Vài ngày sau khi quân đội Nga rút khỏi thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền nam Ukraine, một tốp công nhân được điều tới ngôi làng nhỏ Posad-Pokrovske để sửa chữa đường ray xe lửa đến Mykolaiv. Đây từng là nơi giao tranh khốc liệt nhất trong nhiều tháng qua ở Kherson.
Khi đến làng Posad-Pokrovske, tốp công nhân nhận thấy nhiều cành cây, khúc gỗ chắn ngang đường. Không mảy may nghi ngờ, họ loại bỏ chướng ngại vật và lái xe tải chuyên sửa chữa đường ray tiếp tục tiến về phía trước.
Nhưng đi thêm chưa được 100 mét, xe tải của họ cán trúng mìn chống tăng bên dưới mặt đường, khiến một công nhân mất chân, những người khác được chuyển đến bệnh viện điều trị. Về sau, nhóm công nhân mới biết những khúc gỗ là do các binh sĩ Ukraine đặt trên đường để báo hiệu có mìn ở phía trước.
Sự cố này không phải cá biệt ở Kherson. Chỉ vài ngày trước đó, một gia đình 4 người đã cán phải mìn khi lái xe tại làng Novoraisk, ngoại ô thành phố.
Trước khi Nga rút quân, chính quyền Ukraine đã cảnh báo rằng Moskva đang cố gắng biến Kherson thành "thành phố chết chóc". Sau khi kiểm soát thành phố, quân đội Ukraine cho hay nhiều khu vực ở đây đã bị biến thành những bãi mìn khổng lồ.
"Vì quân đội Nga đã lên kế hoạch chủ động rút lui, nên họ có nhiều thời gian để gài mìn", Tymur Pistriuha, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Hiệp hội Rà phá Bom mìn Ukraine, nói với Guardian. "Nhiều khả năng Kherson đã trở thành là khu vực có nhiều mìn nhất Ukraine và sẽ sớm đứng đầu thế giới về số thương vong do bom mìn sót lại".
Ngoài những đống đổ nát là tàn tích của xung đột, các con đường dẫn đến Kherson giờ đây còn gây chú ý bởi cứ cách mỗi 10 mét lại xuất hiện những hàng rào băng đỏ trắng bên cạnh biển cảnh báo bãi mìn.
Hàng chục quả mìn được thu hồi nằm chất đống cạnh các trạm kiểm soát gần đó, hiện do lực lượng Ukraine kiểm soát. Trên các con đường vùng nông thôn, vô số quả mìn chưa nổ nằm dưới mặt đất và đang chờ giới chức vô hiệu hóa.
Theo giới chuyên gia, quá trình rà phá mìn ở Kherson phải nhất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mới có thể hoàn thành. Các nhân chứng và quan chức quân sự Ukraine nói rằng quân đội Nga đã cài bẫy mìn ở khắp mọi nơi.
"Người Nga gài mìn ở bất kỳ nơi nào có thể", Oleksandr Valeriiovych, binh sĩ Ukraine đóng quân tại làng Posad-Pokrovske ở Kherson, nói. "Những con đường, những vùng đất, những cây cầu, những ngôi nhà, những tòa cao ốc. Mọi thứ. Chúng tôi tìm thấy mìn ở khắp mọi nơi. Tôi chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ điều gì tương tự trước đây", Valeriiovych mô tả.
Nga không bình luận về các thông tin này.
Hôm 12/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi thành phố Kherson được giải phóng, đã kêu gọi cư dân địa phương "cẩn trọng và không cố gắng tự mình kiểm tra bất cứ tòa nhà hay đồ vật nào mà đối phương để lại".
Ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi đầu năm, các nhân viên rà phá bom mìn đã phải dành nhiều năm xử lý chất nổ ở miền đông đất nước. Ukraine xếp thứ 5 thế giới về thương vong dân sự do bom mìn gây ra và nằm trong top 3 về các sự cố bom mìn với xe cộ.
Khi các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra ở miền nam và miền đông đất nước, các nhân viên rà phá bom mìn Ukraine ngày càng tiếp xúc với nhiều loại thiết bị nổ khác nhau được lực lượng Nga triển khai, trong đó có "mìn bướm", được người Ukraine gọi là "mìn cánh hoa". Đây là một loại mìn gây sát thương cao và rất khó bị phát hiện, bởi chúng trông giống như đồ chơi và đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.
Bài toán xử lý bom mìn không chỉ ở trên đất liền. Nga và Ukraine cùng cáo buộc nhau rải hàng trăm quả thủy lôi xuống Biển Đen, đặc biệt là khu vực xung quanh cảng Odessa. Chúng cũng đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các quốc gia khác.
Giới chức Bulgaria đã khuyến cáo người dân sống gần bờ biển nên đề phòng thủy lôi. Romania cũng đang nỗ lực gỡ bỏ các thiết bị nổ được tìm thấy trong vùng biển của mình. Ít nhất hai quả thủy lôi dường như đã trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Các chuyên gia rà phá bom mìn Ukraine cảnh báo khi xung đột kết thúc, họ sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ để xóa bỏ mối đe dọa từ bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại từ chiến sự.
Vũ Hoàng (Theo Guardian)