Ngày 11/4, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết gà, vịt là hai loại gia cầm được nuôi phổ biến, mục đích để cung cấp thịt hoặc trứng, mang nhiều giá trị dinh dưỡng.
Cụ thể, phần lườn, bụng chứa nhiều protein và ít cholesterol nhất; còn phần nội tạng, đùi, cánh, cổ chứa nhiều cholesterol xấu. Cholesterol xấu, còn gọi cholesterol LDL, có thể làm hỏng các động mạch mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể.
Bên cạnh đó, nội tạng gà, vịt có nguy cơ chứa giun sán, vi khuẩn, virus, hoặc tồn dư lượng thuốc trong quá trình chăn nuôi. Phao câu và phần da dưới cổ cũng là bộ phận không nên ăn bởi đó là nơi tập trung tuyến dịch bạch huyết, giống kho chứa vi khuẩn.
Có nhiều người cho rằng da gà khả năng gây hại sức khỏe do chứa nhiều chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol xấu trong máu. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy da gà không hoàn toàn là thực phẩm xấu. Trong 30 g da gà sẽ chứa 8 g chất chất béo chưa bão hòa và 3 g chất béo bão hòa, nếu sử dụng đúng cách có thể đem lại một số lợi ích sức khỏe.
Da vịt cũng tương tự như da gà, ngoài ra, là nguồn cung cấp glycine, một loại acid amin quan trọng, có nhiều vai trò trong cơ thể, bao gồm chữa lành vết thương, thúc đẩy ngủ ngon.
Phần thịt của con gà được chia thành hai loại, gồm thịt trắng (lườn, ức) và thịt nâu (đùi, cánh, chân). Do đặc trưng giòn, dai, thơm nên đùi gà được nhiều người thích hơn hẳn phần ức. Tuy nhiên, phần thịt trắng tốt hơn do chứa nhiều protein, ít chất béo. Trong 100 g ức gà có 18 g chất đạm, vitamin B, tác dụng ngăn ngừa đục thủy tinh thể và rối loạn về da, tăng cường miễn dịch. Mặt khác, đùi và cánh là hai vị trí hay được chọn để tiêm phòng trong quá trình nuôi nên không thể loại trừ việc tồn dư thuốc.
Theo bác sĩ Vũ, một số người mắc bệnh gout không nên ăn thịt vịt vì trong thịt này có lượng purin cao, khiến axit uric tăng. Do thịt vịt có tính mát nên người có thể trạng hàn lạnh hạn chế tiêu thụ. Thịt này có thể gây lạnh bụng, dẫn đến cảm giác chán ăn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các dấu hiệu tiêu hóa bất lợi khác.
Người bị sỏi thận cũng không nên ăn nhiều thịt gà, do thịt này giàu protein, khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng, từ đó hình thành các loại sỏi.
Về giá trị dinh dưỡng, trong đông y, thịt gà, còn gọi kê nhục (thịt gà trống là hùng kê nhục, thịt gà mái là thư kê nhục), vị ngọt, tính ấm, không độc, tác dụng bổ tỳ, điều hòa khí huyết, chữa thận yếu, phong thấp, rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Thịt gà thường được tần với tam thất, nấm linh chi hoặc đông trùng hạ thảo để bồi dưỡng và cầm máu; hầm với hạt sen chữa suy dinh dưỡng; ninh cùng ngải cứu dùng cho phụ nữ xanh xao, gầy yếu. Cháo thịt gà mái ăn được coi như thuốc chữa liệt dương.
Thịt vịt vị ngọt, mặn, tính mát, có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc. Người suy nhược, sốt, chán ăn, thể trạng gầy yếu ăn bồi bổ rất tốt. Thịt vịt đực, nấu nhừ với gạo tẻ thành cháo, thêm vỏ quýt, gừng, hành trắng, muối, ăn hàng ngày chữa nóng trong, miệng khô, háo khát, đi tiểu nhiều ở người cao tuổi.
Hoặc thịt vịt (100-200 g) hầm với gừng tươi, ăn làm thuốc bổ âm, bổ dạ dày, giải độc, trừ tả lỵ; chế biến với nhân hạt hồ đào và đường phèn, ăn liên tục 3 ngày, chữa thở khò khè; với đông trùng hạ thảo hoặc hạt khiếm thực (15 g) chữa tiểu đường; với sa sâm (30 g), ngọc trúc (30 g), chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm dậy.
Trong tây y, thịt gà vịt được cho là tốt hơn thịt đỏ (lợn, bò) do chứa hàm lượng chất béo xấu ít hơn.
Thúy Quỳnh