Trước Tết tôi có đi dự đám cưới con của người quen ở quê và thấy có một điều lấn cấn mãi. Trước lúc thực khách nhập tiệc, vị MC trịnh trọng thông báo hai bên gia đình sẽ cho cô dâu chú rể của hồi môn là những gì.
Bên nhà gái cho mấy cây vàng, tiền mặt. Bên nhà trai cũng không kém, thông báo cho cô dâu một bộ vàng cưới trị giá cây vàng, tiền mặt tương tự. Tất cả đều được bày ra giữa lúc đang làm lễ trước bàn thờ gia tiên. Và được phát tiếng ra loa một cách to, rõ. Những nhà hàng xóm đều nghe. Tất nhiên, những khách mời có mặt ngày hôm đó cũng nghe và bàn tán.
Một chị quay sang nói với tôi: "Ông B (chủ nhà gái) bây giờ làm ăn được nên cho con gái nhiều tiền, vàng làm của hồi môn ghê". Lập tức, một người khác trong bàn chêm vào: "Con gái thì cho nhiều vậy đó, chứ mấy năm trước lúc đi cưới dâu ông ấy cho ít lắm, thế nào con dâu cũng so bì".
Một lần khác, người họ hàng của tôi gả con gái, vào buổi tối tổ chức lễ công cô, cô dì, anh em của cô dâu cũng cầm micro rao lên tặng hồi môn vàng mấy chỉ, tiền mừng mấy triệu, khách đến dự và hàng xóm đều nghe rõ mồn một.
Khi ai đó cưới dâu, gả con, điều đầu tiên mà người dân ở quê tôi quan tâm bao giờ cũng là "cưới mấy cây vàng" hoặc "cho bao nhiêu tiền hoặc vàng". Rồi sau đó sẽ so sánh với con ông này, con bà kia. Thậm chí nếu nhà có hai con dâu, cũng sẽ so sánh cho dâu lớn bao nhiêu, dâu nhỏ bao nhiêu, nhiều hơn hay ít hơn...
Tôi không biết từ bao giờ, thủ tục nhà trai, nhà gái tặng tiền, vàng cho đôi trẻ lại được đem bắt loa rao lớn tiếng, như một cách phô trương như vậy. Nhớ lại lúc xưa, cha mẹ, họ hàng cho con cái tiền của hồi môn đều tổ chức một lễ riêng, mang tính chất nội bộ gia đình mà thôi. Cách làm này không chỉ không khoe khoang, mà còn mang tính chất tế nhị. Bởi trong họ hàng, anh chị em không phải ai cũng khá giả và giàu có nên không mặc cảm vì mừng ít hơn với những người còn lại.
Cũng chính cái việc phô trương cho vàng, tiền mừng cưới phải lên loa rao cũng sẽ làm khổ không ít người. Vì sĩ diện nên gom vàng, tiền (thậm chí đi vay) cho thật nhiều để nở mày nở mặt với xóm làng, nhưng sau khi rước dâu về nhà sẽ mượn lại, lúc đó nàng dâu thì mặt nặng mày nhẹ với mẹ chồng. Hoặc, khi nhà gái cho quá nhiều, thì chú rể bỗng dưng được cái tiếng "chuột sa hũ gạo".
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.