc của Iran, họ khó có thể hành động mà không có sự chấp thuận ngầm của Mỹ.
Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 16/11 tiết lộ Trump đã yêu cầu cấp dưới trình bày những phương án tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng kế hoạch này bị đội ngũ cố vấn bác bỏ. Do đó, giới quan sát tin rằng Washington thực sự đang theo đuổi chiến lược gây thiệt hại tối đa trong quan hệ với Iran, nhằm ngăn chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden đảo ngược tình thế.
Trump đã tăng cường trừng phạt và đối đầu với Tehran trong chiến dịch "gây áp lực tối đa" kể từ khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) hồi tháng 5/2018, với mục tiêu buộc Iran ký một thỏa thuận chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, động thái của Trump khiến Iran không còn chấp nhận tuân thủ JCPOA, thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này, và tăng cường tích trữ uranium được làm giàu.
Biden từng cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh về vấn đề Iran và nỗ lực tái gia nhập thỏa thuận, miễn là Tehran tuân thủ đầy đủ. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc giúp Iran thoát khỏi một số lệnh trừng phạt kinh tế mà họ hằng mong muốn xóa bỏ. Tuy nhiên, vụ ám sát Fakhrizadeh được cho là đã khiến mục tiêu hàn gắn vốn tiềm ẩn đầy thách thức càng trở nên xa vời.
Tương tự nhiều chuyên gia khác, Robert Malley, cố vấn của cựu tổng thống Barack Obama về vấn đề Iran, cũng đánh giá đây là một trong hàng loạt động thái của chính quyền Trump vào "buổi hoàng hôn nhiệm kỳ" dường như nhằm khiến Biden khó tương tác với Iran hơn.
"Xem xét một cách đơn giản, mục tiêu của cuộc tấn công là gây thiệt hại tối đa cho Iran về kinh tế và chương trình hạt nhân của họ tới chừng nào còn có thể. Mặt khác, nó có nguy cơ làm phức tạp khả năng nối lại hoạt động ngoại giao và tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân của Biden", Malley nhận định, nhưng từ chối suy đoán ai đứng sau cuộc tấn công.
Nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy, thành viên tiểu ban Trung Đông của Thượng viện Mỹ, cho rằng vụ ám sát "không khiến Mỹ, Israel hay thế giới trở nên an toàn hơn". Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi kiềm chế, tránh gia tăng căng thẳng.
Trong khi đó, cựu giám đốc CIA John Brennan, người nhiều lần chỉ trích Trump gay gắt, đánh giá cuộc tấn công "là tội ác vô cùng liều lĩnh, có nguy cơ làm bùng lên các đòn trả đũa nguy hiểm và xung đột mới ở khu vực", dù không đề cập tới người có khả năng chịu trách nhiệm.
Brennan còn nhấn mạnh Fakhrizadeh không được xác định là khủng bố, không thuộc al-Qaeda hay nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời kêu gọi Iran không trả đũa và "chờ đợi sự trở lại của sự lãnh đạo có trách nhiệm từ Mỹ trên trường quốc tế", ám chỉ việc Biden sẽ thay thế Trump từ ngày 20/1 năm sau.
Theo bình luận viên Milmo, một trong những phương án Iran có thể lựa chọn là thực hiện một vụ trả đũa mang tính biểu tượng, tránh đẩy căng thẳng lên cao, trong lúc chờ đợi Biden vào Phòng Bầu dục để xem xét những thỏa thuận hai bên có khả năng đạt được.
Tuy nhiên, nếu lực lượng tình báo Mossad nổi tiếng của Israel đã được trao quyền nhắm mục tiêu vào các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran như suy đoán của một số chuyên gia, trong lúc Trump vẫn tại vị, không thể loại trừ khả năng xuất hiện những vụ ám sát khác.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post, Inews, Reuters)