Ông Vladimir Putin ngày 7/5 tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư tại Điện Kremlin. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, ông đã đắc cử Tổng thống Nga với tỷ lệ áp đảo với gần 78% phiếu ủng hộ, tương đương 55 triệu cử tri.
Đánh giá về cơ hội của Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ mới, Valery Fedorov, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu công chúng Nga (RPIRC), cho rằng Putin có thể tận dụng bối cảnh quốc tế hiện nay để xác lập vị thế của Nga.
Theo Fedorov, Mỹ đang suy yếu, không còn đủ sức thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện trên thế giới. Mỹ cũng không thực sự muốn có vai trò đó vì nó "quá đắt". Mặc dù vậy, Mỹ vẫn sẽ làm mọi điều để đảm bảo mình duy trì vị thế lãnh đạo thế giới, thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt, phá bỏ các thỏa thuận đa phương và yêu cầu Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu nhượng bộ, tạo ra những ưu tiên đơn phương cho Mỹ. Trước tình hình đó, Nga cần phải tìm ra phương thức đúng cho quan hệ với Mỹ, không đi theo con đường Washington đã vạch ra, nhưng không phải trả giá cho giai đoạn chuyển đổi đó.
"Cơ hội của Tổng thống Putin trong thời kỳ mới là tìm kiếm các đồng minh nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới, khác với trật tự Mỹ đưa ra, mang lại lợi ích cho hầu hết các nước", Fedorov nhận định.
Chuyên gia của RPIRC cho rằng do không bị hạn chế bởi các thỏa thuận với các nước nên Nga có thể linh hoạt và tham gia các liên minh khác nhau. Ví dụ, liên minh Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Nga đã giúp quét sạch phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Trước đó quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng do sự cố máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi ở biên giới gần Syria.
Fedorov nhấn mạnh đến lợi thế của Tổng thống Putin ở trong nước, có đến 80% dân số Nga ủng hộ ông Putin qua 4 năm qua, bất chấp những khó khăn về kinh tế và áp lực của lệnh trừng phạt từ bên ngoài.
Nhưng Tổng thống Nga đang đứng trước thách thức lớn về kinh tế. Moskva đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng vẫn chưa vươn lên được tới mức hàng đầu thế giới, đó là các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 10.000 USD trở lên. Ông Fedorov đánh giá thực tế nền kinh tế Nga đang bị chững lại trong vài năm do nhiều lý do khác nhau.
"Nếu Nga muốn phát triển năng động, Moskva cần tìm ra phương cách thoát khỏi tình cảnh giậm chân tại chỗ hiện nay", Fedorov nói.
Samuel Ramani, Đại học Oxford, Anh, cho rằng Putin đã có một chặng đường khó khăn từ năm 2012 đến nay, kinh tế có lúc thoát khỏi thụt lùi nhưng sau đó bị kéo trở lại. Ông dự đoán nhiệm kỳ thứ 4 của Putin chưa thể thoát khỏi "vết xe này". Tổng thống Nga trong giai đoạn 2018 đến 2024 sẽ ưu tiên cải thiện tình hình kinh tế, phát triển công nghệ và mở rộng ngành chế tạo.
"Nga sẽ tập trung vào mục tiêu giảm các lệnh trừng phạt kinh tế nhưng sự thiếu thiện chí của Moskva và phương Tây trong vấn đề Ukraine sẽ khiến cho tình hình ít có tiến triển", ông Ramani đánh giá. Tổng thống Nga có thể phải tập trung tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để thu hút đầu tư, đa dạng hóa nền kinh tế.
Theo Ramani, khó khăn về kinh tế cũng có thể khiến Putin "chuyển sự quan tâm" của dư luận trong nước vào những thành tựu chính sách ngoại giao. Moskva có thể tăng cường ảnh hưởng là một nhà đàm phán hòa bình ở Trung Đông, châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt là Triều Tiên nếu như đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị đổ vỡ.
Tại Syria và Ukraine, Putin có thể phải "kiềm chế" việc can thiệp sâu thêm mang tính quân sự. Trong nước, ông cũng phải thuyết phục giới trẻ, tầng lớp trung lưu ủng hộ phong trào đối lập và những người theo chủ nghĩa dân tộc rằng tương lai của Nga tốt đẹp hơn quá khứ.
Trước những tín hiệu muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga mà ông Trump đưa ra, chuyên gia Ramani không tỏ ra lạc quan, cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ vấp phải sự phản đối của Quốc hội và sự ảnh hưởng của cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 do công tố viên Mueller thực hiện.
Andrey Buzarov, thành viên của Hiệp hội Chính sách đối ngoại Ukraine, cho rằng áp lực từ phương Tây đối với Nga trong thời gian tới chưa thể suy giảm. Do đó Moscow sẽ tăng cường việc tìm kiếm đồng minh từ Cộng đồng kinh tế Á - Âu (EurAsEC), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), các nước mới nổi thuộc khối BRIC. Các thành viên của các tổ chức này gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Belarus, Armenia.
Ông Viacheslav Smirnov, Giám đốc Viện Xã hội học chính trị, Nga, đánh giá áp lực của phương Tây còn có thể gia tăng.
Người kế nhiệm
Với nhiệm kỳ thứ tư này, Putin có thể sẽ tìm cách cải tổ nhóm thân cận để đảm bảo họ vẫn nắm quyền sau khi ông từ chức sau năm 2024.
"Tổng thống Nga sẽ xem xét kế hoạch chuyển giao, ông ấy cần một nhóm trung thành để tiếp quản đất nước sau 2024", ông Ramani nói.
Chuyên gia Valery Fedorov cũng cho rằng Putin phải tính đến thế hệ kế cận vì đây là nhiệm kỳ cuối của ông. Nhiệm vụ của Putin trong giai đoạn tới là hình thành và đào tạo một nhóm lãnh đạo ở lứa tuổi 40, tối đa là 50, mà ông có thể chuyển giao quyền lực.
"Một thế hệ mới sẵn sàng điều hành đất nước, có lòng yêu nước, chia sẻ những giá trị tương tự như của ông Putin sẽ nắm quyền", ông Fedorov dự báo.
Khánh Lynh