"CO2" là chỉ những chuyến đi chui ngột ngạt, thiếu không khí trong các thùng container hoặc xe tải. Nếu đi theo "gói VIP", người di cư được ở khách sạn hoặc lên ngồi cùng cabin với tài xế. Còn với CO2, người di cư sẽ phải chịu đựng nhiều giờ trong các container chứa hàng hoá, nên còn được gọi là "thùng nhân".
Những người di cư thường phải chờ đợi hàng tháng trời trong các trại nhập cư ở miền bắc nước Pháp, trước khi lẻn vào xe tải. "Đầu rắn", tức các băng đảng buôn người, thường đánh đập các nạn nhân là đàn ông, tấn công tình dục phụ nữ, theo các nhóm viện trợ, luật sư và chính người di cư chia sẻ.
Đi "gói CO2" cũng đồng nghĩa phải cuốn mình trong chăn giữ nhiệt hoặc chịu đựng hàng giờ trong container lạnh chở hàng hoá nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Chính hành trình như thế đã gây ra cái chết của 39 người, được tin là công dân Việt Nam, trong container đông lạnh ở hạt Essex, đông nam nước Anh tuần trước.
Nhưng những gì các "thùng nhân" phải chịu đựng trên container kinh hoàng đó vẫn chưa phải chặng cuối của hành trình di cư đến Anh. Nếu sống sót, họ có thể bị đối xử tệ bạc ở tiệm nail hay cơ sở trồng cần sa chui.
Cảnh sát Anh đưa xe container chở 39 thi thể bị phát hiện ở hạt Essex rời khỏi hiện trường hôm 23/10. Ảnh: Reuters. |
Ước tính, người Việt trả cho những kẻ buôn người để tới châu Âu với mức giá từ 10.000 đến 50.000 USD.
Quá trình Brexit, tức rời Liên minh châu Âu (EU), làm Anh suy giảm nguồn nhân công từ Đông Âu. Người di cư Việt trông chờ vào một đất nước thiếu nguồn nhân công giá rẻ có thể trả gấp 5 lần số tiền họ kiếm được ở quê nhà.
Phần lớn các "ông trùm" đưa người Việt đến Pháp, Hà Lan rồi chuyển giao cho các băng đảng người Kurd và Albania, gần đây là người Ireland hoặc Bắc Ireland làm nốt phần việc còn lại.
Nhiều người Việt di cư đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh, hai tỉnh nghèo ở miền trung Việt Nam. Khi chứng kiến hàng xóm có người "đi làm" ở Anh đột nhiên đổi đời, tân trang nhà cửa bằng vật liệu đắt tiền hơn, mua sắm xe tốt hơn, khát khao về một tương lai tương tự cho gia đình lại trỗi dậy.
Nhưng khi đến Anh, họ hoàn toàn "vỡ mộng", sống trong tình trạng bấp bênh, không thể tìm kiếm sự giúp đỡ trong hệ thống nhập cư nghiêm ngặt. Chưa kể, họ phải đối mặt với sự kìm kẹp của một hệ thống buôn người với những "ông chủ" bóc lột sức lao động của họ.
"Tôi luôn khuyên họ hãy ở lại quê hương", linh mục Simon Nguyen Duc Thang tại một nhà thờ Công giáo ở phía đông London, nơi có nhiều giáo dân là người di cư, nói tuần này. "Ở quê, dù nghèo, bạn có thể được sống. Còn ở đây, bạn có tiền, nhưng có thể mất mạng", ông nói.
Trong ước tính 20.000 - 35.000 người Việt đang sống không giấy tờ tại Anh, không phải tất cả đều phải trải qua những chuyện kinh hoàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, nhiều người tới đây sẵn sàng làm việc cực khổ, mong có được thu nhập cao.
"Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng không phải tất cả những người di cư đều bị bóc lột và buôn bán", Tamsin Barber, giảng viên tại Đại học Oxford Brookers cho hay. "Nhưng các di dân đến đây sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, làm việc bất hợp pháp và có khả năng kiếm được số tiền lớn bằng buôn bán cần sa".
Số di dân Việt bị buôn sang Anh cũng không ngừng tăng, với năm ngoái cao gấp 5 lần năm 2012.
Trên hành trình từ Trung Quốc đến Nga và Tây Âu, một trong những đoạn đường khủng khiếp nhất người nhập cư Việt phải trải qua là đi bộ qua các khu rừng ở Belarus đến biên giới Ba Lan.
