BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết người lớn thường mang mầm bệnh trên cơ thể, có thể không biểu hiện bệnh do cơ địa hoặc lượng virus, vi khuẩn chưa đạt đến ngưỡng gây bệnh. Tuy nhiên, những mầm bệnh này có thể lây lan cho trẻ qua nụ hôn, đặc biệt nhóm dưới 2 tuổi với hệ miễn dịch yếu và chưa được chủng ngừa đầy đủ vaccine.
Lao
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, Việt Nam xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Ước tính có thêm 172.000 người mắc lao trong năm 2023 và khoảng 13.000 người tử vong do lao. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu dễ mắc bệnh lao, nguồn lây chủ yếu từ người thân trong gia đình. Bệnh có thể tiến triển nặng thành các thể lao ngoài phổi như lao màng não, lao hạch, lao màng bụng, lao da, lao xương, lao khớp.
Cúm
Cúm dễ lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hay chạm vào các bề mặt chứa virus sau đó đưa tay lên mắt mũi miệng. Khi người lớn tiếp xúc gần trẻ như hôn, chạm tay vào miệng, mắt, virus dễ dàng lây cho trẻ. Bệnh cúm có thể tự khỏi, song có thể biến chứng, bệnh trở nặng ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi...
Virus Herpes (HSV)
Theo bác sĩ Cầm, người nhiễm virus Herpes sẽ có triệu chứng loét, mụn nước ở môi và xung quanh miệng. Virus này có thể lây truyền thông qua nụ hôn. Ở trẻ sơ sinh, virus gây bệnh nghiêm trọng, liên quan đến hệ thần kinh trung ương hoặc có thể gây nhiễm trùng lan tỏa liên quan đến nhiều cơ quan như gan, phổi, tuyến thượng thận và não.
Virus hợp bào hô hấp (RSV)
Giữa tháng 10, em bé sơ sinh 8 ngày tuổi được đưa đến một bệnh viện tư tại Hà Nội cấp cứu trong tình trạng tím tái, khó thở, xẹp phổi do nhiễm virus RSV sau khi được người lớn thăm bế, ôm hôn. Theo bác sĩ Cầm, virus RSV dễ dàng lây qua đường hô hấp, đặc biệt là thói quen hôn trẻ. Khi trẻ nhiễm virus này sẽ có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi, thở khò khè... Trẻ có thể suy hô hấp, suy tim, suy đa tạng, thiếu oxy, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Sởi
Sởi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Virus sởi lây qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bệnh hoặc dịch tiết mũi họng. Trẻ nhỏ chưa tiêm vaccine sẽ rất dễ có nguy cơ mắc, gặp biến chứng mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm màng não...
Não mô cầu
Trẻ có thể hít phải những giọt bắn chứa vi khuẩn não mô cầu trong không khí khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện gần, ôm hôn trẻ. Theo Cục Y tế dự phòng, ở vùng lưu hành dịch, có từ 5-10% mang vi khuẩn này ở vùng hầu họng nên sẽ là nguồn lây khó kiểm soát. Bệnh khởi phát đột ngột, có thể gây tử vong trong 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời và nhiều di chứng như cắt cụt chi, mù, điếc, thiểu năng trí tuệ nếu sốt sót.
Cách phòng ngừa
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, hiện không khí lạnh tràn về ở nhiều tỉnh thành tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus bệnh ở mọi đối tượng. Trong đó, trẻ nhỏ chưa tiêm đủ vaccine, sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Nhằm phòng bệnh cho trẻ, gia đình cho bé ăn uống đủ chất, tránh tiếp xúc đông người, hạn chế ôm, hôn trẻ. Người lớn nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay, thay quần áo khi đi làm, đi ngoài đường về trước khi bế con.
Theo bác sĩ Cầm, các bệnh như cúm, sởi, lao, não mô cầu đã có vaccine đơn và phối hợp dành cho trẻ. Trong vòng 24 giờ đầu đến một tháng sau sinh, trẻ cần tiêm một mũi vaccine lao. Với vaccine cúm, trẻ cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng vào lúc 6 và 7 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc hằng năm.
Loại phòng não não mô cầu tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, với hai loại phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh phổ biến gồm A, B, C, Y, W-135. Còn vaccine sởi được tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Cha mẹ nên cho con tiêm phòng sớm, đúng lịch, đủ liều để giúp trẻ phòng tránh mắc các bệnh trên và nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Khi trẻ không may mắc bệnh có các biểu hiện như sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh rút lõm lồng ngực, cần đưa con nhập viện ngay.
Diệu Thuần