Nói về câu chuyện trễ giờ, lời nhận xét một số người Việt hay có thói đi trễ và sẵn sàng quàng dây thun vào cổ người khác là chính xác. Ngoài ra tôi muốn góp ý về thời gian ăn cưới ở Sài Gòn.
Nếu sống ở Sài Gòn, ắt hẳn bạn có hơn một lần được mời đi ăn cưới của bạn bè, đồng nghiệp, người quen ở nhà hàng. Và ắt hẳn không ít hơn một lần bạn có cảm giác trống trải, bơ vơ và khó chịu, thậm chí cảm thấy bực bội khi thời gian diễn ra tiệc cưới có độ chênh so với giờ được ghi trong thiệp.
Nhớ lại những lần đầu tiên đi ăn cưới ở đây, tôi phải ngồi thừ người ra chờ đợi vì đi đúng giờ. Thiệp mời ghi 19h, tôi đến sớm hơn 5 phút để trừ hao nhưng nhà hàng lác đác có vài người. Sau khi bỏ tiền mừng vào thùng cưới, tôi được hướng dẫn ngồi chờ tại bàn. Lúc đó chỉ biết lấy điện thoại ra lướt mạng để giết thời gian.
Tôi có cảm tưởng nếu điện thoại hết pin thì cũng chẳng biết làm gì cho đỡ trống trải lúc đó. Mãi đến 19h45 thì không khí mới bắt đầu nhộn nhịp lên. Đến hơn 20h thì các bàn mới bắt đầu lắp đầy chỗ trống, trong khi MC thì liên tục hối thúc: "Đã đến giờ bắt đầu buổi lễ, xin quý khách nhanh chân ổn định để hôn lễ diễn ra".
Hồi tháng 10 năm ngoái, tôi có dịp đi dự lễ cưới ở một huyện của tỉnh Đắk Lắk. Tôi rất tâm đắc vì bà con ở đây đi rất đúng giờ. Tiệc cưới diễn ra rất mau và gọn. Nhập tiệc lúc 18 giờ thì chỉ một tiếng sau đã tàn tiệc, ai về nhà nấy. Như vậy thực khách lẫn gia chủ đều sung sướng hay không?
Nhắc lại chuyện đám cưới trễ ở Sài Gòn mới thấy, thói đi trễ đã ăn sâu vào nề nếp sống của một số người. Những buổi hẹn cà phê, hẹn gặp mặt bạn bè hay hẹn với đối tác đều có một số thành phần đi trễ chen chân vào. Như vậy là làm lãng phí thời gian của rất nhiều người.
Trung bình một đám cưới mời 200 khách. Nếu ai cũng đi trễ và bắt nhiều người khác chờ đợi thì sẽ làm lãng phí rất nhiều thời gian.
Trần Duy Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.