Trong một cuộc khảo sát năm 2017 do Pháp thực hiện về người nhập cư Việt Nam, một thanh niên tên Anh, 24 tuổi, cho hay anh và 5 người đàn ông khác, dưới sự dẫn dắt của kẻ buôn người, bị bắt nhiều lần ở Belarus. Khi được thả ở biên giới Nga, họ vượt biên thành công và lên được một chiếc xe tải ở Ba Lan. "Chúng tôi lạnh cóng", Anh kể. "Chúng tôi không có gì bỏ vào bụng trong suốt hai ngày, chỉ uống nước từ tuyết tan".
Nhiều kẻ đưa người vượt biên bằng cách bố trí cho nạn nhân đến các quầy thủ tục ở sân bay khoảng 10 phút trước khi máy bay đóng cửa. Với khoảng thời gian ngắn ngủi này, các nhân viên sân bay thường không đủ thời gian để kiểm tra giấy tờ.
Những chuyến đi tới Anh có thể mất vài tháng, nhưng cũng có thể là vài năm. Nguyễn Đình Lượng, 20 tuổi, được cho là nạn nhân trong vụ 39 người trên xe container, ban đầu muốn đến Pháp để tìm việc làm, đỡ đần gia đình 7 anh em. Nhưng khi đến được Nga, visa du lịch của Lượng quá hạn và bị giam 6 tháng. Sau đó, Lượng sang Ukraine và Pháp làm bồi bàn, trước khi quyết định sang Anh để làm cho tiệm nail.
Hành trình đến Anh của người Việt bị gián đoạn là chuyện thường tình, bởi họ bị giam giữ hoặc hết tiền. Một số người phải kiếm việc làm trên đường đi trong các nhà máy may ở Nga hoặc các nhà hàng trên khắp châu Âu. Một số phụ nữ thậm chí phải bán dâm, theo các nhà nghiên cứu.
Người Việt làm trong một tiệm nails ở Tottenham, London năm 2017. Ảnh: New York Times. |
Những kẻ buôn người thường nói dối hoặc bưng bít thông tin về địa điểm với di dân, nhằm kiểm soát họ hoàn toàn. Năm 2017, khi giới chức Ukraine bắt 16 người Việt Nam ở Odessa, các nạn nhân nghĩ rằng họ đang ở Pháp.
Nếu không nghe lời những kẻ buôn người, các nạn nhân có thể nhận hậu quả rất khốc liệt. "Muốn không bị cảnh sát phát hiện, họ buộc phải nghe lời chúng", linh mục Simon nói. "Nếu không, họ có thể bị đánh, phụ nữ thì bị lạm dụng tình dục".
Với những trường hợp đến được Anh, họ thường "vỡ mộng", theo luật sư Sulaiha Ali. Người Việt từng được hứa hẹn làm việc hợp pháp tại một nhà hàng hay công trường xây dựng sẽ bị bắt đi trồng cần sa bất hợp pháp trong các ngôi nhà hoang. Họ bị nhốt trong nhà nhiều ngày liền, với 15 người bị dồn vào một phòng, phải đối mặt với nguy cơ hoả hoạn do chập cháy điện hoặc các vấn đề sức khoẻ do hoá chất độc hại.
Còn ở các tiệm làm móng, nhiều người Việt có thể bị chủ kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống, dù có nghiên cứu cho thấy một số được chủ nhận làm "cha mẹ đỡ đầu", nấu ăn hoặc cung cấp chỗ ở. Các băng đảng buôn người thường "nắm thóp" nạn nhân bằng cách đe doạ họ sẽ bị bắt, trục xuất hoặc ngồi tù, do không có giấy tờ hợp pháp.
Linh mục Simon, người rời Việt Nam sang Anh năm 1984, cho biết gần đây ông nhận được cuộc gọi từ các gia đình ở Việt Nam, nhờ tìm hiểu thông tin, rằng liệu con cái họ có thể là nạn nhân trong vụ 39 người chết trong container.
"Những người cha, người mẹ, gọi cho tôi trong nước mắt", Simon kể. "Tôi không thể nghe rõ. Bạn phải vay rất nhiều tiền cho hành trình này với hy vọng con trai, con gái có thể kiếm được tiền trả nợ. Nhưng giờ lại vô vọng, chẳng có gì".
"Không có gì cũng được, nhưng đó là trong trường hợp bị bắt hoặc ngồi tù. Như thế có nghĩa là còn sống. Còn giờ đây, họ mất hết. Mất hy vọng, mất mạng. Chẳng có gì hết", linh mục Simon nói.
Mai Lâm (Theo NYTimes)