Ngày 27/6, giới chức Campuchia giải tán cuộc biểu tình của một nhóm nhân viên casino NagaWorld. Cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 12/2021, nhằm phản đối tình trạng sa thải nhân công ở NagaWorld, sòng bạc lớn nhất Campuchia và là một trong những nơi tuyển nhiều lao động nhất ở Phnom Penh.
NagaWorld không phải là một dự án của Campuchia, bởi nó thuộc sở hữu của doanh nhân người Malaysia gốc Hoa Chen Lip Keong và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Đây là một trong số nhiều sòng bạc của các ông chủ nước ngoài đã tạo ra hàng loạt vấn đề xã hội nhức nhối ở Campuchia trong những năm qua.
Cờ bạc và các casino nước ngoài không phải vấn đề mới nổi ở Campuchia. Du khách nước ngoài đã xuất hiện ở các sòng bạc được người Trung Quốc mở ra ở Phnom Penh từ thế kỷ 16. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cờ bạc ở quốc gia Đông Nam Á thực sự bùng nổ năm 2017, khi các doanh nhân Trung Quốc đổ tới thành phố biển Sihanoukville để đua nhau mở casino.
Campuchia từ cuối thập niên 1990 bắt đầu phát triển ngành công nghiệp casino, cho xây dựng nhiều sòng bài ở các thị trấn biên giới và khu nghỉ dưỡng như Sihanoukville để thu hút du khách nước ngoài, trong khi cấm công dân nước này tham gia hoạt động bài bạc.
Sihanoukville trở thành nơi hấp dẫn với các du khách Trung Quốc muốn đánh bạc, bởi hoạt động này là bất hợp pháp ở Trung Quốc, ngoại trừ đặc khu Macau. Các sòng bạc, khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ đã thay đổi diện mạo của Sihanoukville. Người Trung Quốc sở hữu tới 90% doanh nghiệp trong thành phố.
Mối quan tâm ngày càng tăng của người Trung Quốc đối với ngành công nghiệp cờ bạc ở Campuchia đã giúp lợi nhuận của NagaWorld tăng vọt. Công ty này đã độc quyền về lĩnh vực casino trong bán kính gần 200 km từ thủ đô Phnom Penh kể từ năm 2000.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2019, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề nghị Bắc Kinh hỗ trợ phát triển Sihanoukville. Ông cho rằng Campuchia có thể hưởng lợi từ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá một tỷ USD chảy vào Sihanoukville.
Tuy nhiên, tháng 8/2019, khi các sòng bạc mới mở cửa, ông Hun Sen thông báo lệnh cấm cờ bạc trực tuyến, vốn thu hút phần lớn người chơi và là nguồn đóng góp 1/4 tiền thuế từ sòng bạc cho Campuchia. Lệnh cấm được ông Hun Sen đưa ra có thể nhằm giải quyết những lo ngại về tình hình tội phạm liên quan tới cờ bạc trực tuyến.
Lệnh cấm đã tác động rất lớn tới ngành công nghiệp casino ở Campuchia. Chỉ trong 4 tháng, nửa số sòng bạc ở Sihanoukville đóng cửa, 7.700 công nhân Campuchia bị sa thải và 450.000 công dân Trung Quốc rời quốc gia Đông Nam Á.
Sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát và du khách nước ngoài tới Campuchia giảm 80%. Sau những đòn giáng liên tiếp, doanh thu của ngành cờ bạc ở Campuchia giảm 90%.
Những thiệt hại về doanh thu do Covid-19 và lệnh cấm cờ bạc trực tuyến đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về điều kiện lao động của Campuchia. Các sòng bạc thuộc sở hữu nước ngoài đã đối mặt nhiều cáo buộc về lao động, như trả lương thấp, điều kiện làm việc tồi tệ, bóc lột lao động trẻ em...
Các công ty quản lý sòng bạc Trung Quốc đã áp dụng hệ thống phân biệt lao động, trong đó có những chính sách khác nhau về tiền lương và phúc lợi giữa lao động Trung Quốc và người Campuchia bản địa. Theo nhà nghiên cứu lao động Ivan Franceschini, nhân viên casino người Trung Quốc có thu nhập trung bình cao hơn 4,5 lần so với các đồng nghiệp người Campuchia, dù đảm nhiệm cùng một vị trí công việc.
Mức lương thấp càng trở thành vấn đề nhức nhối khi chi phí sinh hoạt tăng cao ở Sihanoukville và Phnom Penh, khiến người dân địa phương gặp nhiều khó khăn.
Các báo cáo điều tra chỉ ra rằng điều kiện làm việc của các nhân viên casino rất tồi tệ. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây mô tả quá trình xây dựng casino là "xây trước, cấp phép sau". Vào tháng 8/2019, một khách sạn liền kề với các sòng bạc mới ở Sihanoukville đổ sập do sai sót trong thi công, khiến 28 người Campuchia thiệt mạng.
Ngành công nghiệp cờ bạc không được kiểm soát cũng chứng kiến làn sóng lao động trái phép ở các casino, cũng như tình trạng gia tăng buôn bán tình dục liên quan tới lao động nước ngoài. Hồi tháng 10 năm ngoái, một sòng bạc do người Trung Quốc sở hữu đối mặt cáo buộc nhốt 400 nhân viên và buộc họ phải làm việc trong thời gian Covid-19 bùng phát.
Cuộc điều tra được Khmer Times tiến hành từ năm 2021 tới nay cho thấy sự bùng nổ của casino ở Sihanoukville đã kéo theo các hoạt động buôn người, lừa đảo lao động. Nhiều đường dây dụ dỗ người lao động nước ngoài tới Campuchia, đặc biệt là các sòng bài ở Sihanoukville, để làm "việc nhẹ lương cao". Nhưng khi tới nơi, họ bị nhốt trong các sòng bài với điều kiện làm việc tồi tệ, phải thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại hoặc phục vụ hoạt động cờ bạc trực tuyến phi pháp.
Tình trạng gia tăng tội phạm buôn người và các hoạt động lừa đảo như vậy được cho là một trong những lý do Mỹ xếp Campuchia từ nhóm 2 xuống nhóm 3 trong báo cáo về nạn buôn người năm 2022. Điều này khiến Campuchia có thể đối mặt với một số biện pháp trừng phạt của Mỹ, do không thực thi các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ tình trạng buôn người và không đạt cải thiện trong năng lực chống buôn người.
Bên cạnh điều kiện làm việc tồi tệ trong các casino, việc mở rộng ngành công nghiệp cờ bạc ở Campuchia đã gây tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng xung quanh. Hoạt động của các sòng bạc ở Sihanoukville và đảo Koh Rong gần đó đã làm gia tăng lượng lớn rác thải và vật liệu xây dựng bị xả thẳng ra bãi biển.
Từng là điểm đến du lịch nổi tiếng, Sihanoukville giờ đây bị nhiều du khách nước ngoài quay lưng, do cảnh quan bị hủy hoại bởi các công trình xây dựng liên tục và tình trạng ô nhiễm. Sau đại dịch, nhiều casino mới tiếp tục được xây dựng trên khắp Campuchia trong năm nay.
"Các sòng bạc mang lại rất ít lợi ích cho người dân sở tại", Meghan Murphy, thành viên tại Trung tâm nghiên cứu Đông - Tây, nhận định. "Những casino mới mọc lên vẫn là nỗi nhức nhối ở Sihanoukville".
Thanh Tâm (Theo Diplomat)