Triều Tiên sáng 29/11 bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15. Giới chuyên gia nhận định tên lửa Hwasong-15 mang nhiều đặc điểm được cải tiến vượt trội so với các mẫu tiền nhiệm, thể hiện sự phát triển nhanh chóng trong chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo National Interest.
"Hwasong-15 dường như được trang bị động cơ mới, nhưng cũng có thể là loại động cơ từng sử dụng trước đây. Nó không sử dụng động cơ phụ để điều chỉnh hướng bay như mẫu Hwasong-12 và Hwasong-14, mà dường như được trang bị hai ống xả động cơ tương tự phiên bản Hwasong-13 (KN-08). Tuy nhiên, cấu hình động cơ lần này vẫn rất khác", chuyên gia phân tích Scott Lafoy cho biết
Tên lửa Hwasong-15 được chuyển tới bãi phóng bằng loại xe tải từng vận chuyển các tên lửa lớn hơn trước đây. Đây được cho là biến thể cải tiến của xe chở gỗ WS51200 do Trung Quốc sản xuất, được lắp thêm một trục dẫn động thứ 9 và mang định danh "xe phóng tự hành 9 trục".
Chuyên gia Lafoy nhấn mạnh rằng đây không phải là xe chở và phóng đạn (TEL), mà chỉ là xe chở kiêm dựng đạn (T/E), có chức năng vận tải và đưa tên lửa vào vị trí phóng. "T/E phải cơ động tới bệ phóng, dựng tên lửa lên và rời đi, khiến thời gian triển khai và phóng đạn kéo dài hơn TEL. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong chiến tranh, khi liên quân Mỹ - Hàn có thể tấn công khu vực bệ phóng trong thời gian ngắn", ông Lafoy nhận định.
"Triều Tiên khẳng định các động cơ của Hwasong-15 có lực đẩy lớn hơn, nhưng không nói rõ là ở tầng đẩy thứ nhất, thứ hai hoặc cả hai tầng đẩy. Nếu tuyên bố này là chính xác, đây có thể coi là phiên bản Hwasong-14 được tăng kích thước và lực đẩy, đủ khác biệt để mang định danh mới", phó giáo sư Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts nêu quan điểm.
Một số chuyên gia nhận định rằng tên lửa Hwasong-15 sử dụng nhiên liệu rắn, giúp rút ngắn đáng kể thời gian triển khai và mở rộng khu vực có thể phóng tên lửa. Điều này có thể bù trừ cho khoảng thời gian kéo dài do dùng xe T/E thay cho TEL.
Nhận định này được củng cố bằng việc vệ tinh của Mỹ và Nhật không phát hiện những hoạt động bất thường tại các bãi phóng của Triều Tiên trước vụ thử Hwasong-15. Nếu sử dụng nhiên liệu lỏng, tên lửa sẽ mất nhiều thời gian để nạp nhiên liệu trước khi phóng, khiến nguy cơ bị vệ tinh phương Tây phát hiện ra cao hơn rất nhiều.
Tầm bắn ước tính tới 13.000 km của Hwasong-15 cho thấy nó đủ sức đe dọa toàn bộ lục địa Mỹ. Dù con số này có thể bị rút ngắn khoảng 20-30% khi mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng, Hwasong-15 vẫn chứng tỏ khả năng đe dọa mục tiêu lớn như thành phố New York và thủ đô Washington DC của Mỹ. Điều đó giúp Triều Tiên có thêm lợi thế trong những cuộc đàm phán tương lai với Mỹ, chuyên gia Narang nhấn mạnh.
Duy Sơn