Cúm là bệnh do virus cấp tính đường hô hấp gây ra, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, nguyên Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cúm. Ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai... bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Cúm có thể diễn tiến với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, nhất là các đối tượng:
- Trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi
- Người lớn, nhất là người trên 65 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch
- Người bị béo phì nặng
- Người có các bệnh lý mãn tính như hen, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, HIV/AIDS hoặc ung thư...
- Những người làm việc tại môi trường đông người như bệnh viện, trường học và công sở là những đối tượng có nguy cơ mắc và lây truyền bệnh cúm rất cao.
Virus cúm có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi..., dịch mũi họng và các giọt nước bọt mang theo virus bay vào không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh. Các giọt dịch rơi vào đồ ăn, bám vào vật dụng... cũng có thể truyền virus gây bệnh. Đây là nguyên nhân khiến cúm rất dễ lây lan nơi đông người.
Triệu chứng của bệnh cúm
Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi virus cúm chủng A, B, C, trong đó chủng hay gặp nhất là A và B. Cúm thường khởi phát đột ngột, bắt đầu với những triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau nhức bắp thịt, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng và mệt mỏi toàn thân... Một vài người có thể ói mửa và tiêu chảy, nhưng triệu chứng này thường xuyên xảy ra với trẻ em hơn là với người lớn.
Cúm thường có biểu hiện ngay sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Những triệu chứng ban đầu có thể gặp là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi... Trẻ em khi mắc cúm có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa
Theo bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, cúm thường diễn ra quanh năm, có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường nên rất nhiều người xem nhẹ. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn đã khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của các bệnh như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu... nếu không điều trị kịp thời.
Phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu có khả năng sảy thai, thai lưu hoặc dị tật thai nhi. Nếu không may mắc cúm trong thời gian mang thai, phụ nữ nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó. Thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa bệnh cúm
Để phòng cúm mùa, người lớn, trẻ em nên thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh; giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt; mang khẩu trang y tế đến nơi có đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên...
Tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Theo bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, vaccine ngừa cúm có khả năng tạo ra kháng thể chủ động bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ của vaccine cúm sau khi tiêm ngừa lên đến 97%. Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nên tiêm vaccine cúm để bảo vệ cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ, cũng như bảo vệ con sau sinh trong 6 tháng đầu khi trẻ chưa đến tuổi được tiêm phòng vaccine cúm.
Hiện nay đang có 3 loại vaccine cúm gồm Vaxigrip (Pháp), Influvac (Hà Lan) và CG Flu (Hàn Quốc).
Đối với vaccine Vaxigrip và Influvac, lịch tiêm cụ thể như sau:
Trẻ từ 6 tháng đến 9 tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm:
- Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
Trẻ trên 9 tuổi và người lớn:
- Tiêm 1 mũi 0,5 ml
- Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
Đối với vaccine GC Flu, lịch tiêm cụ thể như sau:
Trẻ từ 36 tháng đến 9 tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm:
- Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
Trẻ trên 9 tuổi và người lớn:
- Tiêm 1 mũi 0,5 ml
- Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tiêm vaccine phòng cúm trước khi có thai. Nếu đang có dịch cúm mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai vẫn có thể tiêm phòng vaccine ngừa cúm bất hoạt từ 3 tháng giữa thai kỳ.
Cúm là loại virus có nhiều chủng loại và biến đổi hàng năm. Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha chia sẻ thêm, mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra dự báo về chủng cúm mới và vaccine cúm mùa thường được sản xuất dựa trên dự báo đó để phù hợp với các chủng gây bệnh đang lưu hành. Hơn nữa, kháng thể bảo vệ tạo ra nhờ virus cúm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới một năm. Đó là lý do mỗi loại vaccine cúm mùa chỉ có tác dụng đối với một chủng virus cúm nhất định và phải tiêm nhắc lại khi có vaccine ngừa chủng cúm mới để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.
Tại Việt Nam, cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3, 4, 9, 10 hàng năm. Người lớn, trẻ nhỏ nên tiêm vaccine cúm vào trước mùa cúm.
Ngọc An (Ảnh: VNVC)