Cá nhân tôi tâm đắc với điều: "Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh." một câu trong ‘Bức thư gửi thầy Hiệu trưởng của Lincoln".
Đồng thời tôi mong muốn chúng ta sớm theo mô hình các nền giáo dục tiên tiến: Định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm, nếu học sinh có khả năng về học thuật thì học tiếp, ngược lại thì đi làm công nhân lành nghề. Bởi vậy tôi mong cấm dạy thêm càng sớm càng tốt.
Tuy vậy để cấm dạy thêm thì không thể một sớm một chiều, còn cần rất nhiều thời gian để có thể có được điều này. Hiện tại vẫn phải sống chung với chuyện học thêm, dạy thêm. Thế thì với những học sinh không đi học thêm mà vẫn muốn học tốt thì phải làm thế nào?
Về vấn đề này thì tôi xin chia sẻ cách tôi dạy con gái mình. Bé nhà tôi đang học lớp 3. Ngay từ khi cháu vào lớp 1 đến bây giờ thì gia đình không hề cho cháu đi học thêm ở trường, ở các trung tâm...
Không cho cháu đi học thêm không phải vì sợ tốn tiền mà bởi vì gia đình muốn cho cháu được vừa học, vừa chơi thoải mái, không đánh mất đi tuổi thơ của mình ngoài ra gia đình muốn rèn cho cháu kỹ năng cực kỳ quan trọng là kỹ năng tự học. Khi cháu vào lớp 1 thì cô giáo của cháu thường gọi điện, nhắn tin là cháu học kém, không theo kịp... gia đình cần cho con đi học thêm.
Tuy nhiên gia đình vẫn cương quyết không cho cháu đi học thêm. Nhiều phụ huynh than trời vì con em mình phải đi học thêm quá nhiều, tuy nhiên phụ huynh cũng có một phân lỗi ở đây, một trường tư thục có tiếng ở Hà Nội đầu năm học vừa rồi tuyển sinh vào lớp 1 không phải là bài kiểm tra đọc, viết mà bằng cách xem các cháu có biết tự phục vụ như tự biết ăn uống, tự biết vệ sinh hay không.
Do tôi có chút chuyên môn sư phạm, tôi hiểu rằng, trong giáo dục hiện đại thì việc thúc đẩy tính tích cực trong học tập của học sinh luôn là việc mà ngành giáo dục chú trọng. Ngành giáo dục luôn mong muốn có những tiết học mà người giáo viên chỉ đóng vai trò điều hành, giữ nhịp các em học sinh là người chủ động tìm tòi, phát hiện... để hiểu sâu bài học.
Hiểu được điều này nên tôi cương quyết không cho con gái mình đi học thêm mà từng bước dạy bảo con mình. Những cách đơn giản mà gia đình áp dụng để dạy con mình là:
- Hạn chế chê trách, khen ngợi động viên kịp thời. Việc khen ngợi, động viên đối với con mình cũng là một điều quan trọng. Khi cháu biết chữ thì thường mỗi lần nhìn thấy chỗ nào có chữ chẳng hạn khi gặp biển quảng cáo thì cháu lại đọc rồi ồ lên vui vẻ. Và cũng như mọi khi tôi lại nói với con mình: tại vì con đi học nên con mới biết chữ để đọc được biển quảng cáo, đọc được truyện.
Trước kia con không biết chữ, không biết cộng, không biết trừ nhưng giờ đây con đã biết, con chưa biết tiếng Anh nhưng dần dần con học là con sẽ biết như vậy, bởi vậy cần phải đi học, cần phải chịu khó học...
Trong quá trình dạy bảo con mình thì tôi luôn hướng cho con yêu thích việc học hành của mình bởi tôi hiểu rằng: khi người ta yêu thích thì người ta sẽ tự tìm hiểu. Nếu cháu tự yêu thích thì tốt rồi tuy nhiên đôi khi cần kỷ luật để cho cháu yêu thích. Ví dụ như tôi thường xuyên kể truyện cho cháu nghe, rồi dần dần yêu cầu cháu đọc một quyển truyện trong một thời gian nhất định.
Từ những việc như vậy mà cháu yêu thích việc đọc sách lúc nào không hay. Việc yêu thích đọc sách này là vô cùng quan trọng bởi vì điều này sẽ giúp cho cháu có khả năng tự học rất tốt.
- Học kỹ sách giáo khoa: Tôi xin nói thêm về vấn đề quan trọng này. Thực tế những thầy cô có chuyên môn tốt thì một trong những bí quyết quan trọng là các thầy cô này đều nắm rất chắc sách giáo khoa, cả phần lý thuyết và bài tập. Bởi vậy việc yêu cầu học sinh học kỹ sách giáo khoa cần là một việc vô cùng quan trọng của giáo viên và phụ huynh học sinh.
- Học kỹ bài cũ, học qua bài mới: Ngoài việc học kỹ bài cũ là cần thiết đối với mỗi học sinh thì học sinh cũng nên dành thời gian để học qua bài mới, bởi điều này sẽ giúp học sinh khi đến lớp có thể sẽ hiểu sâu bài học hơn. Trong khoảng thời gian nghỉ học như thứ bảy, chủ nhật hay nghỉ hè: gia đình cho cháu vui chơi thoải mái nhưng đồng thời cũng cho cháu ôn lại kiến thức.
Cụ thể vào dịp hè lớp hai vừa rồi thì gia đình cho cháu ôn lại hai quyển tiếng Anh lớp 1 và lớp 2, đồng thời cho cháu rèn luyện tư duy: trong thời gian này bằng việc mỗi ngày cháu phải hoàn thiện ít nhất 5 bài toán trong sách toán nâng cao lớp 2.
Khi cháu hoàn thành khoảng 300 bài toán trong cuốn sách này trong thời gian nghỉ hè thì cháu có thể hệ thống kiến thức một cách khá tốt, đồng thời việc giải toán nâng cao này cũng sẽ giúp cháu rèn luyện tư duy khá tốt.
- Mua khóa học trực tuyến phù hợp: Hiện nay có rất nhiều khóa học trực tuyến hữu ích, phụ huynh có thể mua những khóa học phù hợp cho con em mình. Những khóa học hữu ích này sẽ giúp con em mình tự học được mà không phải đi học thêm.
- Tạo mọi điều kiện để cháu được vui chơi thoải mái và cho cháu đi ngủ sớm: Việc này giúp cháu có sức khỏe và có được tinh thần thoải mái. Với cách giáo dục như vậy nên cháu học khá tốt.
Lúc nào cháu cũng muốn đi học, với cháu thì giờ đây ngày nào phải nghỉ học thật sự là rất khó khăn. Cháu có được kết quả này dù không phải đi học những lớp kiểu như tiền lớp 1, chưa hề phải đến học thêm ở trung tâm hay ở nhà thày cô giáo một buổi nào.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.