Tôi không đồng ý với quan điểm "Con đi du học là món trang sức tô điểm cho gia đình".
Ví dụ, bạn muốn trở thành kỹ sư cơ khí thiết kế chế tạo máy, trường nào ở ta dạy, học xong đi làm ở đâu? Không có nhé. Tức là, Tây có rất nhiều cơ hội để chọn lựa hơn Ta. Hay nói cách khác, ở Tây không chọn được nghề yêu thích thì ở Ta càng không chọn được.
Tây coi trọng học thuật. Sinh viên có thể tranh luận thẳng thắn với giáo sư ở những chỗ họ không hiểu thậm chí phản bác lại giáo sư nếu nhận thấy lập luận của giáo sư không vững chắc. Còn ta, đọc chép, đọc chép lại đọc chép, chả hiểu làm sao thực hành học thuật, phản biện khoa học.
>> Tôi tìm được việc ở châu Âu như thế nào
Thế giới ngày càng phẳng hơn. Việc du lịch, du học, lao động và nhập cư không còn quá mức khó khăn như xưa nữa. Bạn lấy một cái bằng đại học rồi đi xin việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì tốt hơn hay chỉ lấy bằng ở Việt Nam, xin việc ở trong nước, trước khi hành nghề chính thức phải thông qua đào tạo lại, chưa nói ra nước ngoài phải học lại?
Ra nước ngoài phải học lại không phải là học lại kỹ năng mà là học lại luật lệ. Kỹ năng nào, làm nghề gì đều có quy tắc và luật lệ riêng, không phải muốn làm gì thì làm, càng không có chuyện làm trái ngành trái nghề.
Nếu con bạn không giỏi tiếng Anh? Học tiếng Anh ở mấy nước nói tiếng Anh một năm bằng học tiếng Anh ở Việt Nam chục năm. Cha mẹ không sợ con không giỏi tiếng Anh mà chỉ sợ con quên mất tiếng Việt. Rất nhiều gia đình cho quý tử sang Anh du học dù biết nơi này có mức sinh hoạt rất đắt đỏ.
Quy chế cho du học sinh sang Anh khá thông thoáng. Cứ có tiền đóng học phí thì học bao lâu cũng được, học cả đời cũng chẳng sao, chẳng bao giờ sợ bị đuổi học. Quý tử sang Anh càng có điều kiện ăn chơi hơn. Có hẳn một hội các du học sinh ăn chơi ở London. Đây mới chính là những kẻ "không theo ý cha mẹ".
>> Làm nail khi du học, tôi được mời thực tập công ty tốt
Phần lớn cha mẹ cho con du học là muốn con học hành đến nơi đến chốn. Còn nghề nghiệp nào do con tự chọn. Số lượng ngành học ở Tây khá lớn, hàng năm có thêm nhiều ngành nghề mới được tạo ra, ngay cả người bản xứ cũng không am hiểu hết, cha mẹ làm sao ép con cái được? Nhiều người học xong không về nước không hẳn vì họ muốn nhập cư mà vì ở Việt Nam không có chỗ nào để họ xin việc làm phù hợp chuyên môn.
Làm việc phù hợp chuyên môn thì mới có khả năng thăng tiến cao. Làm trái ngành trái nghề mà có khả năng thăng tiến cao thì kỹ năng "nịnh hót" phải siêu việt. Một xứ sở nổi tiếng văn hóa "phớt Ăng Lê" có vẻ kỹ năng nịnh hót không có đất sống. Ở Mỹ, người ta cũng thích được nịnh hót nhưng văn hóa thực dụng cao đã hạn chế rất nhiều tệ nạn này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lâm