Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du tới Mỹ vào hôm qua, giới chức Trung Quốc kỳ vọng rất lớn rằng chuyến thăm này rốt cuộc sẽ định hình được "quan hệ nước lớn kiểu mới" giữa Mỹ và Trung Quốc, Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích cho hay.
Tuy nhiên, sau những cuộc đón tiếp, diễn thuyết tại Seattle và 21 phát đại bác chào mừng ở thủ đô Washintong D.C., ông Tập nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với không ít trắc trở trong chuyến công du tới Mỹ đầu tiên kể từ khi nhậm chức chủ tịch Trung Quốc, theo Financial Times. Những trắc trở đó xuất phát từ sự khó chịu, và thậm chí là tâm thế sẵn sàng đối đầu của nhiều người Mỹ đối với một loạt những vấn đề với Trung Quốc, từ thương mại song phương cho tới lĩnh vực an ninh.
Tâm thế đối đầu của Mỹ
Từ Lầu Năm Góc cho tới Bộ Ngoại giao, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang chuẩn bị những bước đi cứng rắn hơn để đối phó với Trung Quốc theo những vấn đề nổi cộm như gián điệp mạng, đánh cắp bí mật kinh doanh, cũng như tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
"Thách thức lớn hơn trong chuyến thăm này là nếu Trung Quốc tiếp tục kiểu hành vi trên và Mỹ chỉ có thể đưa ra giải pháp tạm thời, đến khi nào Washington mới áp đặt cái giá phải trả cho Bắc Kinh?", Michael Green, cựu quan chức Nhà Trắng, và hiện là chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đặt câu hỏi.
"Obama không phải là tổng thống cứng rắn, nhưng lần này ông ấy phải tỏ ra cứng rắn với ông Tập. Quân đội và cộng đồng tình báo Mỹ đang ngày càng phản đối sự mềm mỏng của ông Obama đối với Trung Quốc", ông Xiao Lian, chủ tịch trung tâm nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định.
Vài tuần trước chuyến thăm của ông Tập, chính quyền Mỹ đã tranh cãi về việc có nên áp đặt lệnh cấm vận đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc có hành vi gián điệp mạng hay không. Ông Obama đã từng nêu vấn đề này với ông Tập trong cuộc gặp ở California năm 2013. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc vẫn không hề giảm bớt những nỗ lực nhằm đánh cắp những bí mật giá trị từ các doanh nghiệp Mỹ.
"Trung Quốc rõ ràng là đã bước qua ranh giới quy tắc chấp nhận được, trong khi người Mỹ có quy tắc khá rõ ràng, đó là bạn không ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh và tri thức doanh nghiệp vì mục đích thương mại", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho biết.
Trong bài phát biểu hôm thứ hai, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nói tình trạng ăn cắp thông tin doanh nghiệp qua mạng "cần phải chấm dứt" bởi nó "đang gây ra căng thẳng rất lớn trong quan hệ song phương". "Đây không phải là sự khó chịu bình thường, đây là nỗi quan ngại về kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ", bà nhấn mạnh.
Trong chuyến công du của ông Tập, Nhà Trắng hy vọng sẽ thể hiện được rằng họ đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc đàm phán về an ninh mạng. Hai nước đã thảo luận về một thỏa thuận không áp dụng trước các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng, và có thể khôi phục đối thoại chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ khẳng định họ vẫn bảo lưu khả năng áp đặt lệnh cấm vận về an ninh mạng.
"Những lệnh cấm vận này vẫn chờ ở phía sau. Nếu kết cục là Trung Quốc không thay đổi cách hành xử, chúng ta có thể chứng kiến việc các công ty Trung Quốc bị cấm vận", ông David Dollar, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho hay.
Vấn đề Biển Đông
Ngoài ra, chính quyền Mỹ đã có những tranh cãi nội bộ gay gắt về cách thức đáp trả những hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chuyên gia phân tích Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể đã hoặc sẽ xây tới 4 đường băng tại khu vực này.
Nhiều tháng qua, Lầu Năm Góc đã gây sức ép với Nhà Trắng để được đưa tàu chiến, máy bay tuần tra đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, nhằm thể hiện Mỹ không công nhận đó là những hòn đảo thực sự có lãnh hải bao quanh theo luật pháp quốc tế. Nhưng đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa cho phép quân đội Mỹ thực hiện hành động này.
"Sẽ không có sai lầm nào cả: máy bay, tàu chiến Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Rốt cuộc, việc biến bãi đá ngầm thành sân bay không thể mang lại quyền chủ quyền", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố hồi tuần trước.
"Tôi tin rằng chúng ta nên cho phép thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trước những hòn đảo không phải là đảo đó", Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, trả lời trước Quốc hội vào tuần trước. Nhưng ông cho biết vẫn đang chờ đợi chỉ thị từ cấp trên.
"Chính quyền Mỹ đang đối mặt với những thử thách về lòng tin ở Biển Đông", chuyên gia về châu Á Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới nhận định, bởi Mỹ từng đề nghị các nước chấm dứt hoạt động cải tạo ở vùng biển này, dù họ nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không ngừng lại. "Đó chưa hẳn là lằn ranh đỏ, nhưng có thể là lằn ranh hồng. Chúng ta đã đưa ra một yêu cầu mà chúng ta biết là sẽ không được đáp ứng".
"Mọi dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn khao khát chiếm được ưu thế trên toàn bộ Biển Đông. Những bước đi nhỏ liên tiếp này đến một lúc nào đó sẽ vượt quá giới hạn chịu đựng của Mỹ. Các hành động chiến thuật từ từ của Trung Quốc có thể buộc Mỹ và đồng minh phải đáp trả một cách quyết liệt", theo ông Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh.
Thái độ dè chừng và đối đầu của các quan chức Mỹ sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho ông Tập trong chuyến công du này, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc vừa trải qua đợt biến động kinh tế lớn, khi thị trường chứng khoán chao đảo và đồng nhân dân tệ liên tiếp bị phá giá, biên tập viên Bill Powell của Newsweek nhận định.
Từ khi nhậm chức, ông Tập đã xây dựng cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo đầy quyền lực và tự tin. Người ta không được nghe thấy "trỗi dậy hòa bình" thường xuyên như "giấc mơ Trung Hoa", giấc mơ mà ông Tập đề xướng và quyết tâm theo đuổi. Nhưng những biến động của nền kinh tế đang khiến "thế oai" của ông suy giảm trước thềm chuyến công du quan trọng này.
Newsweek dẫn lời một cựu quan chức Mỹ phục vụ trong chính quyền cựu tổng thống Bill Clinton cho rằng, chuyến công du này là lúc để ông Tập "nhún mình" một chút, thừa nhận những nỗi quan ngại của các nước về nền kinh tế, về gián điệp mạng và thương mại. Đó cũng là lúc ông Tập đưa ra những giải pháp thực tiễn để trấn an thế giới, chứ không đơn thuần chỉ là những lời nói suông.
Trí Dũng