Đầu tháng 3, UBND TP Hải Phòng quyết định sẽ tổ chức ba bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm học 2022-2023. Trong đó, bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, 120 phút, thang điểm 10 và lấy hệ số hai. Bài Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, 45 phút, hệ số một. Thí sinh được đăng ký một trong các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc.
Đây là năm thứ ba Hải Phòng cho thi ba môn vào lớp 10 nhằm giảm áp lực cho các em trong bối cảnh gián đoạn học trực tiếp vì Covid-19. Trước đó, địa phương này tổ chức thi bốn môn dưới ba bài thi Toán, Ngữ văn và tổ hợp. Bài tổ hợp gồm môn Ngoại ngữ và một môn bốc thăm trong số Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Nghệ An cũng là địa phương giảm môn thi trong bối cảnh Covid-19. Năm 2019, khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tỉnh này tổ chức ba bài thi Toán, Ngữ văn và bài tổ hợp (gồm Ngoại ngữ, một môn Khoa học tự nhiên, một môn Khoa học xã hội). Như vậy, học sinh phải ôn 5 môn cho kỳ thi vào lớp 10 công lập. Thời gian công bố môn thi trong bài tổ hợp là đầu tháng 4, tức trước kỳ thi khoảng 2-3 tháng.
Tuy nhiên, đến 2020, khi học sinh có thời gian dài phải học trực tuyến, tỉnh quyết định giảm một môn trong bài tổ hợp, thí sinh chỉ còn phải tập trung cho bốn môn.
Năm 2021, Nghệ An tiếp tục giảm môn thi, học sinh chỉ thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ vào lớp 10. Trong đó, Toán và Ngữ văn lấy điểm hệ số hai và Ngoại ngữ hệ số một.
Năm nay, Nghệ An chưa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 nhưng nhiều khả năng vẫn tổ chức thi ba môn. Hồi cuối năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến về việc này với các môn thi giữ nguyên là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nhưng có thêm phương án để ba môn này có cùng hệ số một thay vì Toán, Ngữ văn lấy hệ số hai.
Bắc Giang và Hà Nội là hai trong số các địa phương tổ chức thi bốn môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư được chọn ngẫu nhiên hàng năm. Năm 2020, do dịch diễn biến phức tạp, cả hai tỉnh bỏ môn thứ tư. Tuy nhiên năm ngoái, Bắc Giang và Hà Nội cùng đưa môn thứ tư trở lại, dù dịch bệnh căng thẳng hơn và học sinh vẫn bị gián đoạn học trực tiếp.
Năm nay, Bắc Giang và Hà Nội chưa công bố phương án. Tại Hà Nội, phần lớn các nhà trường, học sinh và phụ huynh cho rằng nên bỏ môn thứ tư trong bối cảnh học sinh khối 9 ba năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có 9 tháng không được tới trường. Hiện, nhiều em vẫn phải học trực tuyến do đang là F0, F1.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, cho rằng: "Các nhà quản lý giáo dục thủ đô vì sợ dạy lệch, học lệch nên đưa môn thứ tư vào và công bố muộn. Nhưng theo tôi, việc dạy lệch, học lệch không thể giải quyết qua việc tổ chức kỳ thi lớp 10 như vậy", ông Khang nói và lấy ví dụ TP HCM và các tỉnh, thành khác nhiều năm nay chỉ thi ba môn vào lớp 10 nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Rõ ràng, họ không chống dạy và học lệch bằng cách như Hà Nội.
Từ năm học 2022-2023 trở đi, học sinh lớp 10 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bước vào giai đoạn "Giáo dục định hướng nghề nghiệp". Tính phổ thông toàn diện không được đặt ra. Vì vậy, ông Khang cho rằng tuyển sinh đầu vào THPT năm nay trở đi chỉ cần ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là hợp lý.
Theo khảo sát của VnExpress từ 4/3 với gần 2.200 người tham gia, có 56% mong Hà Nội bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10. Nhiều học sinh cho rằng nếu vẫn giữ phương án thi bốn môn, thành phố cần ra quyết định sớm để có thời gian ôn tập.