Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết bệnh viêm màng não xuất hiện rải rác quanh năm, xu hướng tăng vào mùa nắng nóng. Lý do là mùa hè nắng nóng thường kèm theo mưa rào, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh sinh sôi, phát triển. Đồng thời thời tiết cực đoan sẽ khiến sức đề kháng giảm đi, người dân dễ mắc bệnh.
Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương, diễn biến nặng, gây tử vong hoặc để lại di chứng cao. Trong đó, viêm màng não do các nhóm vi khuẩn gây ra có thể dẫn tới tử vong trong vòng 24 giờ. Các tác nhân gây bệnh như phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn, vi khuẩn Hib đã có vaccine phòng ngừa hiệu quả từ trẻ 2 tháng tuổi và người lớn.
Vaccine phế cầu khuẩn
Viêm màng não do phế cầu khuẩn có tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), viêm màng não do phế cầu khuẩn gây ra hơn 50% trường hợp viêm màng não do vi khuẩn, mỗi năm Mỹ ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc. Tại Việt Nam, phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não.
Bệnh có thể tiến triển rất nhanh, tỷ lệ tử vong trên 50% khi không được điều trị kịp thời. Khoảng 30-50% người khỏi bệnh phải đối mặt với các di chứng nặng nề như điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém và gặp chứng đau đầu kéo dài.
Theo bác sĩ Tấn, tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa chủ động viêm màng não do phế cầu và các biến chứng, hiệu quả đến 97%. Nhiều nghiên cứu cho thấy các mũi ngừa phế cầu giúp giảm tỷ lệ nhập viện, rút ngắn thời gian điều trị, từ đó giảm chi phí cho chữa bệnh, so với nhóm không tiêm chủng.
Vaccine đồng thời giúp giảm tỷ lệ người lành mang trùng và hạn chế lây nhiễm phế cầu từ nhóm này ra cộng đồng. Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn nhưng không mắc bệnh và không biểu hiện triệu chứng.
Vaccine phòng não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu thường xảy ra đột ngột, với các triệu chứng: sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng, có ban xuất huyết hình sao (tử ban), trạng thái lơ mơ và hôn mê. Bệnh đứng thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất, thường xuất hiện tại Việt Nam khi chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa vào tháng 6-10.
Mọi đối tượng đều có khả năng nhiễm não mô cầu, trong đó nhóm dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên, người bị suy giảm miễn dịch ghi nhận số mắc cao hơn. Theo WebMD, não mô cầu gây bệnh nặng, 15% người mắc tử vong dù được điều trị tích cực, 20% người khỏi bệnh vẫn gặp di chứng vĩnh viễn như mất thính lực hoặc tổn thương não...
Vi khuẩn não mô cầu có 13 chủng, trong đó A, B, C, Y, W là 5 chủng phổ biến tại Việt Nam. Dịch tễ học các nhóm huyết thanh có sự biến đổi liên tục theo thời gian ở tất cả các các quốc gia, các vùng địa lý nên khó dự đoán.
Hiện Việt Nam có 3 loại vaccine phòng 5 nhóm não mô cầu khuẩn nguy hiểm gồm mũi đơn ngừa nhóm B, mũi phối hợp ngừa nhóm B, C hoặc nhóm A, C, Y, W-135. Trong đó, có loại ngừa nhóm B là vaccine thế hệ mới, có hiệu quả bảo vệ đến 95%, tiêm chủng sớm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Vaccine ngừa vi khuẩn Hib
Chương trình Tiêm chủng Mở rộng dẫn một thống kê trên thế giới thực hiện năm 2010, ước tính có khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi, viêm màng não mủ và khoảng 400.000 trẻ tử vong do Hib mỗi năm. Tại Việt Nam, Hib chiếm từ 1/3-1/2 số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi.
Theo thống kê, 5-10% trường hợp mắc viêm màng não do vi khuẩn Hib sẽ tử vong, 15-30% di chứng thần kinh vĩnh viễn như tổn thương não, điếc, rối loạn tâm thần, trí tuệ sa sút, giảm khả năng học tập, khó khăn khi vận động...
Để phòng bệnh viêm màng não do Hib, trẻ từ 2 tháng tuổi được khuyến cáo tiêm các mũi vaccine phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 có thành phần Hib. Lịch tiêm 4 mũi, trẻ cần hoàn thành trước 2 tuổi. Còn vaccine Hib đơn giá tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 15 tuổi, số mũi tiêm tùy phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.
Ngoài ra, để phòng viêm màng não, bác sĩ Tấn khuyến cáo phụ huynh vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh vùng mũi họng, nhắc trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài và chú ý giãn cách ở nơi đông người. Khi có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, thóp phồng, cổ cứng, gia đình cần đưa con đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Mộc Thảo