Nền kinh tế Trung Quốc chững lại kéo theo sự bất ổn của thị trường toàn cầu. Các láng giềng của quốc gia này, trước việc Trung Quốc ngày càng gia tăng những động thái gây hấn nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển, đang xích lại gần hơn với Mỹ. Việc Washington đang đe dọa trừng phạt Bắc Kinh liên quan đến bê bối về an ninh mạng cũng khiến nhiều công ty Trung Quốc không khỏi lo âu.
Theo Reuters, những rắc rối mà Bắc Kinh đang gặp phải kể trên sẽ trở thành đòn bẩy giúp Tổng thống Obama thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc khi lãnh đạo hai nước gặp mặt trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới Mỹ ngày 25/9 tới đây.
Mềm nắn, rắn buông
Giới quan sát kỳ vọng ông Obama sẽ gây sức ép lên Chủ tịch Tập quanh một số vướng mắc đang khiến mối quan hệ đôi bên trở nên căng thẳng. Song, Tổng thống Mỹ cũng không thể biểu hiện quá gay gắt bởi thực tế là giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn tồn tại một mối liên kết không thể tách rời. Vì thế, ông Obama được dự báo sẽ phải đối mặt với một bài toán khá hóc búa trong việc cân bằng lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Tổng thống Obama một mặt phải truyền đi những thông điệp mạnh mẽ về các vấn đề nóng hiện nay như gián điệp mạng, bất ổn trong chính sách kinh tế Trung Quốc hay tranh chấp trên Biển Đông tới Chủ tịch Tập. Nhưng mặt khác, ông chủ Nhà Trắng cũng không muốn trì hoãn một cuộc hội nghị thượng đỉnh có khả năng giúp ông định hình các mối quan hệ trong những tháng cuối của nhiệm kỳ tổng thống, các bình luận viên từ Reuters đánh giá.
"Thách thức dành cho Tổng thống Obama là liệu ông ấy có thể cải thiện mối quan hệ vô cùng quan trọng này không", một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhận định.
Giới phê bình cho rằng chiến thuật vừa thúc giục vừa thuyết phục Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế không đem lại gì ngoài thái độ bất tuân từ Bắc Kinh. Vì thế, ngay lúc này, những tiếng nói kêu gọi thực thi một đường lối mạnh tay hơn với Trung Quốc liên tục xuất hiện bên trong Quốc hội Mỹ cũng như từ các ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa.
Tổng thống Obama hôm qua xua tan mọi suy đoán cho rằng ông sẽ hành động mềm mỏng trước Chủ tịch Tập. Phát biểu tại Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp Mỹ, ông thẳng thắn cảnh báo về việc sẽ đưa ra những biện pháp đối phó nếu Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động gián điệp mạng, đồng thời hối thúc Bắc Kinh ngừng "bắt nạt" các láng giềng nhỏ bé hơn trong khu vực.
Ít đột phá
Các nhà phân tích từ cả Trung Quốc và Mỹ đều dự đoán sẽ không có chính sách mang tính bước ngoặt nào được đưa ra trong chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng này của Chủ tịch Tập.
Triển vọng lớn nhất là đôi bên có thể rút ngắn khoảng cách ở một số lĩnh vực cũng như thúc đẩy những thành tựu hợp tác còn khiêm tốn, ví như tăng tốc hoàn thành một hiệp ước đầu tư song phương, xây dựng cam kết về chống biến đổi khí hậu và tạo dựng các quy tắc mới nhằm giảm nguy cơ xung đột tại châu Á - Thái Bình Dương.
Ở những lần gặp trước đây giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Obama, nền kinh tế Trung Quốc lúc đó phát triển vượt bậc trong khi kinh tế Mỹ thì lao đao. Nhưng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang sụt giảm dẫn tới sự bất ổn của thị trường toàn cầu, vị thế của ông Tập khi đối diện với ông Obama lần này không hoàn toàn vững chắc.
"Hoàn cảnh hiện tại đặt ông Tập vào thế khó bởi ông đến cuộc gặp thượng đỉnh với thế bất lợi", một cựu quan chức Mỹ nhận xét.
Washington mới đây đe dọa trừng phạt các cá nhân và công ty Trung Quốc với cáo buộc thâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu của nhiều tổ chức Mỹ. Ông Obama hôm qua một lần nữa nhấn mạnh điều này khi tuyên bố trước lãnh đạo doanh nghiệp tại Hội nghị Bàn tròn rằng "đang chuẩn bị một số biện pháp mà sẽ khiến người Trung Quốc hiểu ra bản chất của sự việc không phải chỉ nằm ở việc chúng ta cảm thấy tức giận".
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thể hiện rõ rằng họ không hy vọng hai bên sẽ đạt được bước đột phá về ngoại giao trong chuyến thăm lần này.
Dù vậy, một quan chức Mỹ khẳng định ông Obama sẽ không ngần ngại đề cập đến những lĩnh vực còn tồn tại bất đồng khi thảo luận cùng Chủ tịch Tập. "Chúng ta sẽ không giơ nắm đấm. Khi không thể rút ngắn khác biệt thì ít nhất chúng ta sẽ xử lý chúng một cách hiệu quả nhất có thể", ông này nói.
Vũ Hoàng (theo Reuters)