Từ đầu tháng 3, Đạt, học sinh lớp 9 ở huyện Hoài Đức, liên tục cập nhật tin tức về kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội. Trên các hội nhóm, thấy bạn bè đoán môn thi thứ tư, em cũng tham gia hóng chuyện. Chỉ cần nghe phong thanh tỉnh này, tỉnh kia thi Vật lý hay Hoá học, Đạt lại giật mình thon thót.
"Thi Địa lý, Giáo dục công dân hay Lịch sử đều được. Em chỉ mong không trúng vào các môn tự nhiên", nam sinh chia sẻ.
Từ cuối tháng 11 năm ngoái, khoảng 40.000 học sinh lớp 9 ở 18 huyện, thị ngoại thành được trở lại học trực tiếp, trong đó có Đạt. Nhiều tháng nay, cậu luôn bồn chồn khi nghĩ đến kỳ thi vào lớp 10, bởi thời gian học trực tuyến kéo dài khiến em "lơ mơ, không nắm chắc kiến thức".
Do đó, khi nhiều kiến nghị liên quan đến việc bỏ môn thi thứ tư xuất hiện, Đạt đã rất hy vọng thành phố chấp thuận. Nhưng Hà Nội dự kiến vẫn thi bốn môn. Giờ em chỉ mong môn thứ tư được công bố sớm để có thêm thời gian chuẩn bị.
Với mục tiêu vào THPT Hoài Đức A, ngôi trường có điểm chuẩn cao nhất huyện năm ngoái, Đạt tự tin với ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Riêng môn thứ tư, Đạt rất lo lắng bởi phạm vi đề thi có thể bao trùm kiến thức cả năm lớp 9, buộc em phải ôn lại toàn bộ trong thời gian ngắn. "Phải ôn lại từ đầu một môn không đúng sở trường sẽ rất áp lực", Đạt nói.
Năm 2019, sau hàng chục năm chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc, thêm Ngoại ngữ và môn thứ tư, được Sở Giáo dục công bố vào tháng 3.
Năm 2020, thành phố bỏ môn thứ tư do dịch bệnh bùng phát, hai năm 2019 và 2021, Lịch sử là môn được chọn. Môn thi này được thi dưới dạng trắc nghiệm, trong 60 phút. Nội dung chủ yếu thuộc chương trình lớp 9, đảm bảo hai cấp độ nhận biết, thông hiểu; có một số câu ở cấp độ vận dụng, không có cấp độ vận dụng cao như Toán hay Ngữ văn.
Cũng trong tâm thế như Đạt, Thanh Bình, lớp 9 ở quận Hà Đông, cho rằng "thông tin quan trọng nhất trong tháng 3 này với em là tên của môn thi thứ tư". Do đó, dù đang là F0 điều trị tại nhà, mỗi lúc đỡ mệt, Bình đều tranh thủ "dạo quanh" các hội nhóm để tìm kiếm thông tin tuyển sinh. Năm ngoái, môn thi thứ tư được công bố vào 12/3, Bình dự đoán năm nay có thể sớm hơn.
Bình học khá các môn tự nhiên, trừ Sinh học. Trong ba môn bắt buộc, nam sinh sợ Ngữ văn. Do đó, Bình cho rằng môn thi thứ tư sẽ tác động lớn đến kết quả vào lớp 10 của mình. "Nếu là Lý hay Hóa, em nghĩ sẽ là môn gỡ lại điểm Văn. Ngược lại, em rất lo lắng nếu môn thứ tư rơi vào Địa hoặc Sử", nam sinh cho hay. Đặt mục tiêu vào THPT Quang Trung, có điểm chuẩn cao thứ hai quận Hà Đông năm ngoái, Bình nghĩ mình "chỉ có thể trúng tuyển nếu môn thứ tư đúng mong muốn".
Từ đầu năm đến giờ, việc học của Bình "trồi sụt" vì gia đình liên tiếp có người nhiễm Covid-19, sinh hoạt bị đảo lộn. Do đó, dù thành phố đã cho học sinh lớp 9 ở nội thành học trực tiếp từ 8/2, Bình chưa có cơ hội trở lại trường. Những ngày này, em khá căng thẳng, áp lực. "Em chỉ mong môn thứ tư được công bố luôn trong tuần đầu tháng 3", Bình nói.
Khoảng ba tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội sẽ diễn ra. Trong khi các tỉnh, thành khác đã lần lượt công bố các môn thi, học sinh Hà Nội vẫn thấp thỏm đợi.
Nhật Minh, học sinh lớp 9 ở quận Hà Đông đang học thêm ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, mỗi môn hai buổi một tuần. Do dịch bệnh, học thêm cũng theo hình thức trực tuyến, nên thời gian ngồi trước màn hình máy tính của em không dưới 9 tiếng một ngày.
"Cách học này vừa mệt mỏi, vừa không mang lại hiệu quả cao nhưng em cũng không biết làm thế nào khác", nữ sinh nói, bày tỏ lo lắng không thể trúng tuyển vào THPT Trần Hưng Đạo - Hà Đông khi đang rất lơ mơ ở các môn còn lại.
Hồi tháng 1, khi giải thích lý do không công bố sớm môn thứ tư, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Nếu công bố sớm, học sinh không học các môn không thi, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học".
Thanh Hằng - Dương Tâm