Với đặc thù mưa nhiều, các thành phố lớn dễ ngập, người sử dụng xe máy ở Việt Nam thường xuyên đối diện với những khó khăn và nguy hiểm khi lưu thông lúc trời mưa lớn, đường ngập. Để đảm bảo an toàn, dưới đây là những kỹ năng cần nhớ, được các chuyên gia khuyên.
Trước khi lái
Lốp xe có vai trò quan trọng với cảm giác lái và độ an toàn của xe máy. Kiểm tra tình trạng lốp xe là việc nên làm thường xuyên, nhất là khi gặp thời tiết xấu. Lốp đúng chuẩn, còn gai lốp giúp hạn chế tình trạng bị trượt nước khi lưu thông dưới trời mưa, ngược lại lốp mòn, gai lốp không còn thấy rõ sẽ khiến bánh mất độ bám với mặt đường, gây nguy hiểm khi chuyển hướng, phanh gấp. Do đó, cần kiểm tra tình trạng mặt lốp, thay lốp nếu các gai đã mòn đến vạch báo hiệu trên lốp xe.
Người lái xe cũng cần đảm bảo lốp được bơm đúng áp suất theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc bơm quá căng sẽ khiến lốp mất độ bám khi đi trên mặt đường trơn trượt, vì lúc này lốp căng cứng, diện tích tiếp xúc của lốp đến mặt đường giảm. Do đó, nên bơm đúng áp suất được khuyến cáo, hoặc một mẹo nhỏ để tăng độ bám với mặt đường trơn trượt là giảm một chút hơi (khoảng 2 psi) để tăng độ bám đường, lưu ý không nên để lốp quá mềm khi đi trong mưa, vì lốp có thể bị bục.
Tiếp đến, nên chọn loại áo mưa màu sáng, hoặc có dài phản quang để đi trong mưa. Chọn áo mưa màu quá tối có thể khiến các phương tiện xung quanh khó nhìn thấy tài xế, nhất là trong điều kiện nguy hiểm như trời mưa vào buổi tối. Hơn nữa, áo mưa phải được mặc gọn gàng, không che đèn, ghi-đông của xe, các nút, zipper nên được cài một cách chắc chắn. Khi trời mưa vào ban ngày, tài xế vẫn nên bật đèn xe để tăng độ nhận diện.
Trong khi lái
Đường ướt khiến độ bám của bánh xe lên mặt đường giảm. Vào lúc này, mọi thao tác đột ngột từ tài xế có thể khiến xe mất kiểm soát, trượt bánh, như vặn ga đột ngột, phanh gấp, chuyển hướng gấp. Do đó, tài xế nên giảm nhẹ tay ga, luôn quan sát phía trước để phán đoán tình hình, hạn chế phanh gấp đặc biệt ở những khúc cua. Nếu xe có trang bị phanh ABS, tài xế hoàn toàn có thể phanh cứng trong khi trời mưa.
Khi di chuyển trên mặt đường ướt, các chỉ dẫn trên mặt đường như vạch kẻ đường cho người đi bộ, vạch chia làn hoặc thậm chí nắp cống là những vị trí trơn trượt hơn mặt đường, hạn chế đi qua, phanh hoặc tăng tốc ở những vạch này. Khoảng cách phanh khi mặt đường ướt cũng tăng đáng kể so với lúc đường khô, do đó nên giữ khoảng cách lớn hơn.
Với những vũng nước trên đường, nếu điều kiện cho phép nên tránh đi qua. Nếu không thể tránh, hãy giảm tốc độ một cách từ từ, nếu dùng xe số nên về số thấp, đều tay ga, và chỉ tăng tốc trở lại khi đã đi qua vùng ngập. Nếu xe máy chạy quá nhanh qua vùng ngập, nước có thể vào bugi hoặc họng lấy gió, khiến hư hỏng máy, ngoài ra di chuyển nhanh trong vùng ngập tạo ra sóng về hai bên, ảnh hưởng đến các phương tiện xung quanh.
Sau khi lái
Xe sau khi đi mưa, đi đường ngập dù không gặp vấn đề gì cũng cần được rửa sớm lúc tạnh ráo trở lại. Nước bẩn có thể ăn mòn kim loại, đặc biệt là hệ thống xích trên xe số, hoặc không xì khô các chi tiết điện có thể gặp vấn đề sau một thời gian.
Tân Phan